Mỹ mở đường cho Ukraine tấn công lãnh thổ Nga, Moscow cảnh báo đanh thép
(Dân trí) - Các quan chức Nga đồng loạt lên tiếng chỉ trích quyết định của Mỹ về việc cho phép Ukraine sử dụng vũ khí do Washington cung cấp để tấn công lãnh thổ Nga.
Nghị sĩ Andrey Kartapolov, người đứng đầu Ủy ban Quốc phòng Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga, ngày 31/5 tuyên bố quyết định của Tổng thống Joe Biden về việc cho phép lực lượng Ukraine sử dụng vũ khí Mỹ tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga sẽ không ảnh hưởng đến diễn biến của cuộc chiến tại Ukraine.
"Quyết định (của Tổng thống Biden) sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động trong chiến dịch quân sự đặc biệt của chúng tôi dưới bất kỳ hình thức nào. Những lời đe dọa vẫn như trước. Nhưng những mối đe dọa mới sẽ xuất hiện đối với họ. Bởi vì họ đang gia tăng mức độ leo thang, nên chúng tôi sẽ đáp trả bất đối xứng", ông Kartapolov tuyên bố.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết NATO đã sai lầm khi thảo luận về việc liệu quân đội Ukraine có thể tấn công lãnh thổ Nga bằng vũ khí phương Tây hay không.
"Đây chính xác là những gì Nga đã nói từ lâu. Rõ ràng các thành viên NATO đã nói dối. Họ đã dựng lên bức màn chắn và bịa ra những câu chuyện được cho là vẫn chưa quyết định có cho phép chính quyền Kiev thực hiện các cuộc tấn công bằng vũ khí phương Tây vào lãnh thổ Nga hay không", bà Zakharova viết trên kênh Telegram.
Bà cũng chỉ ra rằng, tương tự như vậy, phương Tây đang cố gắng đánh lừa những người "đang bị thuyết phục tham dự một hội nghị về Ukraine ở Thụy Sĩ" bằng cách "kể những câu chuyện về trọng tâm của nước này vào một giải pháp hòa bình".
"Đó là sự thao túng cổ điển kiểu NATO", nhà ngoại giao Nga nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho biết việc các nước NATO gửi vũ khí tới Ukraine để tấn công lãnh thổ Nga là hành động nguy hiểm vì phản ứng của Moscow sẽ tàn khốc đến mức đẩy toàn bộ liên minh vào cuộc xung đột.
"Lãnh đạo NATO muốn giả vờ rằng vấn đề này là về các quyết định chủ quyền của từng quốc gia và chưa có lý do gì để áp dụng quy định của Hiệp ước Phòng thủ Tập thể năm 1949", ông Medvedev viết trên kênh Telegram.
Theo ông Medvedev, "viện trợ riêng" này nhằm mục đích "kiểm soát tên lửa hành trình tầm xa hoặc gửi một đội quân tới Ukraine và đây là sự leo thang nghiêm trọng của cuộc xung đột".
"Đây là những ảo tưởng nguy hiểm và có hại. Ukraine và các đồng minh NATO của họ sẽ bị đáp trả với sức mạnh hủy diệt đến mức bản thân liên minh này sẽ không thể tránh khỏi cuộc xung đột", cựu tổng thống Nga cảnh báo.
Trong một cuộc phỏng vấn với Economist hồi đầu tháng, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đề nghị các đồng minh NATO nên xem xét lại liệu Ukraine có thể sử dụng vũ khí do phương Tây cung cấp để thực hiện các cuộc tấn công vào các cơ sở quân sự bên trong lãnh thổ Nga hay không.
Trong khi đó, New York Times dẫn nguồn tin cho biết sau chuyến thăm Kiev gần đây, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng ông dự định đề nghị Tổng thống Joe Biden dỡ bỏ lệnh cấm sử dụng vũ khí Mỹ chống lại các mục tiêu ở Nga.
Reuters, Politico dẫn các nguồn thạo tin giấu tên ngày 30/5 cho biết, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã âm thầm dỡ bỏ một phần lệnh hạn chế đối với Ukraine về việc sử dụng vũ khí viện trợ để tập kích vào lãnh thổ Nga.
Theo đó, chính quyền Tổng thống Biden chỉ cho phép Ukraine nhắm vào các mục tiêu tại các vùng biên giới Nga gần tỉnh Kharkov của Ukraine. Nguồn tin nhấn mạnh, chính sách của Washington cấm sử dụng vũ khí Mỹ để tấn công tầm xa vào lãnh thổ Nga "không thay đổi".
Tuy nhiên, việc nới lỏng các hạn chế cũng đánh dấu sự phá vỡ chính sách lâu nay của Mỹ đối với cuộc xung đột ở Ukraine. Trong hơn 2 năm qua, dù đã viện trợ quân sự hàng chục tỷ USD cho Ukraine, nhưng Washington luôn yêu cầu Kiev cam kết chỉ sử dụng trong phạm vi lãnh thổ.