1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Sức mạnh Mỹ và phương Tây đã suy giảm ở chiến trường Ukraine

Minh Phượng

(Dân trí) - Mỹ dùng tối đa sức mạnh vệ tinh để rà soát toàn diện tình hình chiến trường Ukraine nhưng không thể phát hiện ra hành động của lực lượng Moscow. Nguồn lực của Mỹ và phương Tây đã suy giảm trước Nga.

Sức mạnh Mỹ và phương Tây đã suy giảm ở chiến trường Ukraine - 1

Một binh sĩ thuộc lữ đoàn cơ giới 47 Ukraine chuẩn bị vũ khí sẵn sàng chiến đấu ở miền nam (Ảnh minh họa: Reuters).

Nga tấn công vào Kharkov, tình báo Mỹ không phát hiện ra

Vào ngày 10/5 vừa qua, Moscow bất ngờ mở chiến dịch tấn công khu vực Kharkov, trên một chính diện rộng 60km và chiều sâu từ 5-10km. Chỉ khi quân Nga vượt qua biên giới vài km, tình báo Mỹ mới "ngã ngửa".

Có thể nói, Nga đã giáng một đòn mạnh vào hệ thống tình báo quân đội Mỹ và khiến họ chợt nhận ra rằng, hệ thống trinh sát của mình không hoàn hảo.

Như vậy, về mặt kiểm soát tình hình chiến trường, Mỹ và phương Tây đã dần chuyển từ thế thống trị sang thế bị động.

Hiện nay, Mỹ và phương Tây có hơn 300 vệ tinh dùng để trinh sát, trong đó có hơn 100 vệ tinh chuyên phục vụ chiến trường ở Ukraine.

Trong những ngày đầu xung đột bùng nổ, sau đòn thọc sâu chớp nhoáng đến gần Kiev, các vệ tinh của Mỹ và phương Tây đã phát hiện ra những điểm yếu của Nga và lên kế hoạch cho Ukraine tiến hành một cuộc phản công dữ dội, gây thiệt hại lớn cho lực lượng Moscow.

Nhưng hiện tại, trải qua những bài học xương máu, Nga áp dụng các biện pháp đối phó tương ứng, hiệu quả trinh sát của quân đội Mỹ đã bắt đầu giảm đi đáng kể, ngay cả hoạt động quân sự quy mô lớn do Moscow phát động ở Kharkov, cũng không thể bị vệ tinh nhìn thấy được.

Để tránh lặp lại tình huống khó xử như trên, Mỹ và phương Tây gấp rút đầu tư thêm vệ tinh và các lực lượng trinh sát khác để rà soát chiến trường, theo dõi, giám sát mọi hướng, nỗ lực thu thập thông tin trong thời gian thực nhằm giúp Ukraine tiếp tục kháng cự.

Việc Mỹ và phương Tây tăng cường nỗ lực theo dõi, giám sát chiến trường vì các hoạt động quân sự gần đây của quân đội Nga đã vượt quá sự tính toán của họ, khiến Ukraine phải lâm vào thế phòng ngự bị động trên khắp các mặt trận.

Sức mạnh Mỹ và phương Tây đã suy giảm ở chiến trường Ukraine - 2

Bản đồ toàn cảnh chiến sự Ukraine tính đến 0h ngày 28/5. Trong đó, Nga kiểm soát phần màu nâu, các điểm chấm chi chít là nơi xảy ra các vụ giao tranh hoặc hành động quân sự (Ảnh: Rybar).

Quân đội Ukraine đang rút lui đều đặn

Bộ Quốc phòng Nga ngày 21/5 thông báo: "Nhờ hoạt động tác chiến tích cực, Cụm quân phía Nam đã giành quyền kiểm soát hoàn toàn khu định cư Belogorovka và chiếm giữ nhiều vị trí thuận lợi hơn, buộc quân đội Ukraine phải tiếp tục rút lui trước các đợt tấn công dữ dội, đặc biệt là ở khu vực Lugansk".

Bản đồ vệ tinh của quân đội Mỹ cho thấy, sau khi Nga giành được khu định cư Belogorovka, ở Lugansk có rất ít nơi còn nằm dưới sự kiểm soát của Ukraine. Điều đó cho thấy Moscow về cơ bản đã kiểm soát hoàn toàn vùng này.

Liên quan đến những thay đổi nhanh chóng của tình hình chiến trường, các ảnh vệ tinh của Mỹ cũng cho thấy, quân đội Ukraine liên tục thụt lùi trên 3 mặt trận chính là Donbass (gồm Lugansk, Donetsk), Zaporizhia - Nam Donetsk và mặt trận Odessa, là cửa ngõ chính của Ukraine ra biển.

Bản đồ vệ tinh tương ứng cho thấy trên 3 mặt trận này, quân Ukraine đang rút lui, trong khi quân Nga đang tiến đều và đạt được kết quả tương ứng.

Về phía Donbass, bản đồ vệ tinh của quân đội Mỹ cho thấy lực lượng Kiev đã rút lui hơn 10km về phía sau, tuyến phòng thủ vững chắc nhất đã bị sụp đổ.

Về hướng Kharkov, quân đội Nga đã tiến sâu được vài km sau đợt tấn công dữ dội bất ngờ và chiếm được hơn 200km2 lãnh thổ.

Về hướng Odessa, quân Ukraine liên tục hứng chịu những đòn tấn công, thậm chí đứng trước nguy cơ mất quyền kiểm soát Odessa. Trụ sở quân đội Ukraine, các kho đạn dược và kho nhiên liệu quan trọng ở thành phố biển này liên tục bị phá hủy. Cảng Odessa chiến lược cũng bị thiệt hại nặng nề, khiến phương Tây gặp khó khăn hơn trong việc hỗ trợ Kiev.

