Hành trình "khó hiểu" của lô vắc xin Covid-19 Trung Quốc tại Singapore
(Dân trí) - Nhiều câu hỏi được đặt ra liên quan tới lô vắc xin Covid-19 được chuyển tới Singapore trong tuần này, dù chưa được nước sở tại phê duyệt.
Khi lô vắc xin ngừa Covid-19 Pfizer-BioNTech (Mỹ - Đức) tới Singapore vào tháng 12 năm ngoái, cả người dân và các chính trị gia tại đảo quốc Đông Nam Á đều vui mừng đón nhận. Bộ trưởng Giao thông vận tải Singapore Ong Ye Kung tiếp nhận lô vắc xin với sự hào hứng, thậm chí giám sát việc giao hàng tới nhà kho lạnh. Trong khi đó, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long gọi sự xuất hiện của vắc xin là "món quà chào mừng mà tất cả chúng ta đều mong đợi".
Câu chuyện tương tự diễn ra hai tháng sau đó, khi Singapore nhận lô vắc xin Moderna (Mỹ) đầu tiên. Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết ông "hài lòng" với việc này. Các phóng viên cũng được gửi một loạt bức ảnh cho thấy những hộp vắc xin cồng kềnh với hình ảnh máy bay của hãng hàng không Singapore Airlines ở phía sau.
Tuy nhiên, theo SCMP, không có sự chào đón nào dành cho lô vắc xin Sinovac của Trung Quốc khi chúng được chuyển đến Singapore vào tối 23/2. Sự kiện này chỉ được công chúng biết đến vài ngày sau đó qua một thông báo của Đại sứ quán Trung Quốc ở Singapore.
Bộ Y tế Singapore xác nhận lô vắc xin Sinovac đã có mặt tại nước này, nhưng nhấn mạnh rằng vắc xin của Trung Quốc vẫn chưa được cơ quan quản lý cấp phép, do vậy không thể sử dụng ngay lập tức như vắc xin của Pfizer và Moderna.
Giới phân tích cho rằng sự không chắc chắn xung quanh vắc xin Sinovac có thể là một trong những nguyên nhân dẫn tới phản ứng trái ngược trong việc tiếp nhận lô vắc xin tại Singapore, đồng thời cho thấy Singapore có thể đối mặt với sức ép ngoại giao "ngầm" trong việc chấp thuận vắc xin này.
Leong Hoe Nam, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, lưu ý rằng điều "bất thường" ở đây là vắc xin đã được chuyển đến Singapore trước khi được cấp phép tại nước này.
Theo ông Nam, việc vắc xin được chuyển đến một nước trước khi được cấp phép có thể đối mặt với một loạt thách thức, bao gồm rủi ro vắc xin hết hạn trước khi được phê duyệt chính thức, mặc dù báo cáo của nhà sản xuất Trung Quốc nói rằng, thời hạn bảo quản vắc xin Sinovac trong tủ lạnh là 3 năm.
Chuyên gia Nam đã đặt câu hỏi về lý do Trung Quốc gửi lô vắc xin tới Singapore. Ông nhận định "dường như Trung Quốc đang kêu gọi Singapore sử dụng vắc xin này".
Theo Khor Swee Kheng, chuyên gia Malaysia về chính sách y tế, các quốc gia nhận vắc xin trước khi được cơ quan quản lý phê duyệt phải đối mặt với những lo ngại về khả năng "quy định không rõ ràng" và nguy cơ sức ép chính trị đối với các cơ quan quản lý để phê duyệt vắc xin.
Ông Kheng cho biết, các quốc gia trên thế giới cũng đang phải vật lộn để cân bằng giữa tốc độ phê duyệt vắc xin và các thỏa thuận sắp hết hạn với các công ty dược phẩm. Nếu việc phê duyệt vắc xin diễn ra quá chậm ở một quốc gia, một quốc gia khác đã phê duyệt vắc xin có thể chớp thời cơ và mua luôn số vắc xin đó.
Chiến lược ngoại giao vắc xin của Trung Quốc
Chong Ja Ian, nhà khoa học chính trị và học giả về chính sách đối ngoại của Trung Quốc tại Đại học Quốc gia Singapore, nhận định Trung Quốc rất mong chờ các quốc gia khác sử dụng vắc xin của mình như một phần của "ngoại giao vắc xin". Ông Chong cho rằng lô vắc xin Trung Quốc chuyển tới Singapore tối 23/2 là một phần của chiến dịch ngoại giao này.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Singapore ca ngợi lô vắc xin Sinovac đã tạo thêm một "điểm nhấn mới" cho 30 năm quan hệ song phương. Trong một tuyên bố trên Facebook, Đại sứ quán Trung Quốc bày tỏ tin tưởng rằng vắc xin Sinovac sẽ đóng góp vào nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh của Singapore và cam kết Bắc Kinh sẽ tiếp tục làm việc với chính phủ Singapore để "giành chiến thắng cuối cùng" trước đại dịch.
Theo ông Chong, Trung Quốc có thể "không vui" nếu Singapore không, hoặc chậm, phê duyệt vắc xin Sinovac.
"Tuy nhiên, trong khoảng thời gian khủng hoảng này, vấn đề cốt lõi cần được xem xét là sự an toàn và hiệu quả của vắc xin… hơn là liệu các chính phủ hoặc các nhà lãnh đạo có hài lòng hay không. Bất kỳ mối quan tâm nào khác ngoài sức khỏe cộng đồng vào thời điểm khủng hoảng này đều là vô trách nhiệm", chuyên gia nhận định.
Theo ông Chong, các tiêu chuẩn phê duyệt vắc xin tại Singapore rất nghiêm ngặt, nên một khi Sinovac được chấp thuận tại Singapore, tất cả các vắc xin khác do Trung Quốc phát triển cũng sẽ được phê duyệt.
Victor Shih, phó giáo sư kinh tế chính trị tại Đại học California San Diego, cho rằng sự chấp thuận của Singapore sẽ càng tạo thêm uy tín cho vắc xin Trung Quốc trên quy mô toàn cầu. Các vắc xin của Trung Quốc hiện mới chỉ được sử dụng phần lớn tại các nước đang phát triển, trong đó có Indonesia và Philippines.
Theo Guardian, dữ liệu thử nghiệm cho thấy, vắc xin Sinovac chỉ đạt tỷ lệ hiệu quả khoảng 50,4%,, trong khi vắc xin Pfizer-BioNTech và Moderna lần lượt đạt 95% và 94%. Singapore là một trong số ít các nước giàu cân nhắc sử dụng vắc xin Trung Quốc, bên cạnh Các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE).
Theo ông Shih, nhóm đối tượng chính trong chiến dịch ngoại giao vắc xin của Trung Quốc là người dân nước này.
"Khi Trung Quốc triển khai chiến dịch tiêm vắc xin đại trà trong nước, chính phủ muốn người dân chấp thuận các vắc xin của Trung Quốc, dù hiệu quả thấp hơn so với các vắc xin hàng đầu của phương Tây", ông Shih nói.
Theo ông Shih, có thể có "một số sức ép phía sau hậu trường" để Singapore chấp thuận vắc xin Sinovac, tuy nhiên ngay cả khi vắc xin này được phê duyệt, nhiều khả năng số người muốn tiêm vắc xin Trung Quốc tại Singapore cũng không cao, vì các vắc xin của Pfizer-BioNTech và Moderna đều đã có mặt tại đây.
Chính phủ Singapore hiện vẫn chưa tiết lộ số liều vắc xin đã nhận của từng hãng. Người dân Singapore cũng không được lựa chọn tiêm loại vắc xin nào. Singapore hiện mới chỉ có 29 ca tử vong vì Covid-19, trong khi số ca nhiễm lên tới gần 60.000 người, theo Worldometers.