Italy: Hầu hết nước lớn trong EU phản đối Ukraine gia nhập liên minh
(Dân trí) - Thủ tướng Italy cho biết, hầu hết các nước lớn trong Liên minh châu Âu (EU) đều phản đối việc cấp tư cách thành viên cho Ukraine, diễn biến bất lợi cho tham vọng kéo dài nhiều năm của Kiev.
Trong một buổi họp báo tại Bỉ, Thủ tướng Italy Mario Draghi ngày 31/5 tiết lộ rằng: "Hầu hết các nước lớn trong EU, ngoại trừ Italy, đều phản đối việc cấp tư cách thành viên cho Ukraine".
Theo ông Draghi, vào tháng 6, các quan chức EU có thể sẽ cố gắng soạn ra một đề xuất kế hoạch để đẩy nhanh tiến độ kết nạp Ukraine.
Theo Thủ tướng Italy, hầu hết các nước phải chờ vài năm để được trở thành ứng cử viên, chứ chưa đề cập tới việc trở thành thành viên chính thức của liên minh.
Ukraine nộp đơn xin gia nhập EU vào ngày 28/2, tức 4 ngày sau khi Nga tuyên bố mở chiến dịch quân sự ở nước láng giềng. Vào tháng 3, EU đã ghi nhận nguyện vọng gia nhập Liên minh châu Âu của Kiev và đã nhanh chóng chuyển giấy tờ của Ukraine tới Ủy ban châu Âu.
Tuy nhiên, con đường để Ukraine gia nhập liên minh này được xem sẽ rất khó khăn cho Kiev khi họ chưa thỏa mãn được nhiều điều kiện của khối. Tuần trước, Bộ trưởng châu Âu của Pháp Clement Beaune nhận định rằng nỗ lực của Ukraine nhằm gia nhập EU dường như sẽ khó hoàn thành trong 15-20 năm nữa.
Trong khi đó, hồi đầu tháng trước, Nga tuyên bố sẽ không chấp nhận việc Ukraine trở thành thành viên của EU, tương tự việc Kiev gia nhập NATO. Đây là một sự thay đổi về lập trường của Nga, vì trước đây Moscow không phản đối Ukraine gia nhập EU.
Tuy nhiên, Nga cho biết, sau khi chiến sự diễn ra, Moscow nhận thấy các động thái của EU cho thấy khối này có sự "liên kết" với NATO, dẫn tới diễn biến nói trên.
Kể từ khi chiến sự bùng phát hơn 3 tháng trước, EU đã tung ra tổng cộng 6 gói trừng phạt Nga để gây áp lực lên Moscow, trong đó gói gần nhất thống nhất trên nguyên tắc về việc cấm vận một phần dầu nhập khẩu từ Nga.
Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo cho biết ông hoan nghênh sự đồng thuận của EU với gói trừng phạt thứ 6 nhằm vào Nga, nhưng kêu gọi "tạm dừng" cho tới khi EU nắm rõ được tác động của việc cấm vận dầu Nga. Ông nhấn mạnh rằng ưu tiên chính hiện tại là tìm ra cách tốt nhất để "giữ giá cả nhiên liệu trong tầm kiểm soát".
Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo các nước châu Âu đang "tự sát về kinh tế" khi muốn từ bỏ nhiên liệu Nga.