1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

ISW: Ba lãnh đạo cấp cao Nga đẩy mạnh hoạt động, NATO-Ukraine theo dõi sát

Nguyễn Bình

(Dân trí) - Ba nhà lãnh đạo cấp cao của Nga đã tăng cường các hoạt động thông tin nhằm thúc đẩy Ukraine tiến tới đàm phán. NATO và Ukraine đang theo dõi sát sao các động thái này.

ISW: Ba lãnh đạo cấp cao Nga đẩy mạnh hoạt động, NATO-Ukraine theo dõi sát - 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Ngoại trưởng Sergei Lavrov cùng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Sergei Shoigu (Ảnh: Reuters)

Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ cho biết, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov gần đây đã tăng cường các hoạt động thông tin nhằm tạo thế có lợi cho Moscow trước Ukraine và NATO.

Các nhà phân tích quân sự tại ISW ghi nhận nỗ lực của ông Shoigu nhằm cảnh báo Pháp nhằm hạn chế hỗ trợ cho Ukraine.

Đây được cho là một phần trong hoạt động thông tin rộng lớn hơn của Moscow nhằm thuyết phục các nước phương Tây thúc ép Ukraine phải tham gia vào các cuộc đàm phán bất bình đẳng theo các điều khoản của Nga.

Điện Kremlin đã sử dụng hoạt động cung cấp thông tin chung này về sự leo thang với NATO, đặc biệt nhắm vào Pháp, sau lời kêu gọi của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron yêu cầu phương Tây tăng mức độ và hình thức hỗ trợ an ninh cho Ukraine.

Ông Peskov nói rằng, NATO và Nga đang "đối đầu trực tiếp". Như vậy, Moscow sẽ tăng cường các hoạt động thông tin nhằm buộc phương Tây phải tự kiềm chế.

Ông Peskov hôm 4/4 cho biết, quan hệ giữa Nga và NATO đã "trượt xuống mức đối đầu trực tiếp" và NATO "đã bị lôi kéo vào cuộc xung đột xung quanh Ukraine".

Người phát ngôn Điện Kremlin cáo buộc NATO tiến gần hơn đến biên giới Nga, có thể ám chỉ việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập liên minh gần đây, đồng thời cho biết NATO đang mở rộng cơ sở hạ tầng quân sự gần Nga hơn.

Các nhà phân tích quân sự lưu ý rằng các quan chức Nga từ lâu đã cố gắng miêu tả NATO và phương Tây là mối đe dọa hiện hữu đối với Nga để biện minh cho chiến dịch quân sự đặc biệt của Điện Kremlin ở Ukraine.

Ví dụ, vào ngày 18/3, nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin nói rằng một cuộc chiến tranh toàn diện giữa NATO và Nga là điều không mong muốn, tuy nhiên có thể xảy ra.

Tuyên bố lặp đi lặp lại của ông Peskov rằng NATO và Nga đang "đối đầu trực tiếp" có thể vẫn là một phần trong chiến dịch kiểm soát phản xạ của Nga, sử dụng ngôn ngữ đe dọa để trì hoãn và ảnh hưởng đến các quyết định quan trọng về sự hỗ trợ của phương Tây đối với Ukraine.

Câu chuyện này của Điện Kremlin cũng có thể là một nỗ lực nhằm miêu tả các hoạt động phòng thủ của NATO là mang tính khiêu khích.

Ông Lavrov cũng thúc đẩy các hoạt động thông tin, tỏ ra quan tâm đến các cuộc đàm phán. Ông Lavrov tận dụng cuộc gặp với hàng chục đại sứ nước ngoài từ các quốc gia ngoài phương Tây để lên án "công thức hòa bình" của Ukraine, đồng thời tuyên bố Nga sẵn sàng đàm phán về những điều kiện có lợi cho Điện Kremlin.

Phát biểu với các phóng viên sau cuộc họp với trưởng các phái đoàn ngoại giao tại Moscow ngày 4/4, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov một lần nữa nhấn mạnh, Nga sẵn sàng đối thoại để giải quyết vấn đề Ukraine và đảm bảo an ninh cho nước này. 

Ông nhấn mạnh, đàm phán chỉ diễn ra dựa trên những điều kiện bình đẳng và "trước tiên phải dựa trên thực tế mới, dựa trên lợi ích an ninh của Nga".

Theo ISW, Nga đang chuẩn bị cho một cuộc chiến tiềm tàng với lực lượng NATO khi tiến hành cải cách quân sự, tái lập Quân khu Leningrad và Quân khu Moscow ở phía Tây nước Nga.

Những nhận định đáng chú ý trong báo cáo ngày 4/4 của ISW:

Thứ nhất, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết NATO và Nga đang "đối đầu trực tiếp", có thể là một phần trong nỗ lực của Điện Kremlin nhằm tăng cường các hoạt động thông tin hiện có nhằm buộc phương Tây phải kiềm chế.

Thứ hai, Tổng tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Nga, Tướng lục quân Valery Gerasimov, đã kêu gọi các thành viên của Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) tăng cường hợp tác chống lại các mối đe dọa từ phương Tây.

Thứ ba, Điện Kremlin đã sử dụng hoạt động thông tin leo thang tổng thể này với NATO để nhắm mục tiêu cụ thể vào Pháp, sau những lời kêu gọi gần đây của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đối với phương Tây nhằm tăng mức độ và hình thức hỗ trợ an ninh mà nước này cung cấp cho Ukraine.

Thứ tư, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng đã thúc đẩy các hoạt động thông tin để thể hiện sự quan tâm đến đàm phán, và những nỗ lực thông tin phối hợp giữa các ông Lavrov và Shoigu có thể báo hiệu một đợt hùng biện mới của Nga liên quan đến các cuộc đàm phán.

Thứ năm, nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin tiếp tục cố gắng cân bằng các nỗ lực cạnh tranh của Điện Kremlin nhằm định hình kỳ vọng của công chúng về chiến dịch quân sự kéo dài của Nga và xoa dịu những lo ngại của công chúng Nga về hậu quả kinh tế do chiến tranh và di cư lao động.

Thứ sáu, ngày 4/4, quân đội Nga thực hiện cuộc tấn công cơ giới theo hướng Chasov Yar (phía tây Bakhmut) và tiến đến vùng ngoại ô phía đông của ngôi làng.

Thứ bảy, Quân đội Nga gần đây cũng đã có những bước tiến được xác nhận gần Bakhmut và Donetsk.

Thứ tám, một quan chức cấp cao giấu tên của NATO cho rằng, các cơ quan tình báo của NATO không thấy có dấu hiệu nào cho thấy Nga đang chuẩn bị cho một làn sóng huy động cục bộ quy mô lớn.

Theo Ukrainska Pravda
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm