1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Quan điểm của Hy Lạp và các chủ nợ đã xích lại gần nhau

Báo chí Đức ngày 11/7 dẫn đánh giá của các nhà ngoại giao Liên minh châu Âu (EU) cho biết, với gói cải cách mới nhất vào thời điểm quyết định, Hy Lạp đã xích lại gần hơn với các yêu sách của các chủ nợ quốc tế.

Theo phóng viên TTXVN tại Đức, hiện giữa Hy Lạp và các chủ nợ không còn khoảng cách trong vấn đề tư nhân hoá, trong khi với vấn đề cải cách thuế giá trị gia tăng, Athens sẽ phải đưa ra lộ trình cụ thể cho việc xoá bỏ những ưu đãi thuế quan với hàng hóa ở hầu hết các hòn đảo của nước này.
 
Một phân tích của bộ ba chủ nợ - gồm Ủy ban châu Âu (EC), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) - cũng nêu rõ bộ ba này cần có sự hiểu biết chung và rõ ràng về nội dung cũng như lộ trình của những cam kết để làm nền tảng cụ thể đi tới sự nhất trí cho một chương trình cứu trợ theo Cơ chế bình ổn châu Âu (ESM).
 
Quan điểm của Hy Lạp và các chủ nợ đã xích lại gần nhau
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras (giữa) phát biểu khi Quốc hội họp thông qua gói cải cách ngày 11/7. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo kế hoạch, các bộ trưởng tài chính khu vực Eurozone sẽ tiến hành thảo luận tại Brussels (Bỉ) về kế hoạch cải cách của Hy Lạp vào 15h00 ngày 11/7 theo giờ địa phương (20h00 cùng ngày ở Việt Nam).

Tuy nhiên, theo nhà kinh tế trưởng Ulrich Kater của Ngân hàng DekaBank (Đức), chương trình cứu trợ mới trị giá nhiều tỷ euro sẽ tan thành mây khói chỉ sau vài năm. Ông nêu rõ: "Với chương trình cứu trợ mới trị giá từ 50-80 tỷ euro, chủ đề Grexit chỉ có thể rút khỏi bàn đàm phán trong 1 hay 2 năm“ và chủ đề này sẽ nhanh chóng quay trở lại sau vài năm nữa.

Nhà kinh tế trưởng của DekaBank cũng cho rằng với những đề xuất cải cách mới nhất của Athens, cơ hội đạt được đồng thuận với các chủ nợ quốc tế ngày càng lớn nhưng điểm mấu chốt là "bộ ba" có đồng ý trừ nợ cho Hy Lạp hay không.
 
Với Hy Lạp, đây là nền tảng cơ bản để dẫn tới một thoả thuận nhưng với nhiều quốc gia trong nhóm chủ nợ, đây lại là điều cấm kỵ. Trong bối cảnh đó, giải pháp khả dĩ nhất lúc này, theo ông Kater, là "bộ ba" sẽ không trừ nợ ngay cho Hy Lạp mà có thể tiến hành sau khi Athens tuân thủ các kế hoạch cải cách.
 
Theo TTXVN/baotintuc.vn
 

Mọi thông tin, ý kiến đóng góp cho chuyên mục Thế giới, quý độc giả có thể gửi đến ban Quốc tế báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email thegioi@dantri.com.vn. Xin trân trọng cảm ơn!