Giúp Philippines chống khủng bố IS, Mỹ đánh bật Trung Quốc
Xuất hiện những thông tin Mỹ quay trở lại Philippines, liệu ông Duterte có thể đối phó quân khủng bố Maute mà không có sự hỗ trợ Hoa Kỳ?
Philippines đang hạn chế thông tin Mỹ giúp đánh IS?
Đã bốn tuần liền trên đảo Mindanao ở miền Nam Philippines, quân đội nước này phải tiếp tục cuộc chiến chống khủng bố đối với lại nhóm Hồi giáo cực đoan Maute (tuyên bố trung thành với tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS), hiện đang chiếm giữ thành phố Marawi.
Philippines đã phải ban bố thiết quân luật tại Mindanao trong thời gian Tổng thống Duterte đang có chuyến thăm Moscow, và ông phải rút ngắn chuyến công du ở Nga vì phiến quân Maute đã chiếm được thành phố Marawi.
Tham gia nhóm khủng bố có công dân của Indonesia và Malaysia. Nếu chiến dịch chống IS ở Mindanao không mang lại kết qủa, thì hòn đảo này sẽ trở thành nơi trú ẩn của khủng bố IS ở Đông Nam Á. Còn nếu chiến dịch của Manila thành công thì các phần tử cực đoan cũng sẽ chạy trốn qua biên giới Philippines sang các nước láng giềng.
Nói cách khác, có nguy cơ tình hình bất ổn ở Mindanao chắc chắn sẽ lan sang phần còn lại của khu vực. Chính bởi vậy các nước láng giềng đang chú ý theo dõi những nỗ lực của ban lãnh đạo Philippines đối phó với vấn đề này và kêu gọi Manila không từ chối viện trợ nước ngoài.
Tổng thống Duterte đã tuyên bố không tìm kiếm sự hỗ trợ từ Washington, hứa sẽ chuyển hướng sang Trung Quốc và Nga, nhưng trong trường hợp này, có lý do để kêu gọi Philippines chấp nhận hỗ trợ.
Gần đây, trong hoạt động chiến sự đã có thêm một chi tiết mới đáng chú ý. Vừa qua đã có thông tin rằng, lính đặc nhiệm Mỹ đang giúp quân đội Philippines đánh phiến quân thân IS.
Các quan chức Philippines đang cố gắng hạn chế thông tin về hỗ trợ của Mỹ trong nỗ lực chấm dứt bất ổn ở Marawi. Điều đó cho thấy rõ rằng, sau sự chuyển hướng trong chính sách đối ngoại ngả về Trung Quốc, Duterte đang rơi vào tình cảnh "tiến thoái lưỡng nan".
Ông Duterte đã thắng cử chủ yếu dựa vào lời hứa sẽ xóa sổ nhóm tội phạm Abu Sayyaf nhưng hiện nay Philippines đang bị mấy nhóm khủng bố tấn công và rất khó để tự lực quét sạch chúng khỏi lãnh thổ nên việc chống ma túy đang phải tạm thời gác lại.
Các nhà hoạt động nhân quyền Mỹ và các nghị sĩ Mỹ (chứ không phải Trung Quốc hoặc Nga) đã từng chỉ trích gay gắt chiến dịch chống ma túy ở Philippines, nhưng, hiện nay chỉ có quân đội Mỹ mới có thể cung cấp sự hỗ trợ cần thiết cho Duterte trong cuộc đấu tranh chống khủng bố ở Mindanao.
Liệu Hoa Kỳ có ý định can thiệp mạnh trên quy mô lớn? Liệu sự hợp tác chống khủng bố giữa Philippines và Hoa Kỳ có thể phát triển ổn định, tác động đến xu hướng chính trị của chính quyền Manila, hiện đang phát triển theo xu hướng ngả về phía Trung Quốc?
Chuyên gia Trung tâm Các nghiên cứu chiến lược, ông Anton Tsvetov đã trả lời các câu hỏi này trong bài bình luận dành cho Hãng thông tấn Nga Sputnik.