Về chiến trường chính Donbass, lãnh thổ do lực lượng Kiev kiểm soát đã bị thu hẹp 30% trong thời gian ngắn và quân đội Nga chỉ còn một bước nữa là có thể giành chiến thắng hoàn toàn trong trận chiến ở Donbass. Ngay cả một số nguồn tin quân đội Ukraine cũng thừa nhận, Nga có thể tràn ngập hoàn toàn Donbass vào tháng 10 tới đây.

Ngày 17/5, Tổng thống Vladimir Putin cho biết, Nga không có ý định chiếm giữ thành phố Kharkov mà chủ yếu phát động chiến dịch tấn công nhằm thiết lập vùng đệm an toàn tại đây.

Ngay cả khi không còn tiếp tục tấn công, quân đội Nga về cơ bản đã đạt được mục tiêu chiến lược, đó là xây dựng vùng đệm ở biên giới Kharkov, để ngăn chặn các cuộc tấn công của Ukraine nhằm tới bên trong lãnh thổ Nga từ khu vực này.

Bản đồ vệ tinh tương ứng của Mỹ cũng thể hiện rõ ràng tình hình chiến trường, cho thấy Ukraine lúc này đang thực sự mất thế chủ động.

Tên lửa đạn đạo chiến thuật lục quân (ATACMS) do Mỹ sản xuất được đưa tới chiến trường Ukraine với số lượng lớn và chúng cũng trở thành vũ khí quan trọng để lực lượng Kiev tấn công các mục tiêu sâu phía sau chiến tuyến.

Cách đây không lâu, Ukraine đã sử dụng hệ thống tên lửa ATACMS tấn công thành công căn cứ không quân Nga ở bán đảo Crimea, gây thiệt hại cho máy bay chiến đấu và kho nhiên liệu. Tuy nhiên, Moscow cũng nhanh chóng có biện pháp đáp trả trước tên lửa ATACMS của Mỹ được Kiev sử dụng.

Trong khi thực hiện biện pháp can thiệp điện tử, quân đội Nga đã tăng cường đánh chặn mục tiêu. Những bức ảnh do vệ tinh Mỹ chụp cho thấy, lực lượng Moscow gần đây đã có thể đánh chặn tới khoảng hơn một nửa số đạn ATACMS do quân đội Ukraine phóng đi.

Có thể nói, sức mạnh của hệ thống tên lửa ATACMS do Mỹ sản xuất này khó tồn tại lâu dài, ở bước tiếp theo chúng sẽ mất dần tác dụng vốn có giống như tên lửa HIMARS mà Mỹ đã viện trợ cho Ukraine.

Sức mạnh Mỹ và phương Tây đã suy giảm ở chiến trường Ukraine - 3

Lầu Năm Góc chuyển hàng loạt tên lửa ATACMS cho Ukraine (Ảnh: Lockheed Martin).

Ukraine và phương Tây không dễ đấu lại Nga

Cựu Phó thủ tướng thứ nhất quản lý kinh tế đã trở thành Bộ trưởng Quốc phòng Nga cho thấy nước này đã chuyển sang quản lý kinh tế thời chiến và bắt đầu tiến hành cuộc đọ sức sinh tử với Mỹ và phương Tây.

Dù cách tiếp cận của Nga cũng có những yếu tố tiêu cực, nhưng Mỹ và phương Tây không thể chọn cách làm theo. Mỹ không dám chuyển vào trạng thái thời chiến, châu Âu cũng không dám làm như vậy.

Trong bối cảnh đó, thời gian rõ ràng đang đứng về phía Moscow, cơ chế phản ứng trên chiến trường của Nga đã chạy đồng bộ, trong khi Mỹ và phương Tây vẫn có cơ chế phản ứng thời bình truyền thống. Trong bối cảnh cơ chế "bất bình đẳng" như vậy, họ không có khả năng đối đầu với hệ thống hùng mạnh của Nga.

Đánh giá tình hình thực tế, Mỹ và phương Tây đã thay thế toàn bộ kho đạn dược hiện có, trong khi khả năng sản xuất vũ khí, đạn dược của Nga đã đạt đến đỉnh cao. Mặc dù đã bắt đầu huy động, nhưng do họ không bước vào nền kinh tế thời chiến nên năng lực sản xuất đạn dược sẽ không thể tăng nhanh trong thời gian ngắn.

Công ty tư vấn Bain & Company đã thực hiện một nghiên cứu trong đó phát hiện ra rằng, Nga sản xuất đạn pháo nhanh gấp 3 lần so với các nước phương Tây trong khi giá thành thấp hơn khoảng 4 lần. Tất cả những điều này cùng nhau cho thấy rằng, quân đội Ukraine sẽ không bao giờ đạt được sự ngang bằng với đối phương về đạn pháo.

Theo tính toán của các nhà phân tích phương Tây, năm nay Nga sẽ độc lập sản xuất khoảng 4,5 triệu quả đạn pháo. Ngoài ra, nếu Moscow được các đồng minh cung cấp, số lượng đạn pháo phải nhiều hơn nữa.

Ngược lại, toàn bộ các nước phương Tây chỉ có khả năng sản xuất 1,3 triệu quả đạn pháo vào cuối năm nay. Nhưng số đạn này không chỉ dành cho Ukraine, mà còn cho các nhiệm vụ khác.

Giới phân tích cũng nêu bật một thực tế, các nước phương Tây ngày càng ít đưa đạn pháo vào viện trợ quân sự. Đây là hậu quả không chỉ của sự thiếu hụt mà còn của chi phí, khi đạn pháo 155mm rẻ nhất có giá 4.000 USD/quả.

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine