1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Hạ nghị sĩ Mỹ tiết lộ về chuyến bay dài kỷ lục tới Việt Nam của Tổng thống Obama

(Dân trí) - Trên chuyên cơ Không lực Một, Tổng thống Obama đã nói với các nghị sĩ Mỹ rằng hành trình tới Việt Nam là chuyến bay dài nhất của ông kể từ khi nhậm chức tổng thống, nghị sĩ Beto O'Rourke tiết lộ.


Tổng thống Obama vẫy tay chào khi đặt chân tới thành phố Hồ Chí Minh ngày 24/5 (Ảnh: AFP)

Tổng thống Obama vẫy tay chào khi đặt chân tới thành phố Hồ Chí Minh ngày 24/5 (Ảnh: AFP)

Hạ nghị sĩ Beto O'Rourke là một trong những người Mỹ tháp tùng Tổng thống Barack Obama trong chuyến thăm Việt Nam lần này. Đi cùng ông còn có Hạ nghị sĩ Joaquin Castro và Thượng nghị sĩ Tom Carper, một cựu chiến binh chiến tranh Việt Nam.

Trên trang facebook cá nhân, ông O'Rourke đã cập nhật về lịch trình làm việc tại Việt Nam, cùng những chia sẻ thú vị về chuyến thăm. Các chia sẻ của ông đã thu hút hàng trăm lượt thích của những người theo dõi.

Chuyến bay dài kỷ lục

“Chúng tôi cất cánh từ căn cứ không quân Andrews lúc 1h30 chiều ngày thứ Bảy. Giờ là 8h33 sáng thứ Hai tại Hà Nội, Việt Nam và tôi đang ăn sáng tại nhà hàng của khách sạn với trứng và mì. Cà phê ở đây rất ngon”, ông viết.

Nghị sĩ đại diện cho bang Texas cho hay bay bằng Không lực Một đúng là một trải nghiệm đặc biệt, nhưng đó thực sự là một hành trình dài. Họ mất 8 giờ để tới căn cứ không quân Elmendorf tại Alaska, 8 giờ khác bay đi Nhật Bản và sau đó mất 6 tiếng để tới Việt Nam.

“Tổng thống Obama đã đi xuống phía cuối máy bay và nói với tôi và các đồng nghiệp của tôi, Hạ nghị sĩ Castro và Thượng nghị sĩ Carper, rằng đây là chuyến bay dài nhất mà ông từng đi kể từ khi nhậm chức tổng thống”, ông O'Rourke viết.

Ông Beto ORourke, sinh năm 1972, đắc cử vào quốc hội Mỹ năm 2012. (Ảnh: Twitter)
Ông Beto O'Rourke, sinh năm 1972, đắc cử vào quốc hội Mỹ năm 2012. (Ảnh: Twitter)

Theo chia sẻ của ông O'Rourke, đội ngũ đi cùng tổng thống rất đông. Có các trợ lý và cố vấn như cố vấn an ninh quốc gia Susan Rice và phó cố vấn an ninh quốc gia Ben Rhodes. Đội ngũ báo chí, thương mại, an ninh, bác sĩ, đầu bếp, tiếp viên... “Chúng tôi ngồi ở một khu vực khá đẹp, có 2 bàn, mỗi bàn 4 người. Bạn có thể gọi điện ngay từ ghế ngồi. Tôi đã gọi cho Amy, mẹ và một người bạn thân của gia đình”.

“Chúng tôi hạ cánh xuống Việt Nam vào buổi tối, trở về khách sạn cùng một nhóm của Đại sứ quán và cố gắng ngủ. Tới quầy bar khách sạn cùng Anthony Bourdain (một đầu bếp kiêm dẫn chương trình nổi tiếng ở Mỹ - PV), tôi nói với ông ấy rằng tôi thích cuốn sách nấu ăn Kitchen Confidential của ông ấy và vừa thấy ông ấy trong bộ phim The Big Short mà tôi xem trên máy bay”, ông O'Rourke viết vào buổi sáng ngày 23/5 sau khi tới Hà Nội.

Đường phố nhiều xe máy

Trước khi bắt đầu ngày làm việc đầu tiên, ông viết: “Tôi đi tập gym và cố gắng gọi về cho gia đình. Giờ là một ngày bận rộn với một số sự kiện cùng Tổng thống và một số hoạt động riêng biệt”.

Ông cũng chia sẻ chuyến thăm tới Trung tâm đáp ứng tình huống khẩn cấp (EOC) do Bộ Y tế Việt Nam và Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ điều hành. Tại trung tâm này, Mỹ trợ giúp Việt phát hiện và chiến đấu với các vi-rút như cúm gà, Zika, bệnh lao kháng nhiều loại thuốc, sốt xuất huyết.

“Trung tâm này không chỉ vì tốt cho người Việt mà còn vì lợi ích của chính chúng ta vì chúng ta biết rằng những vi rút và căn bệnh này không có biên giới”, ông nói.

