Hứng "bão" chỉ trích, Anh cấp tập điều chỉnh chiến lược chống Covid-19
(Dân trí) - Anh được cho đang đẩy mạnh nỗ lực chống Covid-19 sau khi vấp phải những chỉ trích về chiến lược dập dịch, bao gồm ý tưởng của cố vấn chính phủ về "miễn dịch cộng đồng" gây nhiều tranh cãi.
Chính phủ điều chỉnh chính sách, Thủ tướng họp báo hàng ngày
Theo Reuters, trong thời gian qua, Anh dường như có xu hướng đang trì hoãn thời điểm dịch lên đỉnh nhằm ngăn hệ thống y tế bị quá tải trong việc điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19.
Một trong những quan điểm gây tranh cãi nhiều nhất trong chiến lược chống Covid-19 là ý kiến của Cố vấn trưởng khoa học của chính phủ Anh Patrick Vallance. Ông này đã đề xuất ý tưởng “miễn dịch cộng đồng” để dân số có thể tạo cơ chế miễn dịch đối với dịch bệnh. Theo ước tính của các nhà khoa học, “miễn dịch cộng đồng” đối với dịch Covid-19 có thể đạt được với khoảng 60% dân số nhiễm bệnh.
Giới chuyên gia cho rằng những tuần qua chính phủ Anh đã không thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch quyết liệt, nghiêm ngặt như các nước châu Âu khác, như phong tỏa toàn quốc hoặc một số khu vực. Anh cũng chưa đóng cửa trường học, chưa cấm tụ tập đông người.
Guardian ngày 15/3 dẫn thông tin từ một cuộc họp bí mật của Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh cho biết có một cảnh báo được đưa ra rằng 80% dân số nước này có thể nhiễm virus corona mới (SARS-CoV-2) và 7,9 triệu người có thể sẽ phải nhập viện, cũng như dịch bệnh sẽ kéo dài tới mùa xuân năm sau. Tuy nhiên, thông tin này hiện vẫn chưa được bất cứ bên nào xác thực.
Mặc dù vậy, đề xuất về chiến lược "miễn dịch cộng đồng" đã bị phản đối dữ dội.
Trong một lá thư ngỏ, 229 nhà khoa học từ các trường đại học của Anh phản bác ý tưởng “miễn dịch cộng đồng”, cho rằng điều này sẽ khiến “rủi ro nhiều sinh mạng hơn mức cần thiết”.
“Mục tiêu của miễn dịch cộng đồng là để ngăn dịch bệnh lây lan và bảo vệ những người dễ tổn thương nhất trong xã hội. Tuy nhiên, chiến lược này chỉ hiệu quả nếu trong quá trình xây dựng miễn dịch, những người dễ tổn thương được bảo vệ khỏi việc bị mắc bệnh, ví dụ thông qua việc cách ly với xã hội. Nếu điều này không được thực hiện, hậu quả sẽ cực kỳ nghiêm trọng”, Hiệp hội nghiên cứu miễn dịch Anh nhận định.
Trong khi đó, quan chức của tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Margaret Harris nói với BBC Radio 4 rằng: “Chúng ta không biết đầy đủ về cơ chế của virus, nó chưa tồn tại trong dân số đủ lâu để chúng ta biết được các đặc tính về mặt miễn dịch của nó”.
Theo SCMP, Anh giờ đây đang tăng tốc nỗ lực nhằm kiểm soát dịch bệnh trong bối cảnh số ca nhiễm virus corona và tử vong đang có xu hướng tăng. Tính đến hết 15/3, Anh ghi nhận 35 ca tử vong và số người nhiễm virus corona là 1.372.
Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock ngày 15/3 tuyên bố nước này sẽ không dùng chiến lược “miễn dịch cộng đồng” nhằm ứng phó với dịch Covid-19.
Tối ngày 15/3, Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố ông sẽ “lãnh đạo một lực lượng liên chính phủ” nhằm chống lại dịch Covid-19 và sẽ tổ chức họp báo hàng ngày để cung cấp thông tin chính xác và minh bạch cho người dân.
Thông báo của văn phòng thủ tướng cho hay, chính phủ sẽ dựa vào căn cứ khoa học để đưa ra quyết sách trong việc phòng chống dịch và sẽ lý giải nguyên nhân mà họ đưa ra quyết định như vậy.
Quốc gia duy nhất được cho áp dụng chiến thuật chống Covid-19 tương tự Anh là Thụy Sĩ, theo SCMP. Tuy nhiên, Thụy Sĩ đã đóng cửa trường học và cấm các hoạt động tụ tập trên 100 người vào cuối tuần qua.
Thụy Sĩ ghi nhận hôm 15/3 số ca nhiễm mới tăng gần 1.000 trong 24 giờ, và thêm 14 người tử vong.
Thế giới lo ngại
Chiến lược chống Covid-19 trong thời gian qua của chính phủ Anh cũng vấp phải các chỉ trích từ quốc tế.
Bộ trưởng Phát triển Quốc gia Singapore Lawrence Wong hôm 15/3 cho hay: “Quan ngại chúng tôi về trường hợp của Anh hay Thụy Sĩ không chỉ là về những con số. Tôi cho rằng họ dường như đang bỏ qua các biện pháp hạn chế hoặc ngăn ngừa virus lây lan. Nếu không có nỗ lực ngăn chặn, chúng ta sẽ chứng kiến số lượng ca nhiễm ở những nước này có thể tăng đột biến vào những ngày tới và tuần tới”.
Mỹ, Hong Kong và Singapore là một số trong các quốc gia và vùng lãnh thổ cấm chuyến bay từ Anh trong bối cảnh tâm chấn dịch Covid-19 chuyển từ châu Á sang châu Âu.
WHO cũng bày tỏ quan điểm không đồng tình với chiến lược của Anh khi nước này không xét nghiệm cho những người có triệu chứng nhẹ có thể mắc Covid-19. Chính phủ Anh nói chỉ xét nghiệm cho những người đã nhập viện với triệu chứng nặng.
“Bạn không thể chống lại virus khi không biết mầm bệnh ở đâu. Tìm kiếm, cách ly, xét nghiệm và chữa mọi ca bệnh, cắt đứt chuỗi lây lan. Mỗi ca chúng ta tìm ra và chữa trị làm hạn chế dịch bệnh lây lan”, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết.
Hiện Anh đang chuẩn bị công bố việc yêu cầu những người dân trên 70 tuổi tự cách ly khỏi mối đe dọa dịch bệnh. Nước này cũng dự kiến ban hành luật gia tăng quyền lực cho cảnh sát để buộc người dân phải cách ly khi họ trở thành mối đe dọa cho sức khỏe cộng đồng.
Đức Hoàng
Theo SCMP