1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Hàng trăm đại biểu thảo luận các vấn đề "nóng" tại hội thảo Biển Đông

Thành Đạt

(Dân trí) - Hàng trăm đại biểu hôm nay tham dự các phiên thảo luận tại Hội thảo Khoa học Quốc tế về Biển Đông lần thứ 13 với chủ đề "Nhìn lại quá khứ để có một tương lai tươi sáng hơn".

Hàng trăm đại biểu thảo luận các vấn đề nóng tại hội thảo Biển Đông - 1

Các đại biểu dự hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 13 sáng 18/11 (Ảnh: Bộ Ngoại giao Việt Nam).

Hội thảo Khoa học Quốc tế về Biển Đông lần thứ 13 do Học viện Ngoại giao tổ chức với chủ đề "Nhìn lại quá khứ để có một tương lai tươi sáng hơn" đã khai mạc sáng nay 18/11 tại Hà Nội. Hội thảo kéo dài 2 ngày với 8 phiên thảo luận.

Hội thảo có sự tham dự trực tiếp của hơn 180 đại biểu cùng hơn 400 đại biểu đăng ký tham dự trực tuyến, trong đó có gần 60 diễn giả, là các chuyên gia uy tín từ 30 quốc gia trên các châu lục, 90 đại biểu từ các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam (bao gồm 15 Đại sứ). 

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu nhận định với vị trí trung tâm của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, những diễn biến và phát triển ở Biển Đông sẽ dễ dàng trở thành tiền lệ được nhân lên trong toàn bộ khu vực và ở các khu vực khác trên thế giới.

Trong một năm qua, tình hình Biển Đông vẫn tiềm ẩn những mối lo ngại mới. Cạnh tranh nước lớn và các cơ chế hợp tác mới xuất hiện trong khu vực đặt ra các vấn đề mới đối với cấu trúc khu vực đang định hình, nhất là vai trò trung tâm của ASEAN. Trong khi Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) được coi là chuẩn mực ứng xử chung, vẫn còn nhiều bộ luật hoặc các hoạt động quốc gia không nhất quán hoặc trái với UNCLOS. Quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven biển vẫn chưa được tôn trọng đầy đủ. Điều này rõ ràng không có lợi cho lòng tin và cho các tiến trình hợp tác trong khu vực. Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 tác động sâu sắc tới mọi mặt của thế giới. Vì vậy, thế giới đang cần chung tay, hợp tác vượt qua đại dịch, phục hồi kinh tế và nỗ lực thực hiện các mục tiêu toàn cầu, vì một tương lai tốt đẹp hơn.

Hàng trăm đại biểu thảo luận các vấn đề nóng tại hội thảo Biển Đông - 2

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu phát biểu tại hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 13 (Ảnh: Bộ Ngoại giao Việt Nam).

Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu hy vọng Hội thảo sẽ tiếp tục là diễn đàn uy tín hàng đầu ở khu vực để thảo luận về hợp tác và phát triển ở Biển Đông. Thứ trưởng nhấn mạnh Hội thảo cần tập trung trao đổi 4 vấn đề: Một là, những việc cần làm để tăng cường trao đổi, đối thoại giữa các nước, nhất là các nước có yêu sách, nhằm kiểm soát bất đồng, tìm kiếm giải pháp cùng chấp nhận được; Hai là, các biện pháp củng cố trật tự ở Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS; Ba là, làm thế nào xây dựng cấu trúc an ninh đa phương ở khu vực, để xử lý hiệu quả thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống với vai trò trung tâm của ASEAN; Bốn là, tìm kiếm những biện pháp thúc đẩy hợp tác biển trên nhiều lĩnh vực, thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ kỹ thuật vào quản lý biển, đặc biệt là kinh tế biển xanh nhằm phục hồi kinh tế và chuỗi cung ứng trên biển.

Hội thảo Biển Đông năm nay tập trung thảo luận các diễn biến liên quan đến khu vực nói chung và Biển Đông nói riêng từ khía cạnh địa chính trị và pháp lý, vai trò và tầm nhìn của ASEAN về Biển Đông, các vấn đề an ninh biển truyền thống và phi truyền thống nổi lên hiện nay.

Nhìn lại quá khứ

Các phiên thảo luận trong ngày đầu tiên sẽ giúp nhìn lại quá khứ và lịch sử.

Hàng trăm đại biểu thảo luận các vấn đề nóng tại hội thảo Biển Đông - 3

Phiên thảo luận thứ nhất của hội thảo có chủ đề "Biển Đông trong bối cảnh toàn cầu đang thay đổi" (Ảnh: Nghiên cứu Biển Đông).

Phiên hội thảo thứ nhất có chủ đề "Biển Đông trong bối cảnh toàn cầu đang thay đổi" do Đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam Giorgio Aliberti điều phối.

Phiên này sẽ nhìn lại những diễn biến ở Biển Đông những năm qua nhằm hiểu rõ hơn tại sao các bên liên quan lại hành động như vậy? Tại sao lợi ích đối với hòa bình, ổn định và trật tự trên biển ngày càng lớn nhưng lòng tin dường như càng bị xói mòn? Tại sao các lợi ích chung không giúp thúc đẩy hợp tác hiệu quả và giảm căng thẳng?

