1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Các đại sứ châu Âu ủng hộ thúc đẩy luật pháp quốc tế trong vấn đề Biển Đông

Mỹ Lệ

(Dân trí) - Các nhà ngoại giao nước ngoài nhấn mạnh tầm quan trọng của luật pháp quốc tế trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông và các vùng biển quốc tế hiện nay.

Các đại sứ châu Âu ủng hộ thúc đẩy luật pháp quốc tế trong vấn đề Biển Đông - 1

Các đại biểu dự hội thảo quốc tế về Biển Đông ngày 18/11 (Ảnh: Bộ Ngoại giao).

Sáng 18/11, tại Hà Nội, Học viện Ngoại giao đã khai mạc Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 13 với chủ đề "Nhìn lại quá khứ vì một tương lai tươi sáng hơn". Hội thảo có sự tham dự trực tiếp của hơn 180 đại biểu cùng hơn 400 đại biểu đăng ký tham dự trực tuyến, trong đó có gần 60 diễn giả, là các chuyên gia uy tín từ 30 quốc gia trên các châu lục, 90 đại biểu từ các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam (bao gồm 15 đại sứ).

Thông qua các phiên thảo luận trong ngày làm việc đầu tiên, những vấn đề nổi cộm như cạnh tranh Mỹ - Trung, vai trò trung tâm của ASEAN, luật pháp quốc tế… đã được nhấn mạnh xuyên suốt các bài phát biểu của các diễn giả.

Đánh giá về chủ đề năm nay, Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam Ivo Sieber nhận định: "Nhìn lại quá khứ vì một tương lai tươi sáng hơn là một chủ đề rất quan trọng và mở ra nhiều vấn đề để bàn luận. Đây là thách thức rất lớn đối với toàn khu vực, thậm chí nó vượt ra khỏi phạm vi khu vực, trở thành một vấn đề toàn cầu với các nội hàm như tự do hàng hải, sử dụng tài nguyên biển… Như chúng ta đã lắng nghe sáng nay, có rất nhiều quan điểm khác nhau đến từ các học giả. Vì vậy, tôi nghĩ hội thảo năm nay là một nền tảng rất hữu ích để các học giả trên thế giới cùng thảo luận về vấn đề này".

Trong các phiên đầu của hội thảo, các diễn giả đã tập trung giải quyết các câu hỏi về bối cảnh thế giới, nêu bật bản chất phức tạp của tình hình Biển Đông hiện nay và cho rằng Biển Đông không chỉ là tài sản riêng của bất kỳ quốc gia nào mà là tài sản chung của toàn thế giới.

Các đại sứ châu Âu ủng hộ thúc đẩy luật pháp quốc tế trong vấn đề Biển Đông - 2

Các diễn giả thảo luận tại hội thảo quốc tế về Biển Đông ngày 18/11 (Ảnh: DAV).

Đồng quan điểm với các diễn giả, đại sứ Thụy Sĩ cho biết: "Các bài phát biểu hôm nay đều xoay quanh những vấn đề rất quan trọng và thú vị. Tôi nghĩ rằng họ đã làm rất tốt trong khuôn khổ nội dung đề tài. Có thể nói đây là khởi đầu tốt đẹp cho hội nghị năm nay".

"Trên cương vị đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam và là một quốc gia không giáp biển, chúng tôi không có lợi ích trực tiếp trên biển Đông. Tuy nhiên, chúng tôi rất khuyến khích thúc đẩy luật pháp quốc tế trong tự do hàng hải và trong chính trị quốc tế. Và tôi nghĩ rằng đây là vấn đề mấu chốt cần được bàn luận trong hội nghị Biển Đông nói riêng và trên các diễn đàn quốc tế nói chung", Đại sứ Sieber nhấn mạnh.

Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Ann Mawe cho biết: "Thời điểm tổ chức hội nghị tạo ra một cơ hội rất tốt để các bên ngồi lại và thảo luận về các vấn đề mới nổi liên quan đến Biển Đông. Với tư cách là cộng đồng ngoại giao có mặt tại Việt Nam, chúng tôi được hưởng lợi rất nhiều từ việc theo dõi và tham gia hội nghị này hàng năm".

"Có nhiều quan điểm khác nhau được trình bày và các quan điểm đó đều bổ sung cho nhau. Tôi nghĩ rằng nhờ đó, chúng ta có một bức tranh toàn cảnh đầy đủ về tất cả các khía cạnh, từ phía Mỹ, từ phía Trung Quốc, từ quan điểm ASEAN, Nhật Bản hay các bên liên quan khác. Tôi không chắc chắn về việc dựa vào bài học lịch sử để định hình tương lai trên biển Đông, nhưng rõ ràng hiện nay, luật pháp quốc tế là vấn đề then chốt, là cơ sở để tiến tới một tương lai tươi sáng hơn", đại sứ Mawe nói thêm.

Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 13 diễn ra trong hai ngày 18-19/11 với 8 phiên về các chủ đề đa dạng: (i) Biển Đông trong bối cảnh toàn cầu đang thay đổi; (ii) Ba mươi năm sau Chiến tranh Lạnh: Liệu một cuộc Chiến tranh Lạnh mới đang nhen nhóm và Cách thức ngăn chặn bùng phát thành xung đột; (iii) Củng cố trật tự pháp lý ở Biển Đông 5 năm qua; (iv) Hãy công bằng với sự thật: Lịch sử và Biển Đông; (v) ASEAN và QUAD trong cấu trúc khu vực; (vi) Đứt gãy chuỗi cung ứng: Đảm bảo khả năng phục hồi các tuyến đường biển trong bối cảnh đại dịch Covid-19; (vii) Thúc đẩy ngoại giao khoa học vì lợi ích chung của đại dương; (viii) Sự minh bạch thông qua Công nghệ giám sát.