Quan hệ Việt- Mỹ nối dài di sản của Tổng thống Obama
(Dân trí) - Tổng thống Mỹ Barrack Obama hôm 23/5 tuyên bố Mỹ sẽ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam trong một động thái có thể coi là một bước ngoặt lớn trong quan hệ giữa hai cựu thù, báo chí Mỹ bình luận.
Sau 4 thập niên kể từ khi chiến tranh kết thúc, Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Gần 19.000 người Việt đang học tập tại Mỹ và năm ngoái khoảng 80.000 lượt du khách Việt tới Mỹ. Trong khi đó, các mối quan hệ trao đổi thương mại, đầu tư và văn hóa giữa Mỹ và Việt Nam vẫn được tiếp nối.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng trở thành điểm đến ngày càng thu hút đối với du khách Mỹ, đặc biệt là các cựu binh mong muốn được chứng kiến sự vươn lên mạnh mẽ của Việt Nam sau chiến tranh. Năm ngoái, khoảng nửa triệu du khách Mỹ đã tới Việt Nam.
Các cựu binh Mỹ, trong đó có Thượng nghị sỹ John McCain, đã tìm cách để khôi phục quan hệ hai bên với việc thuyết phục phía Việt Nam hợp tác tìm kiếm hài cốt binh sỹ Mỹ thất lạc trong cuộc chiến tranh. Một cựu binh khác cũng khá nỗ lực cải thiện quan hệ giữa 2 nước đó là Ngoại trưởng Mỹ John Kerry - người đi cùng Tổng thống Obama trong chuyến thăm Việt Nam. Cựu binh thứ ba là cựu Thượng nghị sỹ Bob Kerrey, hiện là Chủ tịch Ban điều hành Đại học Fulbright Việt Nam.
Những thành quả nhằm khôi phục quan hệ với Việt Nam mà chính quyền Tổng thống Obama có được là dựa trên nền tảng mà những người tiền nhiệm để lại. Năm 1994, Mỹ dỡ bỏ cấm vận thương mại với Việt Nam và một năm sau đó Tổng thống Bill Clitnon chính thức tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Việt Nam.
Phát biểu trước giới trẻ Việt Nam tại Trung tâm hội nghị quốc gia hôm qua 24/5, ông Obama một lần nữa nhấn mạnh rằng, quan hệ Việt - Mỹ có thể coi là bài học cho cả thế giới. “Câu chuyện hai nước là bài học cho cả thế giới, rằng trái tim có thể thay đổi, khi ta từ chối làm tù nhân của quá khứ, rằng hòa bình tốt hơn chiến tranh. Việt Nam là nước độc lập, có chủ quyền, không nước nào có thể áp đặt, quyết định số phận thay Việt Nam”, ông Obama nói.
Tờ New York Times trước đó cũng bình luận, chuyến thăm Việt Nam của ông Obama sẽ là chuyến thăm hướng tới tương lai, thay vì tập trung vào những vấn đề quá khứ. Hãng tin Reuters cũng có chung quan điểm khi bình luận rằng: “Obama đến Việt Nam, biến cựu thù thành đối tác”
Di sản nhằm biến cựu thù thành đối tác của ông Obama đã mở rộng dần với việc bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ với Myanmar năm 2012 và với Cuba năm 2015. Hồi tháng 3, ông trở thành vị Tổng thống Mỹ đầu tiên thăm Cuba trong hơn nửa thế kỷ.
Ông Obama cũng tạo thêm một bước ngoặt ngoại giao nữa khi đạt được thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Iran. Đây có thể coi là một thỏa thuận đòi hỏi một nỗ lực trao đổi song phương cấp cao chưa từng thấy trước đó nhằm giúp sự liên hệ này sẽ tiếp tục ngay cả khi ông Obama hết nhiệm sở.
Hiện giờ ngay cả Donald Trump - ứng viên tổng thống sáng giá của đảng Cộng hòa - cũng cho thấy thiên hướng hợp tác với các nước vốn đối đầu. Ông Trump nói rằng, nếu đắc cử, ông sẽ vòng quanh thế giới để đàm phán như với Tổng thống Nga Vladimir Putin hay nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Minh Phương
Theo VOA, Reuters, NYT