Kho vũ khí sắp cạn, Ukraine kêu gọi viện trợ gấp 1.000 tên lửa mỗi ngày
(Dân trí) - Ukraine muốn Mỹ cung cấp nhiều tên lửa phòng không và chống tăng hơn so với trước đây trong bối cảnh kho vũ khí đang cạn dần.
Trong những tuần gần đây, Ukraine đã gửi danh sách viện trợ quân sự bổ sung tới Mỹ, đề nghị Washington cung cấp vũ khí để giúp Kiev đối phó với chiến dịch quân sự của Nga.
Tuy nhiên, bản danh sách do Ukraine gửi tới các nghị sĩ Mỹ gần đây dường như cho thấy nhu cầu tăng lên đối với các tên lửa phòng không Stinger và tên lửa chống tăng Javelin do Mỹ sản xuất. Theo đó, Ukraine cho biết nước này cần khẩn cấp 500 tên lửa Stinger và 500 tên lửa Javelin mỗi ngày.
Danh sách mới được đưa ra trong bối cảnh Ukraine đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt vũ khí do chiến dịch quân sự kéo dài của Nga.
Theo báo The Times của Anh, Ukraine cho biết nước này sắp hết vũ khí cần thiết để đáp trả máy bay và xe tăng Nga, đồng thời kêu gọi Đức và Pháp thực hiện cam kết và gửi thêm vũ khí như đã hứa.
Tuần trước, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba phàn nàn rằng, quân đội nước này chỉ còn "2 tuần vũ khí để chiến đấu" trước khi hết tên lửa phòng không và chống tăng. Tình hình được cho là chỉ "được cải thiện một phần" sau khi các nước gửi thêm vũ khí trong những ngày qua.
Tuy nhiên theo quan chức Ukraine Paul Grod, một số quốc gia, bao gồm Đức và Pháp, chưa chuyển vũ khí hỗ trợ đúng như đã cam kết. Theo ông Grod, thực tế cho thấy Ukraine đang sử dụng hết các hệ thống phòng thủ cần thiết.
"Quân đội cần thiết bị chống tăng, phòng không và các hệ thống phức tạp hơn. Họ sắp hết tên lửa Stinger và Javelin. Họ cần được trang bị năng lực bảo vệ không phận", ông Grod nói.
Mới đây, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho hay lực lượng quân đội Ukraine chỉ còn lượng vũ khí đủ dùng 1 tuần, trong khi Nga vẫn pháo kích liên tục trên nhiều mặt trận.
Tính đến ngày 7/3, tức chưa đầy 2 tuần sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine, Mỹ và các nước thành viên NATO khác đã đưa khoảng 17.000 tên lửa chống tăng và 2.000 tên lửa phòng không tới Ukraine.
Kể từ đó, các nước NATO, bao gồm Mỹ, vẫn tiếp tục viện trợ vũ khí và thiết bị quân sự cho Ukraine, ngay cả khi Nga dọa nhắm mục tiêu tấn công vào các lô vũ khí vận chuyển cho Kiev.
Một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cho biết, lô cuối cùng trong gói hỗ trợ an ninh trị giá 350 triệu USD được thông qua vào cuối tháng 2 đã đến Ukraine trong vài ngày qua, trong khi 2 gói viện trợ tiếp theo với tổng trị giá 1 tỷ USD đã bắt đầu được chuyển đến.
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 24/3 tuyên bố các vũ khí, đạn dược vẫn đang được chuyển đến Ukraine. Anh ngày 23/3 cũng thông báo sẽ chuyển thêm 6.000 tên lửa cho Ukraine cùng 33 triệu USD nhằm hỗ trợ tài chính cho quân đội Ukraine.
Đức đã cung cấp 1.000 vũ khí chống tăng, 500 tên lửa Stinger và hứa sẽ chuyển thêm 2.700 tên lửa đất đối không Strela từ kho dự trữ của quân đội trước đây. Nhưng chỉ 2.000 tên lửa Strelas được cho là có thể sử dụng được và 500 tên lửa đã đến tay binh sĩ Ukraine.
Hôm 21/3, Đức cho biết sẽ cung cấp thêm số vũ khí tương tự nhưng được gửi trực tiếp từ các nhà sản xuất chứ không phải từ kho dự trữ của họ. Tuy nhiên, Berlin không cung cấp số liệu hoặc thời điểm chuyển giao.