Phiên hội thảo thứ 2 tập trung giải quyết câu hỏi: "30 năm sau chiến tranh Lạnh, liệu một cuộc chiến tranh Lạnh mới đang nhen nhóm và cách thức ngăn chặn bùng phát thành xung đột?" Phiên thảo luận này sẽ do Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam Elsbeth Akkerman điều phối.

Phiên này sẽ nhìn lại những bài học quá khứ các nước lớn và nước nhỏ rút ra từ chiến tranh Lạnh, từ đó xác định có thể làm gì để xây dựng quy tắc ứng xử phù hợp giữa các quốc gia, tránh những tính toán sai lầm, kiểm soát tác động, để bằng mọi giá ngăn chặn xung đột xảy ra. Phiên này sẽ đánh giá lại vai trò của các cường quốc, quốc gia tầm trung, sự tự chủ và liên minh, các tổ chức đa phương và trao đổi chiến lược…

"Củng cố trật tự pháp lý ở Biển Đông 5 năm qua" là chủ đề của phiên hội thảo thứ 3 do Đại sứ Australia tại Việt Nam Robyn Mudie điều phối.

Phiên 3 sẽ đánh giá những phát triển của trật tự pháp lý ở Biển Đông trong 5 năm qua. Nội dung thảo luận bao gồm phân tích vai trò của thực tiễn quốc gia (state practice) đối với việc thực thi Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và chiều hướng phát triển của trật tự pháp lý trên biển trong thời gian tới.

Năm 2021 cũng đánh dấu 5 năm kể từ khi Tòa Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS đã ra phán quyết về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông hồi năm 2016.

Phiên hội thảo thứ 4 có chủ đề: "Hãy công bằng với sự thật: Lịch sử và Biển Đông".

Phiên 4 sẽ đánh giá lại lịch sử Biển Đông qua những nghiên cứu mới, làm rõ những sự kiện cụ thể, đặc biệt trong giai đoạn nhiều biến động sau Thế Chiến thứ 2 và trong thời kỳ chiến tranh Lạnh. Ví dụ việc nhìn lại Hiệp ước San Francisco nhân kỷ niệm 70 năm Hiệp ước có thể giúp hiểu rõ lịch sử Biển Đông ở những thời điểm quan trọng.

Hướng tới tương lai tươi sáng

Ngày hội thảo thứ 2 sẽ tập trung vào các chủ đề hướng tới tương lai tươi sáng.

Hàng trăm đại biểu thảo luận các vấn đề nóng tại hội thảo Biển Đông - 4

Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, điều phối phiên thứ 5 của hội thảo (Ảnh: Nghiên cứu Biển Đông).

Tại phiên hội thảo thứ 5, các diễn giả sẽ trao đổi về "ASEAN và QUAD trong cấu trúc khu vực".

Phiên này sẽ tập trung vào tương lai cấu trúc an ninh khu vực để phân tích cách thức ASEAN và QUAD sẽ cạnh tranh hay bổ sung cho nhau. Mục tiêu thảo luận nhằm tìm ra cách thức ASEAN có thể và cần tăng cường vai trò trung tâm như thế nào trong bối cảnh các vấn đề mới đang tác động đến an ninh và ổn định Đông Nam Á, cả những mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống, cũng như xây dựng các thỏa thuận mới nhằm đối phó với các mối đe dọa này.

Đại sứ Singapore tại Việt Nam Jaya Ratnam sẽ điều phối phiên hội nghị thứ 6 với chủ đề "Đứt gãy chuỗi cung ứng: Cách thức đảm bảo khả năng phục hồi các tuyến đường biển trong bối cảnh đại dịch Covid-19".

Mục đích của Phiên 6 là thảo luận các phương thức thúc đẩy an toàn và ổn định mạng lưới hậu cần trên biển, xác định các nhân tố hỗ trợ bổ sung như kết nối cơ sở hạ tầng, hợp tác an ninh cảng biển… và các yếu tố gây gián đoạn như sức khỏe con người trong ngành vận tải biển, các quy định về nhập cư đối lập…

Phiên 7 với chủ đề "Thúc đẩy ngoại giao khoa học vì lợi ích chung của đại dương" sẽ thảo luận những tiến triển gần đây trong ngoại giao khoa học và hợp tác biển, xác định cơ hội mới từ những tiến bộ của khoa học và công nghệ để ứng phó với những thách thức về môi trường, phát triển con người và kinh tế cũng như đối phó các mối đe dọa phi truyền thống trên biển.

Trong phiên cuối cùng, "Sự minh bạch thông qua cơ chế giám sát", các diễn giả sẽ thảo luận cách thức các cơ chế giám sát có thể và cần được tận dụng một cách khôn ngoan để tránh hiểu nhầm và đưa thông tin sai lệch.

Trong vài năm qua, thế giới đã chứng kiến sự phổ biến và phát triển nhanh của công nghệ giám sát và viễn thám tinh vi, mở ra những khía cạnh mới về môi trường biển và nhận thức tình huống, đặc biệt ở Biển Đông. Mức độ minh bạch chưa từng có tiền lệ do công nghệ mang lại rõ ràng tác động rất lớn đến nhận thức và quan điểm chung, và trách nhiệm giải trình của các bên liên quan ở cả cấp độ chính sách và hoạt động "trên thực địa".