Hàng nghìn tay súng tham gia kháng chiến lật đổ Taliban
(Dân trí) - Lực lượng kháng chiến chống Taliban cho biết nhóm này có hàng nghìn tay súng sẵn sàng chiến đấu sau khi Taliban lên nắm quyền tại Afghanistan.
Ali Nazary, người đứng đầu bộ phận quan hệ đối ngoại của Mặt trận Kháng chiến Quốc gia Afghanistan (NRF), nói với BBC rằng lực lượng này muốn theo đuổi các cuộc đàm phán hòa bình với Taliban. Tuy nhiên, ông nói thêm, nếu nỗ lực này không thành công, NRF sẵn sàng chiến đấu.
Ông Nazary cho biết NRF, lực lượng đóng tại thung lũng Panjshir ở phía bắc Afghanistan, hiện có "hàng nghìn thành viên sẵn sàng kháng chiến" chống lại Taliban. Ông cũng nói rằng Panjshir gần đây đã quy tụ số lượng lớn các nhóm kháng chiến địa phương từ khắp đất nước.
"Tuy nhiên, chúng tôi muốn theo đuổi giải pháp hòa bình và đàm phán trước bất kỳ cuộc chiến hay xung đột nào", đại diện của NRF nói thêm.
Panjshir là một trong những tỉnh nhỏ nhất trong số 34 tỉnh của Afghanistan và cũng là tỉnh còn lại duy nhất ở nước này mà Taliban chưa chạm đến. Hiện Panjshir vẫn nằm dưới sự kiểm soát của NRF - lực lượng do Ahmad Massoud sáng lập. Ahmad Massoud là con trai của lãnh đạo phong trào kháng chiến chống Taliban tại Afghanistan.
Những ngày qua, các lãnh đạo chính trị và quân sự của chính quyền Afghanistan cũ, trong đó có Phó Tổng thống Amrullah Saleh, đã đổ về Panjshir để tập hợp một lực lượng kháng chiến nhằm chống lại Taliban.
Ahmad Massoud đã kêu gọi sự ủng hộ của quốc tế để chống lại Taliban sau khi Mỹ và các đồng minh rút quân khỏi Afghanistan. Ahmad Massoud đã đăng một bài viết trên Washington Post kêu gọi phương Tây hỗ trợ và cung cấp vũ khí để đối phó Taliban. Thủ lĩnh ngoài 30 tuổi này cho biết, các binh sĩ sẵn sàng chiến đấu nhưng "cần thêm vũ khí, đạn dược và các trang thiết bị khác".
Ahmad Massoud cảnh báo nếu Taliban không chấp nhận điều kiện về thỏa thuận lập chính phủ toàn diện, một phong trào nổi dậy quy mô lớn sẽ nổ ra.
Taliban ngày 23/8 cho biết hàng trăm tay súng của lực lượng này đã "bao vây" thung lũng Panjshir từ 3 hướng. Các thủ lĩnh Taliban quyết định đưa chiến binh đến Panjshir do các cuộc đàm phán với lực lượng kháng chiến "không thu được kết quả nào".
Ông Nazary cho biết mục tiêu cuối cùng của NRF là thành lập một chính phủ với sự tham gia của nhiều lực lượng.
"NRF tin rằng để có hòa bình lâu dài, chúng ta phải giải quyết các vấn đề gốc rễ ở Afghanistan. Afghanistan là một quốc gia gồm các nhóm sắc tộc thiểu số, không có nhóm nào là đa số cả. Đây là một quốc gia đa văn hóa, vì vậy cần có sự chia sẻ quyền lực - một thỏa thuận chia sẻ quyền lực mà mọi người đều thấy mình được nắm quyền", người phát ngôn của NRF cho biết.
Theo ông Nazary, việc chỉ có một nhóm nắm quyền lực chính trị sẽ dẫn đến "nội chiến" và các cuộc xung đột hiện tại sẽ "tiếp tục diễn ra".
"Chúng tôi muốn hòa bình, chúng tôi ưu tiên hòa bình và đàm phán. Nếu điều này thất bại, nếu chúng tôi thấy phía bên kia không chân thành, nếu chúng tôi thấy phía bên kia đang áp đặt sức mạnh của mình lên phần còn lại của đất nước, chúng tôi sẽ không chấp nhận bất kỳ hình thức gây hấn nào. Thành tựu của chúng tôi (trong 40 năm) đã cho thấy rằng không ai có thể chinh phục được vùng đất của chúng tôi, đặc biệt là thung lũng Panjshir", ông Nazary cảnh báo.