1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga thay đổi lập trường về việc Ukraine gia nhập EU

Minh Phương

(Dân trí) - Quan điểm của Nga về việc Ukraine muốn gia nhập Liên minh châu Âu (EU) cũng tương tự quan điểm phản đối Kiev gia nhập liên minh quân sự NATO.

Nga thay đổi lập trường về việc Ukraine gia nhập EU - 1

Phó Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Dmitry Polyanskiy (Ảnh: AFP).

Phó Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Dmitry Polyanskiy ngày tiết lộ, Moscow đã thay đổi quan điểm về việc Ukraine có thể sắp gia nhập EU. Nhà ngoại giao này tiết lộ, Nga không chấp nhận việc Ukraine gia nhập EU là một điều kiện trong bất cứ đàm phán hiệp ước hòa bình nào giữa hai bên.

Trả lời phỏng vấn hãng tin Unherd, ông Polyanskiy nói, trước đây, Nga không phản đối việc Ukraine có thể gia nhập EU, nhưng lập trường đó đã thay đổi mà chất xúc tác là những động thái của EU kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Ông nói, Moscow cảm thấy EU đang ngày càng giống liên minh quân sự NATO do Mỹ dẫn đầu. Ông đặc biệt lưu ý đến tuyên bố gần đây của Đại diện cấp cao EU về chính sách đối ngoại Josep Borrell, trong đó quan chức châu ÂU này công khai đề cập đến một giải pháp quân sự cho xung đột hiện tại ở Ukraine.

"Chúng tôi từng không quá lo lắng về EU, nhưng tình hình đã thay đổi sau tuyên bố của ông Borrell rằng cuộc chiến này nên được phân định trên chiến trường và sau thực tế là EU dẫn đầu trong việc chuyển giao vũ khí cho Ukraine. Tôi nghĩ, quan điểm của chúng tôi về EU hiện nay giống với NATO hơn bởi vì chúng tôi không nhận thấy sự khác biệt lớn nào", ông Polyanskiy nói.

Nhà ngoại giao Nga thừa nhận, còn rất ít cơ hội ngoại giao để giải quyết xung đột hiện nay giữa Nga và Ukraine nguyên nhân là do thiếu đối thoại mang tính xây dựng, do Kiev không giữ đúng cam kết và do phương Tây tìm cách kéo dài xung đột.

"Ở thời điểm hiện tại, thực tình mà nói, hiện tại, tôi không thấy bất cứ cơ hội ngoại giao nào do lập trường của Ukraine và động thái của phương Tây. Với tư cách một nhà ngoại giao, tôi phải thừa nhận rằng, cơ hội tìm kiếm một giải pháp ngoại giao hiện giờ rất mong manh", ông Polyanskiy nhấn mạnh. Ông cảnh báo, xung đột có thể kéo dài, song từ chối dự đoán liệu có thể kéo dài bao lâu.

Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine từ cuối tháng 2. Một trong những điều kiện tiên quyết mà Moscow đưa ra nhằm chấm dứt chiến dịch này là Ukraine phải cam kết trung lập, không gia nhập các liên minh quân sự, trong đó có NATO. Nga từng gợi ý Ukraine theo mô hình trung lập của Áo, nghĩa là Kiev vẫn có thể trở thành thành viên của tổ chức kinh tế, chính trị như EU.

Ukraine từ lâu đã mong muốn trở thành thành viên của EU và NATO. Trong khi NATO chưa có dấu hiệu sớm tiếp nhận Kiev do lo ngại xung đột trực tiếp với Nga, EU đã "bật đèn xanh" nhanh chóng kết nạp quốc gia Liên Xô cũ này.

Ukraine đang tiến gần hơn đến mục tiêu gia nhập EU sau khi hoàn thành phần hai của bảng câu hỏi xác định tư cách ứng viên. Sau khi Ukraine hoàn thành bảng câu hỏi, Ủy ban châu Âu sẽ đề xuất Hội đồng châu Âu bắt đầu đàm phán về việc Ukraine gia nhập EU. Đây là bước đầu tiên để một quốc gia có thể gia nhập EU. Tiếp theo, nước xin gia nhập phải trao đổi với các nhà đàm phán châu Âu về một loạt các điều kiện mà nước này phải đáp ứng.

Theo RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine