1. Dòng sự kiện:
  2. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  3. Xung đột leo thang ở Trung Đông
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Hillary Clinton đang trượt dốc đến mức nào?

(Dân trí) - Cựu đệ nhất phu nhân Mỹ Hillary Clinton đang trượt dốc từ vị trí gần như chắc chắn là ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ đến vị trí phải đứng trên chiến tuyến nguy hiểm trong sự nghiệp chính trị của mình như thế nào?

Các nhà hoạch định chiến lược đảng Dân chủ và các chuyên gia chính chị cho rằng con đường chính trị đầy hứa hẹn của bà đang bị trượt dốc dài. Chiến dịch tranh cử của bà phải hứng chịu thất bại vì đã quá tự tin, không có câu trả lời nào cho lời kêu gọi thay đổi đầy nhiệt huyết của ông Barack Obama, không thể kiềm chế được cựu Tổng thống Bill Clinton, và hàng loạt những vấn đề khác.

 

Khi bà "khai trương" chiến dịch tranh cử tổng thống của mình 13 tháng trước, bà đã tự tin với tuyên bố chắc như đinh đóng cột “Tôi đã vào (cuộc đua), và tôi vào là để chiến thắng”. Đến tháng 8 năm ngoái, thượng nghị sỹ New York vẫn là ứng cử viên số một của đảng Dân chủ, dẫn điểm trước Obama, đối thủ nặng ký nhất của bà, 18% trong các cuộc trưng cầu dân ý.

 

Với người chồng sáng giá ở bên cạnh, bà được phe Cộng hòa coi là đối thủ của họ trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới. Người ta nhìn thấy ở bà và các phụ tá một tương lai chắc chắn ở phía trước. Và bà đã cố gắng đứng lên trên tất cả những cuộc cãi vã ầm ĩ của các đối thủ.

 

Nhiều chuyên gia ở Washington còn dự đoán bà sẽ đánh bại đối thủ đảng Cộng hòa, giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 và người Mỹ lại hi vọng được sang một trang mới, sau 8 năm “nằm dưới” chính quyền Tổng thống Bush.

 

Nhưng rồi các cử tri bắt đầu làm tiêu tan hi vọng của các chuyên gia và những người tham gia trưng cầu dân ý.

 

Bà đã để thua Obama ở Iowa, giành chiến thắng ở New Hampshire, nhưng lại phải chia sẻ niềm vui với Obama trong ngày “Siêu thứ ba” 5/2, rồi “mất trắng” liên tiếp 11 cuộc bầu cử sơ bộ, bỏ phiếu kín trước đối thủ thượng nghị sỹ Illinois.

 

Và ngày quyết định thứ ba 4/8 đang tới gần, khi hai bang quan trọng Texas và Ohio tiến hành bỏ phiếu sơ bộ. Chỉ có chiến thắng áp đảo ở hai bang này mới có thể giải mã được vận mệnh lâm nguy của Hillary Clinton. Bất kỳ điều gì khác cũng có thể là dấu hiệu cho sự chấm hết cho chiến dịch tranh cử của bà.

 

Stephen Hess, một giáo sư chính trị tại Đại học George Washington, cho biết, đội ngũ của bà Clinton “đã thừa nhận không chút hoài nghi cảnh báo trước của họ”.

 

Bà Clinton nhầm căn bản về người Mỹ?

 

Theo nhà hoạch định chiến lược đảng Dân chủ Jim Duffy, chiến dịch tranh cử của bà Clinton đã “hiểu sai một cách căn bản” về người Mỹ, tin rằng người Mỹ thích kinh nghiệm, sự từng trải của bà hơn lời kêu gọi thay đổi của Obama.

 

“Khi Obama đã bén lửa, thì họ không có cách nào đối đầu được, bởi toàn bộ chiến dịch tranh cử của họ được xây dựng trên giả thuyết rằng họ đã biết Washington và biết cách chèo lái, đối phó và giải quyết được mọi việc”, ông cho biết.

 

“Rồi người đàn ông này lại ở đây giảng giải về hi vọng, về sự thay đổi… Vậy ai còn muốn ở bên kia chiến tuyến chống lại những điều đó nữa?”

 

Còn nhà hoạch định chiến lược Liz Chadderdon cho rằng bà Clinton không bao giờ thực sự có được một thông điệp của riêng bà và không bao giờ xây dựng được mối liên hệ tình cảm giữa các cử tri vang dội như Obama đã làm.

 

“Nguyên tắc đầu tiên: Kiên định với thông điệp đưa ra. Tới thời điểm này liệu bạn có thể nói cho tôi biết thông điệp trong chiến dịch tranh cử của bà ấy là gì không?”

 

“Bà ấy đã hiểu sai ý nghĩa của sự thay đổi. Thay đổi không có nghĩa là thay đổi trong chính sách. Sự thay đổi ở đây có nghĩa là sự thay đổi căn bản, là chính trị có thể làm được gì cho đất nước này”.

 

Các chuyên gia còn cho rằng chính chồng của bà Clinton, cựu Tổng thống Bill Clinton, đã phá hoại chiến dịch tranh cử của bà. Suốt nhiều tuần qua, cựu Tổng thống đã nói về chính mình nhiều hơn là về những gì vợ đã làm, gợi lại cho người Mỹ không chỉ thời gian tốt đẹp ông đã mang lại cho nước Mỹ mà cả những thời điểm tồi tệ nữa.

 

Tại Nam Carolina, Bill Clinton đã làm các cử tri da màu nổi giận khi nói thế mạnh của Obama chỉ ngang bằng với một ứng cử viên gốc Phi khác, Jesse Jackson, người đã giành chiến thắng ở bang này vào năm 1984 và 1988, nhưng cuối cùng không giành được sự đề cử của đảng Dân chủ.

 

Tuy nhiên, cũng có người cho rằng: “điều căn bản là bà ấy không gặp thời, và ngày mà Barack Obama bước vào cuộc đua, đối với cả Edwards (cựu ứng cử viên đảng Dân chủ) và Clinton, xét về một khía cạnh nào đó, thì thời điểm của họ đã qua”.

 

Nguyên Hạ

Theo Reuters