1. Dòng sự kiện:
  2. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  3. Xung đột leo thang ở Trung Đông
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Giám đốc CIA: Phương Tây không nên quá lo ngại về cảnh báo hạt nhân từ Nga

Đức Hoàng

(Dân trí) - Lãnh đạo CIA Bill Burns kêu gọi phương Tây không nên quá lo lắng trước những cảnh báo hạt nhân cứng rắn từ phía Nga.

Giám đốc CIA: Phương Tây không nên quá lo ngại về cảnh báo hạt nhân từ Nga - 1

Một hệ thống tên lửa đạn đạo của Nga diễu hành qua Quảng trường Đỏ năm 2022 (Ảnh: Getty).

Ngày 7/9, ông Burns cho rằng, các nhà lãnh đạo phương Tây không nên quá lo ngại trước các mối đe dọa leo thang hạt nhân từ Điện Kremlin.

Phát biểu của ông đến trong bối cảnh Ukraine đang kêu gọi phương Tây cho phép dùng vũ khí viện trợ tấn công sâu vào lãnh thổ Nga. Cả Mỹ và đồng minh vẫn chưa đồng ý với điều này, cho rằng nó có nguy cơ làm căng thẳng leo thang, đặc biệt là với cường quốc hạt nhân như Nga.

Tuy nhiên, ông Burns cho rằng, Mỹ từng phớt lờ những cảnh báo leo thang hạt nhân trước đó của Nga trong những năm qua để ủng hộ Ukraine. Ông nhận định, điều này chứng minh rằng các mối đe dọa từ Moscow không phải lúc nào cũng nên hiểu theo nghĩa đen.

Ông cáo buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin là người sẽ "giương kiếm để đe dọa vào mọi lúc. Chúng ta không thể để bị đe dọa bởi điều đó. Chúng ta phải lưu tâm đến điều đó. Mỹ đã cung cấp sự hỗ trợ to lớn cho Ukraine, và tôi chắc chắn rằng tổng thống sẽ cân nhắc những cách khác mà chúng ta có thể hỗ trợ Kiev".

Giám đốc CIA được hỏi liệu Washington và các nước phương Tây khác có quá lo lắng hay không về nguy cơ leo thang chiến tranh liên quan tới việc không cho phép Ukraine dùng vũ khí tấn công sâu vào Nga.

"Không ai trong chúng ta nên coi nhẹ rủi ro leo thang", ông Burns phát biểu và cho biết CIA từng nghĩ tới kịch bản Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật trên chiến trường ở Ukraine trong năm đầu tiên của cuộc chiến.

Trong khi đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 4/9 tuyên bố Nga đang xem xét lại các cách tiếp cận của nước này để đối phó với "các thách thức và mối đe dọa do các nước phương Tây thúc đẩy".

"Việc cập nhật học thuyết hạt nhân này là cần thiết do chương trình nghị sự hiện tại và tình hình rõ ràng đã xuất hiện do các hành động của phương Tây", ông Peskov nói.

Trong số các hành động này, người phát ngôn Điện Kremlin đã đề cập đến việc "từ chối đối thoại" và "theo đuổi chính sách xâm phạm lợi ích và an ninh của Nga", cũng như kích động xung đột ở Ukraine. Theo ông Peskov, những hành động như vậy chắc chắn sẽ bị đáp trả.

"Tất cả những điều này đều được Moscow tính đến, tất cả những điều này đang được phân tích và sẽ đặt nền móng cho các đề xuất liên quan đến học thuyết hạt nhân", ông Peskov nhấn mạnh.

Trước đó, trả lời hãng thông tấn TASS hôm 1/9, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết Moscow có "ý định rõ ràng" về việc sửa đổi học thuyết hạt nhân. Ông nêu rõ, quyết định này có liên quan đến các hành động leo thang của phương Tây trong cuộc xung đột Ukraine. Tuy nhiên, ông Ryabkov không nói rõ khi nào học thuyết hạt nhân sẽ được cập nhật.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng tuyên bố học thuyết hạt nhân của Moscow rất linh hoạt và có thể được điều chỉnh nếu cần thiết.

"Nếu hành động của ai đó đe dọa chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của chúng tôi, chúng tôi cho rằng có thể sử dụng tất cả các biện pháp mà mình có. Điều này không nên bị xem nhẹ", ông Putin nói.

Theo Guardian
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine