1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Đức muốn Hy Lạp rời Eurozone trong vòng 5 năm

(Dân trí) - Bộ Tài chính Đức vừa đưa ra đề xuất tạm rút Hy Lạp khỏi Eurozone trong 5 năm, sau khi các nhóm Eurogroup chưa đưa ra được quyết định về gói cứu trợ thứ 3 cho Athens. Đây là “cái tát” giáng mạnh vào chính phủ Hy Lạp sau những nỗ lực vào phút chót của nước này.

Đức muốn Hy Lạp rời Eurozone trong vòng 5 năm
Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble (phải) tại cuộc họp của nhóm Eurogroup ngày 11/7. Đức là một trong những nước có quan điểm cứng rắn về việc để Hy Lạp rời Eurozone (Ảnh: DW)

Tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung của Đức số ra ngày 11/7 dẫn một văn kiện của Bộ Tài chính Đức cho biết bộ này đã đề xuất kế hoạch gồm 2 phương án cho cuộc khủng hoảng Hy Lạp hiện nay.

Theo đó, phương án đầu tiên là Hy Lạp sẽ phải chuyển giao toàn bộ quỹ tài sản trị giá 50 tỷ euro để bán lấy tiền trang trải nợ. Số tiền này bằng đúng giá trị của gói cứu trợ thứ 3 đang được các Bộ trưởng tài chính Eurozone xem xét dành cho Hy Lạp.

Phương án thứ hai là cần ngừng tư cách thành viên của Hy Lạp trong Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong ít nhất 5 năm và cơ cấu lại khoản nợ của Athens.

Theo nguồn tin trên, mặc dù đề xuất của Đức không được đưa ra thảo luận chính thức tại cuộc họp của các bộ trưởng tài chính Eurozone ngày hôm qua (11/7) nhưng lại được trao đổi sôi nổi ở kênh không chính thức.

Tuy nhiên, khi được hỏi về đề xuất thực hiện Grexit (Hy Lạp rời Eurozone) trong 5 năm, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble đã từ chối bình luận.

Các đại diện của Hy Lạp thì khẳng định Đức chưa bao giờ nêu đề xuất tạm đình chỉ tư cách thành viên của Hy Lạp trong Eurozone trong các cuộc đàm phán chính thức.

Trước đó, chính ông Schaeuble đã chỉ trích mạnh mẽ các đề xuất mới của Hy Lạp, cho dù đề xuất này được cho là đang kéo quan điểm của Athens và các chủ nợ xích lại gần nhau. Theo người đứng đầu ngành ngoại giao Đức, nhà chức trách Hy Lạp cần làm nhiều hơn việc chỉ tuyên bố mong muốn tiến hành cải cách.

Nhà kinh tế trưởng Ulrich Kater của Ngân hàng DekaBank (Đức) cũng cho rằng đề xuất mới của Athens vào thời điểm chót chưa đủ mạnh và khó có thể thuyết phục được “bộ ba” chủ nợ.

“Đề xuất cải cách mới nhất của Athens có thể làm tăng cơ hội đạt được đồng thuận với các chủ nợ quốc tế, nhưng điểm mấu chốt là bộ ba có đồng ý trừ nợ cho Hy Lạp hay không”, ông Kater nghi ngờ.

Ông cũng không tin tưởng vào gói cứu trợ mới dành cho Hy Lạp nếu như được nhóm Eurogroup thông qua.

“Chương trình cứu trợ mới trị giá nhiều tỷ euro sẽ tan thành mây khói chỉ sau vài năm. Với số tiền 50-80 tỷ euro, chủ đề Grexit chỉ có thể rút khỏi bàn đàm phán trong 1- 2 năm và sẽ nhanh chóng quay trở lại sau vài năm nữa”, ông nói.

Theo ông Kater, giải pháp khả dĩ nhất lúc này là "bộ ba" sẽ không trừ nợ ngay cho Hy Lạp, mà chờ đến khi Athens tuân thủ triệt để các kế hoạch cải cách.

Tại cuộc họp của nhóm Eurogroup vừa kết thúc, các Bộ trưởng Tài chính Eurozone cũng đã chính thức yêu cầu Athens phải thực hiện những biện pháp mạnh mẽ hơn những gì đưa ra trong gói đề xuất mới. Các bộ trưởng quyết định lùi thời điểm đàm phán về gói cứu trợ thứ 3 cho Hy Lạp cũng như số phận của nước này trong Eurozone sang ngày Chủ nhật (12/7) để chờ Chính phủ của Thủ tướng Tsiprat đưa ra những cam kết mạnh mẽ hơn.
Vũ Anh
Tổng hợp  
 
 

Mọi thông tin, ý kiến đóng góp cho chuyên mục Thế giới, quý độc giả có thể gửi đến ban Quốc tế báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email thegioi@dantri.com.vn. Xin trân trọng cảm ơn!