1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Hàn Quốc quyết "tuyên chiến" với vấn nạn tự tử ngày càng nghiêm trọng

Đức Hoàng

(Dân trí) - Tỷ lệ tự tử ở Hàn Quốc hiện cao nhất trong nhóm các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), thực trạng khiến chính phủ nước này quyết tâm tìm cách đối phó.

Hàn Quốc quyết tuyên chiến với vấn nạn tự tử ngày càng nghiêm trọng - 1

Người dân di chuyển tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc (Ảnh minh họa: Reuters).

SCMP đưa tin, Hàn Quốc đang đối phó với một vấn nạn nghiêm trọng khi tình trạng tự tử ngày càng gia tăng. Điều này đã buộc chính phủ nước này bắt tay vào hành động để đối phó tình hình.

Tháng trước, một ngôi sao Kpop tên là Moonbin được tìm thấy trong căn hộ riêng ở Seoul khi đã tử vong. Cảnh sát tin rằng, thanh niên 25 tuổi đã tự tước đi mạng sống của chính mình. Anh không phải là thần tượng Kpop đầu tiên của Hàn Quốc tự tử trong vài năm trở lại đây.

Tuy nhiên, không chỉ nhiều người nổi tiếng ở Hàn Quốc đang gặp vấn đề về tâm lý. Thống kê của Statistics Korea cho thấy, vào năm 2021, cứ 100.000 người Hàn Quốc thì có 26 vụ tự tử, tăng 0,3 so với năm trước đó. Chính phủ Hàn Quốc cho biết vào năm 2018, tỷ lệ tự tử ở nước này là 24,7/100.000 người.

Hàn Quốc là quốc gia có tỷ lệ tự tử cao nhất trong 38 quốc gia OECD. Quốc gia Đông Á thời gian qua đã chứng kiến nhiều vụ tự tử chấn động dư luận, bao gồm một vụ nữ học sinh tự kết liễu mạng sống của mình ở Seoul tháng trước khi đang phát sóng trực tiếp trên Instagram. Các vụ tự tử bắt chước ở học sinh xảy ra sau đó, làm dấy lên mối lo ngại về sức khỏe tinh thần của người trẻ tuổi.

Paik Jong-woo, giáo sư tâm thần học tại Trung tâm Y tế Đại học Kyung Hee, cho biết ông tin rằng tốc độ công nghiệp hóa nhanh chóng của Hàn Quốc trong những thập niên gần đây đã góp phần làm gia tăng các vụ tự tử. Ngoài ra, quốc gia này vẫn chưa phát triển các dịch vụ giúp hỗ trợ chăm sóc sức khỏe tâm thần.

"Trước đây, khi Hàn Quốc là một xã hội nông thôn với các gia đình đông con, mặc dù tình hình kinh tế khó khăn, nhưng vẫn có một cộng đồng gia đình, bạn bè và hàng xóm, vì vậy chúng tôi có thể tìm kiếm sự giúp đỡ lẫn nhau dễ dàng hơn. Mặc dù Hàn Quốc hiện có thu nhập bình quân đầu người cao hơn nhưng lại không có mạng lưới an sinh xã hội đủ rộng và khả năng tiếp cận các dịch vụ sức khỏe tâm thần", ông giải thích.

Ông Lee cho rằng, nhiều người Hàn Quốc có xu hướng coi tự tử là vấn đề cá nhân và không quan tâm đầy đủ đến sức khỏe tâm thần của cá nhân. Ông cho rằng, quan điểm trên cần phải được thay đổi.

Chính phủ hành động

Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc đã công bố một kế hoạch vào tháng trước nhằm giảm 30% tỷ lệ tự tử vào năm 2027. Kế hoạch 5 năm bao gồm kiểm tra sức khỏe tâm thần thường xuyên hơn, dịch vụ tư vấn và chăm sóc tốt hơn cho những nạn nhân của các hành vi tội phạm trước đó, đặc biệt với những người từng có ý định tự tử.

Trung tâm Phòng chống Tự tử Hàn Quốc, do chính phủ tài trợ và điều hành, cũng sẽ tư vấn và hỗ trợ điều trị cho những người dễ bị tổn thương, đồng thời chính phủ sẽ tài trợ chi phí y tế bắt đầu từ năm nay.

Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo cho biết trong một hội nghị về phòng chống tự tử vào tháng 4: "Chỉ riêng năm 2021, có khoảng 13.000 người đã tự kết liễu đời mình. Thật là đáng tiếc. Trách nhiệm đầu tiên của quốc gia là bảo vệ cuộc sống của người dân".

Một chuyên gia từ Hiệp hội Tâm thần học Hàn Quốc cho biết nước này chỉ chi 1,6% tổng ngân sách chăm sóc sức khỏe cho tâm thần học, trong khi các nước phát triển khác đầu tư tới 10%. Vì vậy, ông khuyến nghị, trong 5 năm tới, để đạt được mục tiêu trên, Hàn Quốc cần phải điều chỉnh con số lên ít nhất 5%.

Ngoài ra, ông Paik cho biết điều quan trọng là phải nắm được điều gì đang ảnh hưởng tới sức khỏe tinh thần của người dân.

Ông nói: "Các nhóm có nguy cơ cao, chẳng hạn như những người có ý định tự tử, sẽ cần nhập viện và được điều trị mạnh mẽ hơn. Xã hội và đất nước có trách nhiệm giải cứu những người gặp nguy hiểm".

Theo SCMP