Trung Quốc đưa tên lửa tới Hoàng Sa: Lại nói một đằng làm một nẻo
(Dân trí) - Trung Quốc đã gây ra các câu hỏi mới về ý định của nước này ở Biển Đông sau khi Bắc Kinh triển khai các tên lửa đất đối không tới quần đảo Hoàng Sa, chỉ vài tháng sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình cam kết với Tổng thống Mỹ Barack Obama rằng sẽ không quân sự hóa Biển Đông.
Bắc Kinh vẫn nói không triển khai
Báo chí Mỹ ngày 16/2 đưa tin, các bức ảnh vệ tinh chụp gần đây cho thấy 2 khẩu đội tên lửa với 8 bệ phóng tên lửa đất đối không cùng một hệ thống radar đã được triển khai tới đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Theo các bức ảnh vệ tinh, một bãi biển trên đảo này vẫn trống vắng vào ngày 3/2 nhưng tên lửa có thể được nhìn thấy tại đây vào ngày 14/2.
Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi ngày 17/2 “tỉnh bơ” rằng ông không biết cụ thể về việc triển khai vũ khí nói trên, nhưng nói thêm rằng bất kỳ vũ khí nào cũng chỉ phục vụ phòng vệ và không phải là hành động quân sự hóa.
Còn Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm qua nói thông tin nước này điều tên lửa tới đảo Phú Lâm bịa đặt, do truyền thông phương Tây tạo ra.
Cam kết không quân sự hóa nhưng làm ngược lại
Việc triển khai các tên lửa đã càng làm gia tăng những nghi ngờ về cam kết của Chủ tịch Tập Cận Bình trong một cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Barack Obama ở Washington hồi tháng 9 năm ngoái rằng sẽ không quân sự hóa Biển Đông. Diễn biến mới nhất cũng chứng tỏ Trung Quốc đã sẵn leo thang căng thẳng để bảo vệ các tuyên bố chủ quyền, đặc biệt là với một phán quyết dự kiến được Tòa Trọng tài Thường trực tại La Hay (Hà Lan) đưa ra trong năm nay về vụ Philippines kiện Trung Quốc về “đường lưỡi bò”.
Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, nói trong chuyến thăm Nhật Bản ngày 17/2 rằng sự hiện diện của các tên lửa trên đảo Phú Lâm rõ ràng cho thấy sự quân sự hóa Biển Đông.
“Trung Quốc đã điều các máy bay chiến đấu tới Hoàng Sa vài năm rồi và vì thế tôi không bất ngờ khi Bắc Kinh bổ sung biện pháp phòng thủ tên lửa tại đó. Tuy nhiên, vụ việc khiến tôi quan ngại sâu sắc”, ông Harris nói.
“Nếu họ quân sự hóa sau khi tuyên bố sẽ không làm vậy, thì điều quan trọng là Mỹ phải thảo luận cần làm gì cho giai đoạn tiếp theo của việc tái cân bằng”, Michael Pillsbury, Giám đốc Trung tâm chiến lược Trung Quốc tại Viện Hudson ở Washington và là một cố vấn của Lầu Năm Góc, nói.
“Việc triển khai tên lửa này là một vạch đỏ và đồng nghĩa với việc các đơn vị quân sự đều đặn từ hải-lục-không quân giờ đây có thể được triển khai”, ông Pillsbury nhấn mạnh.
“Mặc dù Bộ Ngoại giao Trung Quốc có thể khẳng định rằng tên lửa chỉ nhằm mục đích phòng vệ, nhưng việc triển khai chúng rõ ràng đã khiến thế giới nghi ngờ tuyên bố của Bắc Kinh rằng không quân sự hóa Biển Đông”, Felix Chang, một chuyên gia tại Viện nghiên cứu chính sách quốc tế ở Philadelphia, Mỹ nói.
HQ-9 là một hệ thống tên lửa đất đối không tầm cao, tầm xa do Tập đoàn công nghiệp và khoa học hàng không vũ trụ Trung Quốc phát triển và chế tạo. Nó được thiết kế nhằm phát hiện và phá hủy các mục tiêu trên không, trong đó có máy bay và tên lửa hành trình, trong tầm xa 300 km và ở độ cao lên tới 7.000 m. Độ cao hành trình của một máy bay thương mại thường ở mức trên 9.000 m.