Vị chuyên gia Nga cho biết rằng, mặc dù thời gian gần đây thông tin về các phần tử khủng bố IS chủ yếu gắn liền với các vụ tấn công khủng bố tại các thành phố lớn, kể cả ở châu Âu, nhưng, chính Đông Nam Á hiện đã bắt đầu cuộc chiến chống khủng bố trên quy mô lớn.
Nếu nói về sự tham gia của lính đặc nhiệm Mỹ, thì có những thông tin đáng tin cậy là họ đã đến miền Nam Philippines để hỗ trợ nỗ lực của chính quyền Manila chống khủng bố. Máy bay trinh sát P-3C Orion của quân đội Mỹ đã được nhìn thấy bay lượn trên bầu trời Marawi.
Phía Philippines vội vàng giải thích thêm rằng, lực lượng Mỹ chỉ hỗ trợ về mặt kỹ thuật, chứ không trực tiếp chiến đấu chống phiến quân. Đây là điều dĩ nhiên, bởi trong các chiến dịch can thiệp quân sự ở nước ngoài trong thời gian gần đây, lính Mỹ đều không tham chiến.
Trên thực tế, các đơn vị quân đội Mỹ ở Philippines không có quyền và không có khả năng thực hiện những hành động quy mô lớn hơn bởi sự hiện diện của họ là quá ít ỏi. Hiện nay, trên đảo Mindanao chỉ có một nhóm binh sĩ đặc nhiệm Mỹ. và chức năng của họ chỉ là giúp quân đội nước này huấn luyện chiến đấu.
Tuy nhiên, cuộc tấn công của phiến quân Maute và Abu Sayyaf ở miền Nam Philippines không chỉ là vấn đề nội bộ của nước này, mà cả các nước láng giềng Đông Nam Á, sự giúp đỡ của quân Mỹ cũng không đơn thuần là sự hỗ trợ thông thường, mà nó còn gắn với những yếu tố chính trị sâu xa hơn.
Cuộc chiến chống khủng bố là cơ hội để Mỹ xích lại gần Philippines
Khi ông Donald Trump lên nắm quyền tại Hoa Kỳ đã có vẻ là ông Duterte có thể dễ dàng tìm một giải pháp cho vấn đề này. Xét theo cuộc điện đàm tháng 4, hai vị tổng thống có thể tìm kiếm một ngôn ngữ chung.
Vấn đề này là đặc biệt quan trọng đối với chính sách đối ngoại của Mỹ tại Đông Nam Á. Các nhà quan sát, trong đó có tác giả của bài bình luận này, nhiều lần lưu ý rằng, hoạt động của Washington theo hướng dịch chuyển về châu Á và chú ý đến Đông Nam Á tạm thời gián đoạn.
Sự chậm trễ này đã khiến các nước trong khu vực thực hiện những bước đi hòa giải với Trung Quốc, và Bắc Kinh bắt đầu rất tích cực thúc đẩy lợi ích của mình trong khu vực, trong đó có tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, ngay cả đối với những nước đang có tranh chấp.
Thực tế này khiến cho mọi người nghĩ rằng, nếu Mỹ còn lừng chừng thì một ngày nào đó, khi các máy bay Trung Quốc chứ không phải máy bay Mỹ xuất hiện trên bầu trời các thành phố bị bọn khủng bố xâm chiếm, chúng ta sẽ thấy một thực tế địa chính trị mới.
Nhưng, sự can dự của Mỹ vào cuộc chiến chống khủng bố ở Marawi lại nhắc nhở cho mọi người về vai trò của Hoa Kỳ trong khu vực, mà Trung Quốc chưa thể hoặc muốn nhưng chưa đóng được vai trò như vậy. Có thể nói rằng đây là cơ hội không thể tốt hơn để cho Mỹ quay trở lại Philippines.
Theo Huy Bình
Báo Đất việt