NATO lộ điểm yếu nghiêm trọng ở sườn đông liên minh
(Dân trí) - Năng lực phòng vệ của NATO ở sườn đông của khối có thể đặt các thành viên vào mối đe dọa nghiêm trọng, truyền thông phương Tây đưa tin.
Financial Times dẫn nguồn thạo tin cho hay, các nước Trung và Đông Âu có thể rơi vào tình trạng dễ bị tổn thương nếu bị tấn công vì hệ thống phòng không sơ sài của NATO tại khu vực.
Cụ thể, tại khu vực này, các thành viên của NATO chỉ có ít hơn 5% khả năng phòng không cần thiết để bảo vệ mình trước các cuộc tấn công tiềm tàng.
Một nhà ngoại giao NATO nói với Financial Times rằng sự thiếu hụt các hệ thống như vậy là "một trong những lỗ hổng lớn nhất mà chúng tôi gặp phải" và là tình huống mà các thành viên của tổ chức quân sự do Mỹ đứng đầu "không thể phủ nhận".
Ngoài ra, một quan chức NATO nói rằng "năng lực và kế hoạch phòng thủ của khối là thông tin mật" nhưng thừa nhận "kho dự trữ phòng không của liên minh đã giảm".
Quan chức trên nhấn mạnh NATO sẽ tăng cường kế hoạch nhằm củng cố hệ thống phòng thủ trước các mối đe dọa trong tương lai nhằm vào sườn phía đông.
Theo Financial Times, một trong những nguyên nhân dẫn đến sự thiếu hụt là do vũ khí phòng không do phương Tây sản xuất chậm và giá thành các hệ thống phòng không rất đắt đỏ.
Ngoài ra, những tiến bộ trong công nghệ máy bay không người lái cũng khiến khả năng tấn công tầm xa trở nên dễ thực hiện hơn. Vì vậy, các hệ thống phòng không hiện tại không thể bảo vệ được hết các mục tiêu khi mối đe dọa ngày càng gia tăng.
Điều này đã được thấy rõ trong cuộc xung đột Ukraine, khi cả hai bên đều sử dụng máy bay không người lái tương đối rẻ tiền để tấn công các mục tiêu ở xa chiến tuyến.
Căng thẳng tại sườn phía đông NATO gia tăng trong vài năm qua sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Vào tháng 2, cơ quan tình báo nước ngoài của Estonia dự đoán sẽ có "sự gia tăng đáng kể về lực lượng của Nga gần biên giới Estonia trong những năm tới". Cơ quan này cho rằng, Nga có thể đang chuẩn bị cho cuộc xung đột tiềm tàng với NATO trong thập niên tới.
Ngoài ra, trong thời gian qua, phương Tây cũng chia sẻ nguồn lực phòng không cho Ukraine để ngăn chặn các cuộc tấn công tầm xa của Nga. Điều này cũng góp phần vào sự thiếu hụt hiện tại do thời gian sản xuất hệ thống phòng không khá lâu nên không đủ bù đắp kịp thời.
NATO tích cực hỗ trợ Ukraine vì lo ngại rằng, nếu Nga chiến thắng ở Ukraine, Moscow sẽ không dừng lại. Nga đã phủ nhận họ có kế hoạch tấn công vào NATO, nhấn mạnh rằng họ không có lợi ích gì khi làm như vậy.