Nga tung chiến thuật phòng thủ, vô hiệu hóa xuồng "sát thủ" Ukraine
(Dân trí) - Nga đã dựng hệ thống phòng thủ nhiều lớp và triển khai các thiết bị đối phó xuồng tự sát của Ukraine ở Biển Đen.
Trong thời gian qua, bán đảo Crimea và Hạm đội Biển Đen của Nga nhiều lần trở thành mục tiêu bị tấn công bằng xuồng không người lái (USV), hay còn gọi là xuồng tự sát, của Ukraine. Các chuyên gia cho rằng xuồng tự sát thậm chí còn nguy hiểm hơn các loại vũ khí trên không như tên lửa và bom.
Chi phí tương đối thấp của xuồng tự sát cũng có thể cho phép Ukraine thực hiện các cuộc tấn công với số lượng lớn, khiến tàu chiến Nga khó phát hiện và đánh chặn toàn bộ mục tiêu.
Ngoài ra, xuồng tự sát Ukraine thường di chuyển sát mặt biển và kích thước tương đối nhỏ, nên việc phát hiện chúng bằng radar hoặc thiết bị sóng âm phản xạ là một thách thức lớn với Nga.
Các xuồng tự sát của Ukraine có thể bị sóng biển che khuất cho tới khi chúng tới rất gần mục tiêu. Việc đánh chặn các vũ khí tương đối nhỏ, tốc độ khá nhanh lúc này trở nên thách thức hơn với Nga.
Để đối phó với xuồng tự sát của Ukraine, Nga đã xây dựng hệ thống phòng thủ nhiều lớp ở Biển Đen.
Lớp phòng thủ đầu tiên và dễ nhận biết nhất là các hàng rào chướng ngại vật được bố trí dọc lối vào các cảng. Nga đã đặt các lớp lưới, phao nổi và xà lan gầm Sevastopol, cầu Crimea và các cảng khác.
Những hàng rào này có thể mang lại hiệu quả tương đối trong việc ngăn chặn xuồng tự sát của Ukraine xâm nhập vào các bến cảng.
Việc lắp đặt hàng rào được Nga kết hợp với việc triển khai súng máy và tàu chiến làm nhiệm vụ tuần tra trong khu vực.
Ngoài hàng rào chướng ngại vật, máy bay của Nga cũng là mối đe dọa chính đối với USV Ukraine. Chúng có thể bị các máy bay tuần tra Be-12 của Nga phát hiện, sau đó có thể cảnh báo cho các đơn vị khác.
Máy bay Be-12 của Nga có radar được thiết kế để phát hiện các mục tiêu nhỏ như kính tiềm vọng của tàu ngầm, vì vậy các USV nhỏ cũng có khả năng bị phát hiện. Các máy bay này sẽ được sử dụng để phát cảnh báo, từ đó Nga có thể triển khai các trực thăng ra đánh chặn USV Ukraine.
Nga đã thành lập các đơn vị chuyên trách trang bị trực thăng Mi-8 và Ka-27. Những trực thăng này bay từ Crimea và tấn công USV Ukraine bằng rocket và súng máy.
Hiện tại, USV Ukraine dường như không có khả năng tự vệ trước trực thăng Nga, ngoại trừ việc tận dụng tốc độ và khả năng cơ động để đối phó.
Các máy bay chiến đấu Su-27, vốn thường xuyên tuần tra Biển Đen trước các mối đe dọa trên không và để ngăn chặn máy bay NATO, cũng được Nga sử dụng. Trong ít nhất một trường hợp, Su-27 Nga đã khai hỏa vào một USV của Ukraine, song không rõ hiệu quả của vụ việc này.
Các hệ thống tác chiến điện tử cũng được Nga sử dụng để đối phó USV Ukraine. Các tàu chiến và cơ sở trên bờ của Nga đã được trang bị thiết bị gây nhiễu, phát ra sóng điện từ làm nhiễu kết nối của USV. Phương pháp này cũng được Nga sử dụng đối với các máy bay không người lái (UAV) và gây ra tổn thất cho Ukraine.
Các tàu có giá trị cao của Nga, như tàu chở vũ khí cùng các tàu chở dầu, hiện được các tàu tuần tra và tàu khu trục hộ tống qua Biển Đen. Các tàu này cũng tắt AIS (hệ thống nhận dạng tự động) để tránh bị theo dõi, từ đó tránh được nguy cơ bị xuồng tự sát Ukraine tấn công.
Một biện pháp chống USV gần đây của Nga là sử dụng là máy bay không người lái. Nga đã phóng UAV góc nhìn thứ nhất (FPV) từ một tàu nhỏ. UAV sau đó bay tới mục tiêu và thả lựu đạn xuống để phá hủy xuồng tự sát của đối phương.
UAV FPV có kích thước nhỏ nên khó bị phát hiện hơn các loại vũ khí tác chiến hải quân thông thường, đặc biệt là ở vùng biển.
Đối với Nga, việc triển khai máy bay không người lái có thể đóng vai trò thay thế cho tên lửa chống hạm, vốn đắt tiền hơn và có thể không hiệu quả bằng khi tấn công các mục tiêu hải quân.
Nhà máy chế tạo máy Kingisepp của Nga gần đây đã trình làng xuồng không người lái điều khiển từ xa có tên GRK-700 Vizir. GRK-700 có khả năng sử dụng cho mục đích quân sự, vì bản chất đây là một chiếc xuồng đa năng nên có thể làm nhiệm vụ "săn lùng" xuồng tự sát của đối phương.