1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Hội nghị Eurogroup về Hy Lạp chưa đạt thỏa thuận

Hội nghị Nhóm các bộ trưởng tài chính Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurogroup) thảo luận về đề xuất của Hy Lạp cải cách và cắt giảm mạnh chi tiêu...

Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde
Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde (giữa), Chủ tịch nhóm Eurogroup Jeroen Dijsselbloem (phải) trước hội nghị. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

... Để được nhận gói cứu trợ tài chính thứ 3 trị giá 53,5 tỉ euro - đã kết thúc đêm 11/7 tại Brussels (Bỉ) mà không đạt được thỏa thuận nào.
 
Chủ tịch Eurogroup, Bộ trưởng Tài chính Hà Lan Jeroen Dijsselbloem thừa nhận tình hình vẫn rất khó khăn, tuy nhiên Eurogroup cho biết sẽ triệu tập lại cuộc họp thảo luận tiếp về cuộc khủng hoảng Hy Lạp ngay trong chiều 12/7. Phát biểu sau khi cuộc họp trên kết thúc, ông Dijsselbloem nói: "Chúng tôi đã bàn thảo rất sâu về các đề xuất của Hy Lạp. Vấn đề lòng tin và tính khả thi cũng được thảo luận và dĩ nhiên cả các vấn đề tài chính liên quan. Tình hình rất khó khăn nhưng công việc vẫn đang tiến triển".

Theo giới phân tích, hiện Eurogroup vẫn chia rẽ về đề xuất cải cách mới nhất của Hy Lạp, theo đó Athens chấp nhận hầu hết các điều kiện ngặt nghèo mà giới chủ nợ quốc tế đã yêu cầu, bất chấp cuộc trưng cầu ý dân ngày 5/7 vừa qua cho kết quả đa số người dân Hy Lạp nói "không" với chính sách khắc khổ.

Trong khi Pháp đánh giá đề xuất mới nhất của Hy Lạp đủ "điều kiện" để đảm bảo một thỏa thuận cứu trợ, Đức vẫn tiếp tục hoài nghi về khả năng Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras có thể thực hiện những biện pháp khắc khổ mà ông đang hứa hẹn.

Dự kiến, tại hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) cũng khai mạc trong ngày 12/7, Thủ tướng Italy Matteo Renzi sẽ hối thúc các bên thể hiện thiện chí để giải quyết cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở quốc gia Nam Âu này. Ông Renzi được cho là sẽ đề nghị Thủ tướng Đức Angela Merkel tìm ra một thỏa thuận cho Hy Lạp vì lợi ích của cả EU.

Trong khi đó, cùng ngày, Bộ trưởng Kinh tế Hy Lạp Giorgos Stathakis tuyên bố nước này sẽ duy trì các biện pháp kiểm soát vốn trong vài tháng nữa.

Phát biểu với hãng tin BBC, ông Stathakis nói: "Nếu Athens và các nước chủ nợ đạt được một thỏa thuận cứu trợ mới tại hội nghị thượng đỉnh EU, hệ thống ngân hàng nước này sẽ mở cửa trở lại, có thể trong vòng một tuần sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tiếp tục cung cấp Hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp".

Tuy nhiên, ông Stathakis khẳng định các biện pháp kiểm soát vốn bao gồm hạn chế rút tiền mặt và xuất khẩu tiền tệ vẫn giữ nguyên hiệu lực thêm từ 2 đến vài tháng nữa.

Các ngân hàng Hy Lạp bắt đầu đóng cửa từ ngày 28/6 như một phần của các nỗ lực nhằm ngăn chặn tình trạng hỗn loạn tài chính sau khi cuộc đàm phán giữa nước này với các chủ nợ đổ vỡ, châm ngòi cho làn sóng rút tiền ồ ạt tại các ngân hàng. Người dân Hy Lạp hiện chỉ được phép rút tối đa 60 euro/ngày/người từ các máy rút tiền tự động. Một số chi nhánh ngân hàng đã mở cửa trở lại nhưng chỉ phục vụ đối tượng hưu trí. Hiện mọi giao dịch chuyển khoản quốc tế đều bị đình lại.

Mặc dù vậy, theo phóng viên TTXVN tại Brussels, Thủ tướng Bỉ Charles Michel bày tỏ lạc quan về khả năng đạt được thỏa thuận trong ngày 12/7 về việc giữ Hy Lạp trong Khu vực đồng euro (Eurozone) tại cuộc họp Eurogroup và sau đó là hội nghị thượng đỉnh bất thường của Liên minh châu Âu (EU), diễn ra ở Brussels.

Phát biểu với báo giới bên lề lễ kỷ niệm ngày hội của Cộng đồng Flamand ở Brussels hôm 11/7, Thủ tướng Charles Michel cho biết đã có bước đi đúng hướng dù chưa đến được đích. Ông nói: "Tôi hy vọng vài giờ tới đây sẽ là dịp để mỗi bên tiếp tục đưa quan điểm xích lại gần nhau nhằm tiến tới một thỏa thuận và sự ổn định". Ông hy vọng cuộc họp sẽ xác định một "quỹ đạo lạc quan" cho tương lai của Hy Lạp trong thời gian tới.

Trước đó, đêm 10/7, Thủ tướng Charles Michel đã điện đàm với người đồng cấp Hà Lan Mark Rutte và Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Theo TTXVN/baotintuc.vn
 

Mọi thông tin, ý kiến đóng góp cho chuyên mục Thế giới, quý độc giả có thể gửi đến ban Quốc tế báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email thegioi@dantri.com.vn. Xin trân trọng cảm ơn!