1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Vắc xin Covid-19: "Đơn vị tiền tệ mới" trong ngoại giao quốc tế

Minh Phương

(Dân trí) - Trung Quốc, Ấn Độ và một số quốc gia khác đang đẩy mạnh "ngoại giao vắc xin Covid-19" trong bối cảnh đại dịch tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới.

Vắc xin Covid-19: Đơn vị tiền tệ mới trong ngoại giao quốc tế - 1
Nhiều nước đang đẩy mạnh viện trợ hoặc xuất khẩu vắc xin Covid-19. (Ảnh: New York Times)

"Đơn vị tiền tệ mới" trong ngoại giao

Ấn Độ đã viện trợ hàng triệu liều vắc xin Covid-19 cho các quốc gia cả thân thiết lẫn lẫn lạnh nhạt. Vắc xin Covid-19 cũng là một trong những công cụ để Trung Quốc mở rộng tầm ảnh hưởng ngoại giao. Trong khi đó, UAE với tiềm lực kinh tế mạnh nhờ dầu mỏ, cũng chi tiền mua vắc xin Covid-19 cho các đồng minh của mình. Vắc xin Covid-19 - một trong những hàng hóa đang được tìm kiếm nhiều nhất thế giới, đã trở thành một loại "tiền tệ mới" trong ngoại giao quốc tế.

Những nước có thể sản xuất vắc xin Covid-19 thì có thể dùng nó để củng cố quan hệ với đồng minh hay làm tan băng các mối quan hệ. Ấn Độ đã viện trợ vắc xin cho Nepal, một láng giềng đang xích lại gần Trung Quốc. Sri Lanka, nước đang mắc kẹt trong quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Ấn Độ, nhận được vắc xin từ cả hai nước.

Trong khi đó, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) dùng vắc xin Sinopharm mà họ mua của Trung Quốc để viện trợ cho các nước mà họ có các lợi ích thương mại hoặc chiến lược, trong đó có 50.000 liều cho các nước như Seychelles, Ai Cập. Đáng tiếc là tại Ai Cập, một số bác sĩ không khuyến khích sử dụng viện trợ này bởi họ chưa tin tưởng vào dữ liệu của UAE và nhà sản xuất vắc xin của Trung Quốc. Malaysia, một trong những đối tác thương mại lớn nhất của UAE, cũng từ chối nhận viện trợ 50.000 liều vắc xin Sinopharm với lý do phải có sự phê chuẩn độc lập của các nhà quản lý của họ với vắc xin này.

Chiến lược ngoại giao vắc xin được đẩy mạnh giữa lúc Mỹ và các quốc gia giàu có đang gom nguồn cung vắc xin Covid-19, thậm chí dư thừa so với nhu cầu thực tế cho toàn bộ người dân của họ. Cùng lúc đó, các nước có thu nhập thấp hơn "đỏ mắt" tìm nguồn cung vắc xin để đối phó với đại dịch. Đó là tình trạng bất bình đẳng khiến Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích "chủ nghĩa dân tộc vắc xin".

Ngoại giao vắc xin và cuộc đua Trung -Ấn

Vắc xin Covid-19: Đơn vị tiền tệ mới trong ngoại giao quốc tế - 2

Trung Quốc chuyển 600.000 liều vắc xin Covid-19 cho Campuchia. (Ảnh: Reuters)

Trung Quốc là một trong những quốc gia đầu tiên dùng ngoại giao vắc xin với cam kết cung cấp cho các nước đang phát triển từ năm ngoái, thậm chí trước khi Bắc Kinh bắt đầu sản xuất vắc xin quy mô lớn. Trong tháng này, Trung Quốc cam kết sẽ viện trợ 300.000 liều vắc xin cho Ai Cập. Tuy nhiên, nỗ lực ngoại giao vắc xin của Trung Quốc cũng vấp phải một số vấn đề như nguồn cung đến muộn, thiếu thông tin về hiệu quả của vắc xin và các vấn đề khác.

Viện huyết thanh Ấn Độ, nhà máy sản xuất vắc xin lớn nhất thế giới, đang sản xuất vắc xin AstraZeneca-Oxford với sản lượng khoảng 2,5 triệu liều/ngày. Tốc độ này cho phép Ấn Độ bắt đầu viện trợ vắc xin cho các nước láng giềng, trong đó có Nepal, Bangladesh, Myanmar, Maldives, Sri Lanka, Seychelles và Afghanistan. "Hành động hướng Đông. Hành động khẩn trương", Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar bình luận trên Twitter khi 1,5 triệu liều vắc xin của Ấn Độ được chuyển cho Myanmar.

Ấn Độ cũng cam kết đóng góp 200 triệu liều vắc xin cho sáng kiến vắc xin toàn cầu COVAX do WHO đưa ra nhằm phân phối cho các quốc gia thu nhập thấp. Trung Quốc gần đây cam kết đóng góp 10 triệu liều cho COVAX. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Anurag Srivastava cho biết: "Năng lực sản xuất và phân phối vaccine của Ấn Độ được sử dụng vì lợi ích của toàn nhân loại trong cuộc chiến khủng hoảng này".

Hiện giờ, Ấn Độ có nhiều điều kiện hơn để viện trợ và xuất khẩu vắc xin Covid-19, thậm chí sau nhiều tháng số ca mắc ở nước này tăng mạnh và nền kinh tế bị ảnh hưởng đáng kể. Điều này là nhờ Viện huyết thanh Ấn Độ đang sản xuất vắc xin nhanh hơn so với tốc độ của chương trình tiêm chủng trong nước.

Những nỗ lực "ngoại giao vắc xin" của Ấn Độ có thể không có nhiều hiệu quả để ngăn ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc với các nước láng giềng như Nepal hoặc Sri Lanka nhưng đây vẫn là công cụ để Ấn Độ tăng cường vị thế trong khi cải thiện các vấn đề địa chính trị quan trọng.