Việc triển khai tên lửa có thể gây ra mối đe dọa đối với máy bay do thám P8-A Poseidon của Hải quân Mỹ tuần tra Biển Đông. Hải quân Trung Quốc hồi tháng 5 năm ngoái đã phát 8 cảnh báo đối với 1 chiếc P8-A Poseidon bay qua quần đảo Trường Sa.
Các quan chức Trung Quốc bao biện
Các quan chức Trung Quốc đã ngang ngược bảo vệ việc triển khai vũ khí ở Biển Đông sau khi Mỹ và Đài Loan xác nhận Bắc Kinh đã triển khai tên lửa tới đảo Phú Lâm.
Xu Guangyu, một vị tướng về hưu trong quân đội Trung Quốc, lớn tiếng rằng tên lửa phòng không HQ-9 thường được sử dụng trên các đảo của Trung Quốc và có thể được triển khai một cách bình thường tới Phú Lâm.
Động thái trên diễn ra không lâu sau khi Mỹ phản đối các nỗ lực của Bắc Kinh nhằm kiểm soát một trong những tuyến đường biển đông đúc nhất thế giới bằng cách điều một tàu chiến tới khu vực.
Jin Canrong, một giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Renmin ở Bắc Kinh, bao biện rằng Trung Quốc triển khai tên lửa tới Phú Lâm là để đáp trả cuộc tuần tra của Mỹ gần đảo Tri Tôn thuộc Hoàng Sa hồi tháng trước.
“Lập luận của Trung Quốc là chúng tôi phải xây dựng các cơ sở quân sự trên các đảo đó để phòng vệ, nhưng quy mô của nó phụ thuộc vào mối đe dọa mà chúng tôi phải đối mặt”, ông Jin nói.
Các nhà phân tích của Trung Quốc lớn tiếng rằng các thiết bị quân sự khác sẽ được triển khai, tùy thuộc vào hành động tiếp theo của Washington.
Wu Shicun, Giám đốc Viện quốc gia về nghiên cứu Biển Đông tại Trung Quốc, cho hay các cuộc tuần tra của Mỹ đã buộc Trung Quốc phải đánh giá lại sự cần thiết của việc triển khai quân sự trong khu vực.
“Đánh giá của Trung Quốc là an ninh không được đảm bảo và rằng các cơ sở hiện thời tại Hoàng Sa không hiệu quả trong việc bảo vệ an toàn tại đó, vì vậy Trung Quốc phải tăng cường khả năng phòng thủ”, ông Wu bao biện.
Các nhà phân tích cho rằng động thái của Bắc Kinh đã được dự đoán từ trước và các thiết bị quân sự khác sẽ được bổ sung tới Hoàng Sa, nơi Trung Quốc trắng trợn xem các tuyên bố chủ quyền của mình tại đây là ít tranh cãi hơn các khu vực khác ở Biển Đông.
Ông Jin Canrong cho rằng nếu thiết bị quân sự được triển khai bổ sung thì điều này sẽ tập trung vào Hoàng Sa. “Quần đảo Trường Sa liên quan tới nhiều bên hơn và các động thái tại đó có thể bị phản tác dụng nghiêm trọng”, ông Jin nói.
Nhưng các nhà phân tích trong khu vực cho hay từ lâu đã có dấu hiệu về việc triển khai tên lửa.
“Trung Quốc đặt tên lửa ở Biển Đông trong khi cố tình trì hoãn đàm phán với ASEAN về COC, vốn cấm các hành động như vậy. Đó là một dấu hiệu cho thấy Trung Quốc không xem xét nghiêm túc các biện pháp ngoại giao như vậy”, Giáo sư Rory Medcalf từ Trường an ninh quốc gia Úc, nhận định.
“Nếu điều đó nhằm hạn chế các hoạt động tự do hàng hải thì tôi không cho rằng nó sẽ thành công”, ông Medcalf nói thêm.
An Bình