1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Hơn 2,5 triệu người chết vì Covid-19, thế giới phân phối vắc xin thần tốc

Minh Phương

(Dân trí) - Các nước trên thế giới đang đẩy nhanh chiến dịch phân phối vắc xin để đẩy lùi Covid-19 sau khi đại dịch này đã lấy đi sinh mạng của hơn 2,5 triệu người.

Hơn 2,5 triệu người chết vì Covid-19, thế giới phân phối vắc xin thần tốc - 1
Hơn 2,5 triệu người trên thế giới tử vong vì Covid-19. (Ảnh minh họa: Reuters)

Hơn 2,5 triệu ca tử vong do Covid-19

Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins, tính đến ngày 25/2, số người chết vì Covid-19 toàn cầu đã vượt 2,5 triệu ca sau hơn 1 năm đại dịch này bùng phát. Trong đó, 5 quốc gia gồm Mỹ (hơn 500.000 ca), Brazil (hơn 251.000 ca), Mexico (gần 183.000 ca), Ấn Độ (gần 157.000 ca) và Anh (hơn 122.000 ca) chiếm gần một nửa số ca tử vong toàn cầu.

Xét theo khu vực, châu Âu là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với hơn 800.000 ca tử vong, tiếp đến là Mỹ Latinh và Caribe, Mỹ và Canada.

Số ca tử vong Covid-19 toàn cầu vượt mốc 1 triệu ca hôm 28/9/2020, khoảng hơn 9 tháng sau khi phát hiện ca tử vong đầu tiên ở Trung Quốc. Tuy nhiên chỉ hơn 4 tháng sau đó, đến ngày 15/1/2021, con số này cán mốc 2 triệu ca tử vong.

Số ca tử vong có dấu hiệu chậm lại kể từ cuối tháng 1 năm nay với 66.800 ca ghi nhận tuần trước hay trung bình 9.500 ca/ngày, thấp hơn nhiều so với tuần đỉnh điểm 14.500 ca tử vong/ngày. Trong tuần qua, hơn 1/3 số ca tử vong do Covid-19 toàn cầu ghi nhận ở châu u. Số ca tử vong ở Mỹ và Canada cũng giảm 23%, Mỹ Latinh và Caribe giảm 7%.

Cũng theo Johns Hopkins, số ca mắc mới Covid-19 toàn cầu đang có xu hướng tăng chậm lại. Tính đến ngày 25/2, thế giới ghi nhận hơn 112 triệu ca mắc Covid-19.

Chiến dịch phân phối vắc xin lớn nhất trong lịch sử

Hơn 2,5 triệu người chết vì Covid-19, thế giới phân phối vắc xin thần tốc - 2
Các nước đang khẩn trương triển khai chương trình tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19. (Ảnh minh họa: EPA)

Giới chuyên gia cho rằng, đà lây lan của Covid-19 đang chậm lại là cơ hội để các nước đẩy nhanh chương trình tiêm chủng vắc xin nhằm đẩy lùi đại dịch trước khi làn sóng thứ ba bùng phát. Thực tế, một chiến dịch phân phối vắc xin toàn cầu lớn nhất, nhanh chóng nhất trong lịch sử đang được triển khai thông qua sáng kiến COVAX ("Cơ chế tiếp cận toàn cầu với vắc xin ngừa Covid-19"). COVAX là sáng kiến hợp tác toàn cầu nhằm thúc đẩy quá trình phát triển và sản xuất các sản phẩm chẩn đoán và điều trị cùng với vắc xin Covid-19, đồng thời bảo đảm khả năng tiếp cận nhanh chóng, công bằng và bình đẳng trên toàn thế giới.

COVAX được điều hành bởi Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI), Liên minh vì đổi mới phòng chống dịch bệnh (CEPI) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). COVAX nhận đóng góp từ các nước giàu và tiến hành mua vắc xin Covid-19 số lượng lớn từ các công ty dược phẩm. Những nước thu nhập thấp hơn có thể được nhận vắc xin miễn phí từ chương trình này, trong khi những nước giàu cũng có thể mua vắc xin từ đây. Ví dụ, Ấn Độ cam kết đóng góp 200 triệu liều vắc xin cho COVAX, trong khi Trung Quốc cũng cam kết đóng góp 10 triệu liều cho chương trình này sau khi đã viện trợ cho nhiều quốc gia khác.

Mục tiêu của COVAX là phân phối hơn 2 tỷ liều vắc xin cho người dân ở 190 quốc gia, vùng lãnh thổ trong vòng chưa đầy 1 năm, đảm bảo không quốc gia nào không được tiếp vận vắc xin vì không đủ ngân sách chi trả.

Nhiều nước trên thế giới đã triển khai chương trình tiêm chủng vắc xin Covid-19 cho người dân. Theo số liệu của Bloomberg, tính đến nay, đã có hơn 225 triệu liều vắc xin Covid-19 được sử dụng ở 100 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Giới chức EU cho biết, khối này đặt mục tiêu tiêm chủng cho 70% người dân trưởng thành trước giữa tháng 9 năm nay.

Tuy nhiên, một vấn đề đang gây lo ngại là mất cân bằng nguồn cung vắc xin trên thế giới. Reuters trong tháng này cho biết, các nước giàu đã mua thừa hơn 1 tỷ liều vắc xin, trong khi đó nhiều quốc gia thậm chí vẫn chưa thể tiếp cận vắc xin. WHO đã nhiều lần chỉ trích "chủ nghĩa dân tộc vắc xin", kêu gọi các nước giàu chia sẻ nguồn cung để hỗ trợ các nước có thu nhập thấp hơn.