1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Gruzia - thử nghiệm đối ngoại của hai ứng viên tổng thống Mỹ

(Dân trí) - Hai ứng cử viên tổng thống Mỹ John McCain thuộc đảng Cộng hoà và Barack Obama của đảng Dân chủ có quan điểm khác nhau về cuộc xung đột vũ trang ở Gruzia. Đây được ví như thử nghiệm đối ngoại đầu tiên của hai ứng viên này.

Thượng nghị sĩ bang Arizona đã cố gắng chứng tỏ kinh nghiệm trong đối ngoại của mình trước đối thủ bằng cách trở thành người đầu tiên phản ứng ngày 8/8. Ngay khi biết tin chiến sự nổ ra tại Gruzia, ứng cử viên (ƯCV) đảng Cộng hoà đã có những tuyên bố cứng rắn phản đối hành động quân sự của Nga, trước khi Tổng thống Bush đưa ra quan điểm chính thức về sự kiện này.

 

Trong thông cáo đầu tiên, ông McCain tuyên bố: “Các lực lượng quân sự Nga đã vượt qua ranh giới được quốc tế công nhận chủ quyền của Gruzia. Nga phải dừng ngay lập tức và vô điều kiện các chiến dịch quân sự, rút quân khỏi lãnh thổ của Gruzia”. Trong khi đó, ông BarackObama chỉ phát biểu khá chung chung; “Tôi lên án mạnh mẽ các hành động bạo lực đang nổ ra ở Gruzia và kêu gọi ngừng ngay lập tức xung đột vũ trang”.

 

Lời lẽ trong các tuyên bố sau đó của ông McCain càng ngày càng trở nên cứng rắn. Từ ngày 11/8, ông McCain đưa ra ba thông cáo lên án Nga, đồng thời kêu gọi nước Mỹ cần có phản ứng cứng rắn vì hành động của Nga “vi phạm luật pháp quốc tế” đồng thời yêu cầu triển khai lực lượng gìn giữ hoà bình quốc tế của NATO tại Nam Ossetia. Cũng theo ƯCV đảng Cộng hoà, Nga đã đe doạ Ucraina và điều này buộc nước Mỹ phải “bắt tay với Azerbaijan, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước đồng minh khác nhằm củng bố an ninh cho đường ống dẫn khí Baku-Tbilissi-Ceyhan (BTC)”.

 

Ông McCain tỏ thái độ phản đối mạnh mẽ công khai là nhằm mục đích nhấn mạnh những điểm khác biệt giữa cương lĩnh tranh cử cứng rắn chống Nga của ông với chính quyền của Tổng thống Bush. Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, đồng minh của McCain lên tiếng chỉ trích Nhà Trắng “đã mắc sai lầm trong tính toán về nguy cơ đe doạ của nước Nga” đối với các nước Cộng hoà thuộc Liên Xô cũ. Chiến sự ở Gruzia cũng là cơ hội để ông McCain chứng tỏ các tiên đoán của ông về hành động quân sự của Nga đã trở thành hiện thực.

 

Cố vấn đối ngoại chính Randy Scheunemann của McCain khẳng định: “Từ nhiều năm nay, Thượng nghị sĩ McCain nói rất nhiều đến chính sách đối ngoại của Nga, về cách thức họ sẽ làm để thống trị nền tự chủ của các nước láng giềng”. Ông Scheunemann còn cho biết ông McCain quen Tổng thống Gruzia từ năm 1997, khi ông này mới là một sinh viên vừa tốt nghiệp đại học. Ông Scheunemann “bênh vực” chính quyền Gruzia một phần là vì ông McCain, một phần là do ông từng có 4 năm làm việc cho một công ty chuyên về lĩnh vực quan hệ công chúng, chịu trách nhiệm vận động hành lang cho Gruzia. Từ năm 2007, ông Scheuneman trở thành thành viên nhóm vận động của ông McCain và rời công ty này hồi tháng 3/2008.

 

ƯCV đảng Dân chủ Obama có phản ứng nhẹ nhàng hơn trước những gì xảy ra ở Gruzia, quan điểm ban đầu gần giống với quan điểm của Tổng thống Bush hơn của McCain, cũng lên án gay gắt các hành động quân sự của Nga. Nhưng khác với McCain, ông Obama đề cập đến các hành động quân sự của Gruzia tại Nam Ossetia, ủng hộ Tbilissi gia nhập NATO, yêu cầu xem xét lại đề nghị gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) của Mátxcơva nhưng không đề nghị khai trừ Nga ra khỏi Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G8).

 

Các cố vấn của Obama tiết lộ, trước đó ông Obama cũng dự cảm được các nguy cơ tiềm tàng xảy ra xung đột trong vùng. Tháng 4/2008, ƯCV đảng Dân chủ lên tiếng chỉ trích các “hành động quân sự khiêu khích” của Nga tại các khu vực gây nhiều tranh cãi của Gruzia. Tháng 7/2008, ông cảnh báo Gruzia không nên tiến hành bất kỳ hành động quân sự, đồng thời kêu gọi triển khai lực lượng gìn giữ hoà bình quốc tế tại chỗ.

 

Từ khi trở thành ƯCV chính thức của đảng Dân chủ ra tranh cử tổng thống, ông Obama cảnh báo giới lãnh đạo Mỹ, vốn đang bị hút vào vòng xoáy cuộc chiến Iraq đã bỏ qua quan tâm tới khu vực Caucasus. Nhóm cố vấn của thượng nghị sĩ bang Illinois cho rằng, những phản ứng gần đây của ông Obama phù hợp với diễn tiến tình hình thực tế. Tuyên bố đầu tiên của ông Obama về lệnh ngừng bắn giữa Nga và Gruzia được đưa ra trong khi các đội quân của Gruzia  tiếp tục tấn công các mục tiêu ở Nam Ossetia. Khi Gruzia rút quân và Nga tiến vào Nam Ossetia, các lời lẽ buộc tội của ông Obama mạnh mẽ hơn nhưng chủ yếu là nhắm vào Nga.

 

Những tuyên bố cứng rắn của ông Obama gây tranh cãi trong nội bộ các cố vấn của ƯCV này, do một số người không muốn tỏ thái độ phản đối quyết liệt. Họ cho rằng nước Mỹ cần tới Nga trong giải quyết một số hồ sơ quốc tế lớn như hạt nhân Iran, Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, năng lượng và thay đổi khí hậu.

 

Các chuyên gia phân tích cho rằng các phản ứng gay gắt của hai ƯCV tổng thống Mỹ là tất yếu nhưng điều này sẽ ảnh hưởng đến độ tin cậy trong các quyết định của nước Mỹ. Nước Mỹ rất khó có thể áp đặt các lệnh trừng phạt cứng rắn đối với Mátxcơva, điều mà Washington chưa từng thực hiện ngay cả khi Chiến tranh lạnh lên đến đỉnh điểm căng thẳng. Chuyên gia kinh tế Clifford Gaddy thuộc Brookings Institution nhận định:  “Những tuyên bố thái quá kiểu này không mang tính xây dựng vì chúng là tuyên bố mị dân. Từ giờ trở đi, cử tri Mỹ có thể biết ai là người có vẻ cứng rắn nhất. Tôi không tưởng tượng nổi ai trong số họ bỗng nhiên tỏ thái độ mềm mỏng đưa ra tiếng nói trung dung, kêu gọi các bên bình tĩnh”.

 

Ngọc Nhàn

Tổng hợp

Dòng sự kiện: Crisis in Georgea