Khả năng sống sót của quân Nga ở Ukraine tăng 5-6 lần nhờ tuyến phòng thủ
(Dân trí) - Hơn 3.600km chiến hào, 150.000 hầm trú ẩn, hơn 45.000 boongke và 12.000 trụ bê tông cốt thép được Nga xây dựng từ khi Ukraine bắt đầu cuộc phản công, giúp tăng khả năng sống sót của quân đội nước này.
Trung tướng Yury Stavitsky, người đứng đầu Lực lượng Công binh Nga, ngày 18/1 chia sẻ với nhật báo Krasnaya Zvezda rằng, hệ thống phòng thủ sâu120km đã giúp quân đội Nga tăng khả năng sống sót thêm 5-6 lần. Trong 8 tháng, lực lượng Nga ở Ukraine đã xây dựng hơn 400 khu vực phòng thủ, một nỗ lực chưa từng có.
"Hệ thống phòng thủ sâu 120km đã được Nga xây dựng dọc theo toàn bộ tuyến liên lạc ngay từ đầu cuộc phản công của Ukraine. Với quy mô và thời gian của nhiệm vụ, đây rõ ràng là diễn biến chưa từng có trong lịch sử các cuộc xung đột vũ trang. Các chiến tuyến được phòng thủ hoàn toàn đã giúp tăng khả năng sống sót của quân đội Nga cũng như hiệu quả của vũ khí và khí tài gấp 5-6 lần", ông nói.
Hơn 3.600km chiến hào, 150.000 hầm trú ẩn, hơn 45.000 boongke và 12.000 công trình bê tông cốt thép đã được xây dựng tính tới thời điểm Ukraine bắt đầu cuộc phản công.
"Hơn 400 khu vực phòng thủ đã được xây dựng trong 8 tháng trong điều kiện thời tiết và khí hậu khó khăn cũng như trong hoàn cảnh quân Nga phải liên tục đối phó với vũ khí và máy bay không người lái của Ukraine. Hệ thống các tuyến, vị trí và khu vực phòng thủ này bao gồm 2-3 tuyến phòng thủ. Nó có thể sánh ngang với tuyến phòng thủ Mannerheim dài 135km được xây dựng trong 10 năm, tuyến Maginot dài 400 km được xây dựng trong 12 năm", ông Stavitsky nói.