1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

"Hiến kế" cho một tương lai tươi sáng hơn ở Biển Đông

Đức Hoàng

(Dân trí) - Trong 2 ngày diễn ra Hội thảo về Biển Đông lần 13, các đại biểu đã đưa ra những quan điểm, góc nhìn chất lượng, và tham vấn hướng tới một tương lai tươi sáng hơn cho khu vực.

Hiến kế cho một tương lai tươi sáng hơn ở Biển Đông - 1

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu phát biểu tại hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 13 (Ảnh: Bộ Ngoại giao Việt Nam).

Chiều 19/11, Hội thảo Khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 13 với chủ đề "Nhìn lại quá khứ vì một tương lai tươi sáng hơn" do Học viện Ngoại giao (DAV) tổ chức đã bế mạc tại Hà Nội.

Hội thảo Biển Đông lần thứ 13 được tổ chức theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến với sự tham gia đông đảo của hơn 60 diễn giả là các chuyên gia uy tín từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, 90 đại diện từ ngoại giao đoàn, trong đó có 16 đại sứ và gần 500 đại biểu.

Một điểm nhấn trong Hội thảo năm này là sự tham gia của nhiều chính khách từ Vương quốc Anh, Australia, Ấn Độ, Indonesia và Liên minh Châu Âu (EU) với những phát biểu dẫn đề quan trọng ở các phiên đặc biệt của Hội thảo.

Hội thảo giành riêng ba phiên thảo luận cho các lãnh đạo trẻ từ các nước trên thế giới, trong khu vực và ở Việt Nam để tạo diễn đàn, chia sẻ quan điểm về các vấn đề quốc tế và khu vực từ thế hệ trẻ. Năm nay cũng là lần đầu tiên Hội thảo tổ chức các phiên bình luận theo dòng sự kiện với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu về Biển Đông và quan hệ quốc tế của Việt Nam.

Qua hai ngày thảo luận thẳng thắn, khoa học, cởi mở và thực chất phong phú và thực chất, tám phiên thảo luận đã tập trung vào nhiều vấn đề để rút ra những bài học trong quá khứ từ đó đưa ra những đề xuất hướng tới tương lai tươi sáng hơn tại Biển Đông.

Từ góc độ lịch sử, các chuyên gia từ Trung Quốc, Anh, Pháp và Việt Nam đã có thảo luận thẳng thắn và thực chất về các sự kiện và bằng chứng lịch sử liên quan đến tranh chấp Biển Đông và ý nghĩa của các dữ kiện lịch sử này với chủ quyền đối với Trường Sa và Hoàng Sa.

Một số dữ kiện lịch sử mới được công bố qua quá trình nghiên cứu tài liệu lưu trữ cho thấy cho tới năm 1899, triều đình phong kiến Trung Quốc vẫn khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa không thuộc phạm vi quản lý của nước này. Ghi chép của thiền sư nổi tiếng Trung Quốc Xu Shillun khẳng định Trường Sa và Trường Sa thuộc quyền quản lý của Triều Nguyễn.

Đặc biệt, năm 2021 là tròn 70 năm ký kết Hiệp ước Hòa bình San Francisco năm 1951, các học giả đã chia sẻ những nghiên cứu khẳng định Hiệp ước không làm thay đổi hay tác động tiêu cực đến chủ quyền của Việt Nam với Hoàng Sa và Trường Sa.

Xây dựng trật tự trên Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế

Các chuyên gia nhận định trong bối cảnh quan hệ quốc tế có những bất ổn khó lường do hậu quả của đại dịch và cạnh tranh nước lớn, thời gian qua tình hình tại Biển Đông và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp và thu hút sự quan tâm của dư luận với sự gia tăng của hành vi đơn phương trên biển, xu hướng quân sự hóa, sử dụng các lực lượng bán quân sự, xu hướng tập hợp lực lượng trong khu vực và sự chuyển hướng chiến lược của các nước và tổ chức quốc tế về khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương...

Nhiều ý kiến đánh giá cạnh trạnh Mỹ - Trung không chỉ tác động tới chính sách của hai nước lớn mà còn có những hệ lụy nhất định tới các quốc gia trong khu vực. 

Trong bối cảnh đó, nhiều đại biểu nhấn mạnh tới vai trò của ASEAN, theo đó, ASEAN phải tiếp tục định hướng chính sách rõ ràng để tăng cường lòng tin trong nội khối cũng như khẳng định vai trò trung tâm trong xử lý quan hệ với các nước lớn, quản lý khủng hoảng và thúc đẩy hợp tác trong khu vực.

Các học giả tham dự hội thảo đều nhất mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng trật tự trên Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật biển Liên hợp quốc 1982 (UNCLOS). 

Ngoài ra, các học giả cho rằng Covid-19 đã gây ảnh hưởng tới vận tải hàng hải nói chung và vận tải hàng hải qua Biển Đông nói riêng với nhiều yếu tố gây ra đứt gãy chuỗi cung ứng, chi phí tăng cao, thiếu hụt lao động và các quy định về nhập cảnh, dịch tễ.

Các đại biểu cũng thảo luận về những giải pháp để đảm bảo khả năng phục hồi tuyến đường biển trong thời gian tới như tăng độ phủ vaccine Covid-19, thay đổi chính sách đối phó với đại dịch, thống nhất các quy định phòng chống dịch giữa các tổ chức quốc tế, giữa các quốc gia; đơn giản hóa thủ tục; đẩy mạnh chuyển đổi số; tăng cường đối thoại chiến lược giữa các nước để giảm căng thẳng; đảm bảo an toàn, an ninh hàng hải và sự thông suốt trên biển.  

Trong Hội thảo, các đại biểu cũng chia sẻ tầm quan trọng của nghiên cứu khoa học biển và bảo vệ môi trường biển. Các học giả cũng thảo luận về xu hướng ngày càng phổ biến và phát triển của công nghệ giám sát (như hệ thống nhận dạng tự động (AIS), thiết bị giám sát hành trình (VMS) và viễn thám. Việc áp dụng các công nghệ này giúp minh bạch hóa thông tin hoạt động của tàu thuyền góp phần mở ra những khía cạnh mới về môi trường biển và tăng cường nhận thức các vấn đề trên không gian biển, trong đó có Biển Đông.

Các học giả đồng thời nhấn mạnh việc sử dụng công nghệ vào mục đích hòa bình; nâng cao tính minh bạch thông qua hệ thống thông tin đầy đủ, toàn diện, được đối chiếu và kiểm chứng từ nhiều nguồn khác nhau.

Trong hai ngày làm việc tích cực, hội thảo nhận được các ý kiến, trao đổi về Biển Đông toàn diện, đa chiều và chất lượng, thể hiện tinh thần chung, nhấn mạnh tới vai trò của luật pháp quốc tế và của đối thoại giữa các nước nhằm giải quyết các bất đồng và tăng cường hợp tác tại khu vực.

Phát biểu bế mạc Hội thảo, TS. Phạm Lan Dung, quyền giám đốc Học viện Ngoại giao đánh giá cao sự tham gia tích cực và nhiệt tình của các đại biểu trực tuyến và trực tiếp. Các ý kiến trao đổi thẳng thắn, khoa học, có tính chất xây dựng và các đề xuất kiến nghị thu nhận tại diễn đàn học thuật sẽ góp phần vào việc nâng cao nhận thức, từ đó góp phần vào việc duy trì hợp tác và hòa bình tại Biển Đông.