Tại Hà Nội, Hạ nghị sĩ Mỹ cũng chia sẻ cảm nhận về tình trạng giao thông ở Việt Nam. “Một nét đặc biệt về giao thông Việt Nam mà tôi nhận thấy trên đường là có rất nhiều xe máy... Dường như không có luật lệ giao thông nào cả. Mọi người cứ thế đi. Tôi nhìn thấy nhiều vụ suýt đâm nhau trực diện giữa ngã tư”, ông viết.

Ông cũng cho biết Mỹ đã nhận được cam kết từ Việt Nam rằng hai bên sẽ tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực tìm kiếm người Mỹ mất tích và tử trận trong chiến tranh, trong khi Mỹ hứa trợ giúp Việt Nam dọn dẹp chất độc da cam và bom mìn chưa nổ từ thời chiến tranh.

Sự gắn kết giữa hai nước

Tham dự của họp báo của Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch nước Trần Đại Quang, nghị sĩ O'Rourke chú ý tới các tuyên bố của nhà lãnh đạo về việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương, các hợp đồng kinh tế lớn giữa doanh nghiệp hai nước, tổ chức tình nguyện Peace Corps sẽ tới Việt Nam dạy tiếng Anh và Đại học Fulbright Việt Nam được thành lập và bắt đầu nhận sinh viên kể từ tháng 9.

Ông O'Rourke chia sẻ, thật khó tin khi hai nước từng lâm vào một cuộc chiến khắc nghiệt và kéo dài giờ đây lại có thể kết nối thông qua các thỏa thuận tương mại tự do, trao đổi hàng nghìn sinh viên mỗi năm.

Nghị sĩ O'Rourke cũng kể lại câu chuyện trong cuộc gặp với Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Phùng Quốc Hiển. Trong cuộc gặp, Nghị sĩ Tom Carper, một cựu binh chiến tranh Việt Nam, đã xúc động nhớ lại những chuyến bay trên bầu trời Việt Nam. Trong khi đó, ông Hiển chia sẻ rằng khi ông Carpter bay trên đầu thì ông còn là một cậu bé, tìm cách trú bom và mong không bị bom từ máy bay Mỹ dội trúng. “Nhưng đó là quá khứ. Giờ đây chúng ta phải tập trung cho tương lai”, Hạ nghị sĩ Mỹ dẫn lại lời ông Hiển.

Ông O'Rourke còn kể chuyện đi bộ thăm phố cổ, ăn phở và cảm nhận không khí nhộn nhịp náo nhiệt tại một thành phố đã kỷ niệm 1000 năm lịch sử.

Cả thành phố dậy sớm tập thể dục

Trước khi bắt đầu làm việc ngày thứ 2 tại Việt Nam, ông O'Rourke dậy sớm và chạy bộ quanh một hồ nhỏ ngay cạnh khách sạn. Ông đã bất ngờ khi nhìn thấy dường như cả thành phố đều dậy sớm để tập thể dục vào lúc 6h30 sáng.

“Mọi người chạy, đi bộ, đạp xe, chơi cầu lông, tập thể dục dưỡng sinh, lắc vòng, khiêu vũ, vui cười và thư giãn ngoài trời”, ông viết.

Ông O'Rourke sau đó đã tới thăm nhà tù Hỏa Lò, nơi các cựu binh Mỹ như Pete Peterson và John McCain từng bị giam giữ. “Họ cũng là những người có đóng góp lớn cho việc bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ sau chiến tranh”, ông viết.

Chia sẻ về bài phát biểu của Tổng thống Obama tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, ông O'Rourke viết: “Trung tâm hội nghị chật kín với trên 2.000 người, và bài phát biểu được truyền hình trực tiếp trên đài truyền hình quốc gia.

“Tổng thống đã thể hiện sự tôn trọng sâu sắc đối với người dân Việt Nam, nhắc tới các nhân vật lịch sử và nổi tiếng qua một nghìn năm lịch sử. Ông ấy đã nói về mối quan hệ gần gũi mà hai nước có trong quá khứ, trong đó có Thế chiến Hai, khi người Việt Nam cứu các phi công máy bay chiến đấu bị bắn rơi. Ông ấy còn nhắc chúng tôi nhớ rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dẫn Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ khi đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh Việt Nam”, ông O'Rourke viết.

Tới thành phố Hồ Chí Minh

Tối qua 24/5, Hạ nghị sĩ Mỹ cũng chia sẻ những ấn tượng đầu tiên khi đặt chân tới thành phố Hồ Chí Minh, nơi họ được người dân địa phương chào đón nồng nhiệt.

“Từ khi đoàn xe rời sân bay cho tới khi chúng tôi tới khách sạn, rất đông người đã đứng hai bên các đường phố và vỉa hè để vẫy tay, chào đón, tươi cười và bày tỏ sự hứng khởi... Tình cảm của người dân dành cho nước Mỹ, cho Tổng thống và người Mỹ rất lớn. Nhóm của Tổng thống nói với chúng tôi rằng đó là những đám đông lớn nhất mà họ nhớ đã nhìn thấy”.

“Tôi hi vọng rằng hai nước có thể tận dụng tất cả những thiện chí này”, ông O'Rourke viết.

An Bình