1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Nga cảnh báo lập vùng đệm an ninh đến thủ đô của Ukraine

Minh Phương

(Dân trí) - Một nghị sĩ Nga cảnh báo, nếu phương Tây cung cấp vũ khí tầm xa cho Ukraine, thủ đô Kiev của Ukraine thể nằm trong vùng đệm quân sự của Nga.

Nga cảnh báo lập vùng đệm an ninh đến thủ đô của Ukraine - 1

Tháp truyền hình Kiev bị Nga không kích ở giai đoạn đầu xung đột (Ảnh: Reuters).

"Quy mô của vùng đệm sẽ phụ thuộc vào các đối thủ phương Tây. Nếu họ gửi cho Ukraine các vũ khí sát thương mạnh hơn với tầm bắn 200-300km hoặc thậm chí 500km, thì Nga sẽ phải lập một vùng đệm 500km để tên lửa không chạm tới đất Nga", ông Viktor Vodolatsky, một hạ nghị sĩ Nga ngày 30/5 cảnh báo.

Ông nói, khoảng cách giữa Lugansk (vùng Nga đã tuyên bố sáp nhập) và Kiev là 482km, nên vùng đệm an ninh sẽ bao gồm cả Kiev.

Hồi giữa tháng 3, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng, Nga sẽ cân nhắc lại việc lập vùng đệm an ninh trong lãnh thổ Ukraine nếu phương Tây cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa để tập kích vào lãnh thổ nga.

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev thậm chí cảnh báo, Nga có thể phải mở rộng vùng đệm an ninh ở Ukraine đến biên giới Ba Lan nếu phương Tây tiếp tục chuyển vũ khí tầm xa cho Kiev.

"Đây không phải là lần đầu tiên Tổng thống Putin nói rằng để có một cuộc sống yên bình, đất nước chúng ta sẽ phải tạo ra một vùng đệm an ninh, trong đó Ukraine sẽ không thể tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Nga, tất nhiên bao gồm cả các vùng đã sáp nhập vào Nga", ông Medvedev viết trên Telegram ngày 17/5.

Ông nói thêm, Ukraine hiện sở hữu tên lửa Storm Shadow / SCALP-EG do phương Tây cung cấp với tầm bắn ít nhất 550km, trong khi khoảng cách giữa vùng biên giới Belgorod của Nga và thủ đô Kiev của Ukraine chỉ là 429km. Do vậy, Nga cần lập một vùng đệm có khoảng cách lớn hơn khoảng cách đó 70-100km.

Vùng đệm an ninh đang là một trong những vấn đề được Nga đặc biệt quan tâm trong bối cảnh Ukraine gần đây tăng cường tập kích vào các khu vực biên giới của Nga, nhắm đến những hạ tầng quan trọng như nhà máy lọc dầu, cảng biển.

Ông Dmitry Bogdanov, người đứng đầu bộ phận tác chiến điện tử của Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga, trong tuần này thừa nhận, máy bay không người lái của Ukraine hiện có thể tấn công mục tiêu cách xa 2.500km. Tuy nhiên, quan chức này cũng khẳng định, Nga đã triển khai mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ thủ đô Moscow cũng như các vùng khác.

Giới chức Ukraine gần đây liên tục kêu gọi các đồng minh, đối tác phương Tây dỡ bỏ hạn chế, cho phép Kiev sử dụng vũ khí viện trợ để tấn công các mục tiêu quân sự bên trong lãnh thổ Nga.

Đến nay, ít nhất 12 quốc gia đã "bật đèn xanh" cho Ukraine sử dụng vũ khí viện trợ để tập kích vào lãnh thổ Nga. Các nước này gồm Anh, Latvia, Lithuania, Hà Lan, Ba Lan, Phần Lan, Pháp, Đức, Séc, Thụy Điển, Estonia và Đan Mạch.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho rằng đã đến lúc Ukraine nên được phép tấn công lãnh thổ Nga bằng vũ khí phương Tây vì "đây là hành động tự vệ".

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, Moscow đang theo dõi sát những phát ngôn của lãnh đạo phương Tây về việc cho phép Ukraine dùng vũ khí viện trợ để tấn công vào lãnh thổ Nga.

"Các đại diện của NATO, đặc biệt là ở châu Âu, nên nhận thức được họ đang chơi trò gì. Họ nên nhớ rằng họ thường là quốc gia có lãnh thổ nhỏ và dân số đông đúc. Đó là yếu tố họ nên cân nhắc trước khi tấn công sâu vào lãnh thổ Nga", chủ nhân Điện Kremlin cảnh báo.

Theo TASS
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm