1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Giải pháp nào để ngăn chiến sự Trung Đông lan rộng?

Ngô Tiến Long

(Dân trí) - Tình hình Trung Đông ngày càng nóng bỏng và có nguy cơ leo thang xung đột ra toàn khu vực sau vụ thủ lĩnh Hezbollah bị sát hại và hành động bắn tên lửa trả đũa mới nhất của Iran vào Israel.

Giải pháp nào để ngăn chiến sự Trung Đông lan rộng? - 1

Hệ thống phòng không Vòm Sắt của Israel đánh chặn sau khi Iran bắn một loạt tên lửa đạn đạo vào ngày 1/10 (Ảnh: Reuters).

Hành động quân sự chưa từng có của Israel

Ngày 27/9, trong một đợt không kích táo bạo được chuẩn bị kỹ lưỡng, quân đội Israel đã sát hại thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah cùng chỉ huy Mặt trận miền Nam Ali Karaki, Tướng Abbas Nilfarushan, Phó Tư lệnh Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), 3 thủ lĩnh của Mặt trận Nhân dân Giải phóng Palestine (PFLP) và nhiều chỉ huy cấp cao khác của Hezbollah khi họ đang tập hợp trong một boongke sâu 18m nằm dưới các tòa nhà ở Dahiyeh, khu dân cư đông đúc ở miền Nam Beirut, thủ đô Li Băng.

Theo Bộ Y tế Li Băng, cuộc không kích trên đã khiến ít nhất 14 người thiệt mạng và làm bị thương 66 người. Dù vậy, đây cũng chỉ là một đòn đánh của Israel trong cả một chiến dịch làm suy yếu Hezbollah trong suốt một năm qua, khi phong trào kháng chiến chống Israel mạnh nhất này quyết định đẩy mạnh các hoạt động quân sự "chia lửa" với Hamas trong cuộc đối đầu Hamas - Israel ở dải Gaza, làm chết hơn 1.000 người hầu hết là chiến binh Hezbollah, trong đó có nhiều chỉ huy cấp cao. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng quân sự của Hezbollah ở phía nam sông Litani đã bị phá hủy cùng với một lượng lớn kho vũ khí và cơ sở hạ tầng quân sự ở miền Nam Li Băng.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã mô tả cái chết của ông Hassan Nasrallah là một "bước ngoặt lịch sử" có thể thay đổi cán cân quyền lực ở Trung Đông. Ngược lại, không chỉ Hezbollah và các phong trào kháng chiến chống Israel tuyên bố quyết trả thù cho thủ lĩnh Hassan Nasrallah, Phó Tổng thống Iran Mohammad Reza Aref đã cảnh báo "cái chết của ông Nasrallah sẽ mang đến sự hủy diệt cho Israel", trong khi Lãnh tụ tối cao Ali Khamenei chỉ trích "vụ hạ sát thủ lĩnh Nasrallah là chính sách thiển cận của Israel" và kêu gọi các nhóm Hồi giáo tiếp tục sát cánh cùng người dân Li Băng nói chung và phong trào Hezbollah nói riêng trong cuộc đấu tranh chống Israel hiện nay.

Chỉ trong vòng vài tuần qua, đã có ít nhất 30 thủ lĩnh cấp cao của Hezbollah bị hạ gục, một tổn thất lớn chưa từng có đối với phong trào này kể từ sau cuộc chiến Li Băng lần thứ 2 năm 2006 đến nay. Không chỉ vậy, nhiều nhà phân tích còn chỉ ra rằng Hezbollah không chỉ mất nhiều nhà lãnh đạo cấp cao, cơ sở hạ tầng quân sự và vũ khí, mà còn đánh mất cả an ninh, cảm giác an toàn và lòng tin trong nội bộ phong trào này. Bởi sau mỗi vụ ám sát hoặc tấn công như Israel tiến hành gần đây, đặc biệt là các vụ nổ hàng loạt máy nhắn tin và bộ đàm, Hezbollah đang đau đầu với vấn đề xác định mức độ các đặc vụ tình báo Israel đã xâm nhập sâu vào hàng ngũ của mình đến mức nào. Thậm chí, tạp chí Foreign Policy trích nguồn tin thân cận với Hezbollah hé lộ rằng, các nhà lãnh đạo Hezbollah đang phải xem xét từng thiết bị điện tử của mình bởi lo ngại rằng xe hơi, xe máy và cả các nhà máy tên lửa tiên tiến của phong trào kháng chiến này đều đã bị gài bẫy và có thể phát nổ bất cứ lúc nào.

Trong khi Israel đang bị các phe phái trong "Trục kháng chiến" (liên minh các nhóm quân sự do Iran hậu thuẫn suốt hơn 40 năm qua, trong đó có Hamas, Hezbollah, Houthi để đối phó với Israel và Mỹ tại Trung Đông), Iran và cộng đồng thế giới đồng loạt lên án, ngày 28/9, tại diễn đàn Liên hợp quốc, Thủ tướng Netanyahu vẫn tuyên bố "đã thanh toán được món nợ với thủ phạm của vô số vụ sát hại người Israel cùng hàng trăm người Mỹ, hàng chục người Pháp", ngụ ý nhắc đến các vụ khủng bố tại Beirut năm 1983. Về phía Mỹ, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói "Israel có quyền tự vệ" khi quy cho ông Hassan Nasrallah "chịu trách nhiệm về vụ sát hại hàng trăm người Mỹ và Israel", còn Nhà Trắng khẳng định "hoàn toàn ủng hộ Israel trong việc tự vệ trước Hezbollah, Hamas, Houthi và bất kỳ nhóm khủng bố nào được Iran hỗ trợ".

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu địa chính trị Dominique Moisi viết trên thời báo kinh tế Les Echos rất rõ ràng rằng: "Cái chết của Nasrallah làm lộ rõ sự bất lực của Mỹ và Iran; những gì vừa xảy ra ở Li Băng thực sự đánh dấu một bước ngoặt lịch sử trong cuộc chiến ở Li Băng, cũng như là cho cả vùng Trung Cận Đông".

Phía Israel đã săn lùng ông Hassan Nasrallah suốt từ năm 1992 khi ông trở thành thủ lĩnh Hezbollah. Việc hạ sát ông Nasrallah cùng nhiều chỉ huy cao cấp của "Trục kháng chiến" gần đây được coi là chiến dịch thành công nhất của quân đội Israel trong một thập niên qua, hơn cả cuộc ám sát thủ lĩnh chính trị của Hamas Ismail Haniyeh ở giữa thủ đô Iran 2 tháng trước đây, vụ sát hại ông Fuad Shukr, chỉ huy cấp cao của Hezbollah ngay sau đó và vụ bắn tên lửa vào tòa nhà lãnh sự quán Iran ở thủ đô Syria khiến một tướng tình báo của Iran thiệt mạng hồi tháng 4.

Không dừng lại ở đó, hôm 1/10, quân đội Israel đã chính thức triển khai chiến dịch tấn công trên bộ nhằm vào các mục tiêu của Hezbollah ở phía Nam Li Băng như một "Cú nước rút sấm sét" quyết dồn Hezbollah tới chân tường như đã làm với Hamas từ sau vụ tập kích của nhóm này vào trong lãnh thổ Israel ngày 7/10/2023. Đây cũng là hoạt động trên bộ đầu tiên của Israel chống lại Hezbollah kể từ năm 2006, đánh dấu sự mở rộng mới nhất của cuộc xung đột đã bao trùm khu vực kể từ khi xung đột Israel - Hamas bùng phát vào tháng 10 năm ngoái.

"Trục kháng chiến" có bị khuất phục?

Cuộc không kích ngày 27/9 đã gây cho Hezbollah những tổn thất lớn chưa từng có về nhiều mặt, bởi không chỉ khiến thủ lĩnh cấp cao bị sát hại mà còn buộc những thủ lĩnh còn lại cũng phải ẩn náu và thay đổi cách thức hoạt động, lãnh đạo, chỉ huy… Điều đó chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ, ít nhất là trong ngắn hạn, đến sức mạnh và hoạt động của Hezbollah, cũng như tình hình chung ở Li Băng và cộng đồng người Hồi giáo dòng Shia khi hàng nghìn người đã thiệt mạng, hàng trăm nghìn người phải rời bỏ nhà cửa… cũng như đến tương quan lực lượng giữa các bên và nhất là quan hệ giữa Hezbollah với Iran, nước bảo trợ tối cao của phong trào kháng chiến chống Israel hùng mạnh nhất này.

Theo giới quan sát quốc tế, sự kiện 27/9 đã đặt Iran vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan" rất phức tạp, bởi nếu không làm gì sau những tuyên bố hùng hồn "thề trả đũa" cho đồng minh và những sĩ quan của mình bị Israel hạ sát thời gian gần đây có thể sẽ khiến các lực lượng "Trục kháng chiến" cảm thấy dường như Tehran đã phó mặc các đồng minh cho số phận của chính họ, để ưu tiên cứu lấy chính quyền trước một cuộc chiến cam go chống Israel được Mỹ và đồng minh phương Tây chống lưng toàn diện. Nếu duy trì thái độ này, mối quan hệ về hệ tư tưởng, quân sự và tài chính của Iran với các đồng minh ở Trung Đông, trước hết là "Trục kháng chiến" mà Iran đã dày công gây dựng, có nguy cơ bị tổn thương không thể khắc phục được.

Dù trước mắt đang vô cùng khó khăn, Hezbollah chắc chắn sẽ tìm mọi cách khắc phục khoảng trống do sự ra đi của thủ lĩnh Nasrallah để lại để tiếp tục các hoạt động quân sự chống lại Israel, bởi ngoài quyết tâm chính trị và sự thù ghét đối với Israel, hệ thống các kho vũ khí hiện đại và đội quân lên tới cả trăm nghìn người của Hezbollah hầu như vẫn còn ở mọi nơi. Đặc biệt, cách tổ chức hết sức đặc thù theo tuyến lớp riêng biệt độc lập, sẽ giúp Hezbollah lúc này, cũng giống như trong quá khứ, từng nhiều lần bị tấn công tưởng như không phục hồi được, như gần nhất là trong cuộc chiến ở Nam Li Băng năm 2006, rồi đều đã vượt qua và trở lại mạnh mẽ hơn.

Ngay sau vụ sát hại thủ lĩnh Nasrallah, Hezbollah đã bắn nhiều loạt tên lửa vào các mục tiêu bên trong Israel. Không chỉ vậy, các lực lượng khác trong "Trục kháng chiến", trước hết là Houthi ở Nam Yemen, không chỉ vẫn nhắm bắn các tàu chở hàng cho Israel và Mỹ đang đi trên Biển Đỏ, mà còn bắn hàng loạt tên lửa vào sân bay quốc tế Ben Gurion ở Tel Aviv khi chuyên cơ chở thủ tướng Israel từ New York về nước sắp hạ cánh. Ở chiều ngược lại, quân đội Israel cũng vẫn không ngừng tấn công dữ dội các mục tiêu ở thủ đô Beirut và khu vực miền Nam Li Băng.

Còn Iran, sau 3 ngày cân nhắc, tính toán, vào ngày 1/10, họ đã quyết định hành động cứng rắn như đã tuyên bố với việc bắn liên tiếp 180 quả tên lửa vào các mục tiêu xung quanh thủ đô Tel Aviv của Israel thuộc Hành lang Netzarim mà phía Iran cho là đã thành công (theo thông báo của Vệ binh Cách mạng Iran, 90% các tên lửa Iran bắn ra đã đánh trúng mục tiêu). Truyền thông quốc tế đưa tin ít nhất là một số tên lửa đã đánh trúng một dàn khoan dầu của Israel ở Ashkelon.

Lịch sử đối đầu Israel - Palestine nói riêng và Israel - Ả Rập nói chung suốt từ khi có Nhà nước Israel năm 1948 đến nay, nhất là từ sau "Cuộc chiến 6 ngày" năm 1967, cho thấy các chiến thắng đơn lẻ trên chiến trường, dù là của Israel hay người Ả Rập, đều chưa đưa đến kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình bền vững. Đặc biệt, những ưu thế vượt trội và những chiến thắng quan trọng của Israel về quân sự trong cuộc đối đầu với người Palestine nói riêng và thế giới Ả Rập nói chung từ trước đến nay cũng chưa bao giờ đem lại an ninh và hòa bình thực sự cho người dân nhà nước Do Thái này.

Trong khi đó, dưới sức ép của Israel, người Palestine cũng như các phong trào kháng chiến khác ở khu vực chưa bao giờ đầu hàng và buông xuôi số phận trước Israel. Ngược lại, họ vẫn kiên cường chiến đấu cho mục tiêu giải phóng dân tộc của mình.

Ngăn xung đột lan rộng ra cả khu vực Trung Đông

Giải pháp nào để ngăn chiến sự Trung Đông lan rộng? - 2

Israel bắn pháo về phía biên giới Li Băng (Ảnh: Reuters).

Với ưu thế vượt trội về vũ khí và khả năng tình báo, từ sau cuộc đột kích của Hamas vào Israel ngày 7/10/2023, với cớ trả đũa, Israel đã liên tiếp giành được những thắng lợi rất quan trọng với việc hạ gục hàng loạt thủ lĩnh hàng đầu và làm suy yếu đáng kể cả 2 phong trào kháng chiến hùng mạnh nhất là Hamas và Hezbollah. Với những hành động như vậy, Israel dường như còn đang muốn đẩy Tehran và Washington đối đầu trực tiếp với nhau đồng thời tận dụng thời cơ "xóa sổ" cả Hamas lẫn Hezbollah, bất chấp sự phản đối của rộng rãi dư luận quốc tế và sự lo ngại của cả Mỹ và nhiều nước đồng minh.

Tuy nhiên, việc sát hại cá nhân các nhà lãnh đạo, cả quân sự lẫn chính trị, của các phong trào kháng chiến sẽ không bao giờ đem lại được hòa bình và an ninh, thậm chí còn tạo ra vòng xoáy bạo lực mới có thể châm ngòi cho một cuộc chiến rộng lớn hơn với hậu quả khôn lường không chỉ đối với khu vực mà còn cho cả thế giới.

Còn Iran, không giống như khi thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh bị sát hại tại thủ đô nước này 2 tháng trước đây, đã nhanh chóng lên án Israel về vụ không kích sát hại thủ lĩnh Hezbollah ngày 27/9 vừa qua, tuyên bố nhà nước Do Thái sẽ phải chịu đòn đáp trả thích đáng và đã có hành động quân sự trả đũa, dù đã phải tính toán rất kỹ mức độ và hình thức để tránh bị lôi cuốn trực tiếp vào chiến tranh với Mỹ và Israel. Đây có lẽ là việc Tehran không thể không làm để bảo vệ danh dự và lợi ích của chính mình và đồng minh, đồng thời cũng là để gửi một thông điệp rõ ràng tới Israel cũng như Mỹ và các đồng minh phương Tây rằng, dù được Washington ủng hộ về mọi mặt, Israel cũng không thể muốn làm gì thì làm Iran và "Trục kháng chiến" sẽ không bị khuất phục.

Tình hình Trung Đông sau vụ thủ lĩnh Hezbollah bị sát hại và hành động bắn tên lửa trả thù mới nhất của Tehran cùng những tuyên bố buộc tội, thách thức nhau dữ dội giữa hai bên đã rơi vào tình trạng nóng bỏng nguy hiểm với nguy cơ leo thang xung đột ra toàn khu vực cao hơn bao giờ hết. Việc xung đột lan rộng ra ngoài Dải Gaza cũng cho thấy sự thất bại của các nỗ lực ngoại giao trước đó và sự thiếu vắng một chiến lược rõ ràng để giải quyết căn nguyên của cuộc xung đột.

Nếu các bên liên quan không dừng lại và cộng đồng quốc tế không có những hành động quyết liệt và thống nhất hơn để kịp thời để ngăn chặn tình hình leo thang xung đột hiện nay, không chỉ khu vực này mà toàn thế giới cũng sẽ phải gánh chịu những hậu quả vô cùng to lớn về mọi mặt, trong đó an ninh toàn cầu có thể sẽ bị đe dọa với nguy cơ xung đột lan rộng, kéo theo sự can dự, đối đầu của các cường quốc với nhau; bất ổn về kinh tế tăng lên, khủng hoảng năng lượng toàn cầu sâu sắc hơn; giá dầu tăng vọt; và khủng hoảng nhân đạo sẽ trầm trọng thêm với chu kỳ mới của làn sóng tị nạn lên các nước láng giềng và châu Âu.

Với mỗi ngày xung đột tiếp diễn kèm theo sự hận thù tăng lên, khả năng đạt được một giải pháp hòa bình lâu dài ngày càng trở nên khó khăn hơn. Điều này đòi hỏi sự lãnh đạo mạnh mẽ và tầm nhìn dài hạn từ cả các bên trong khu vực và cộng đồng quốc tế để tìm ra một lối thoát cho vòng xoáy bạo lực hiện tại. Điều đó đòi hỏi tất cả các nước và dư luận yêu chuộng hòa bình trên thế giới, trước hết là các đồng minh hàng đầu của Israel và những nước lớn khác, cần thể hiện rõ hơn trách nhiệm của mình để nhanh chóng tiếp tục có những nỗ lực ngoại giao không mệt mỏi nhằm tạo ra một khuôn khổ đàm phán mới có sự tham gia của tất cả các bên liên quan với những biện pháp mạnh mẽ, kiên quyết và hữu hiệu để giúp làm dịu tình hình, mở đường cho việc nối lại đàm phán hòa bình giữa các bên.

Song song với việc duy trì sức mạnh quân sự, chính phủ Israel qua các thời kỳ với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, trước hết là Mỹ và các nước đồng minh phương Tây, đã từng có những giai đoạn chấp nhận đàm phán hòa bình với Tổ chức giải phóng Palestine (PLO) như một con đường để giải quyết xung đột Israel - Palestine nói riêng và Israel với các đối thủ khác trong khu vực nói chung.

Mặc dù vậy, vì nhiều lý do khác nhau, Đàm phán Oslo cũng như các cuộc đàm phán hòa bình riêng rẽ với các nước Ả Rập sau đó đều chưa đi đến cùng và không đem lại kết quả mong muốn, kể cả giải pháp "hai nhà nước" mà hiện vẫn được các chủ thể quốc tế chính, bao gồm Mỹ và phương Tây cũng như dư luận quốc tế rộng rãi coi là phương án khả thi hơn cả để đem lại hòa bình bền vững ở Trung Đông, chủ yếu vì những khó khăn thực tế nảy sinh từ giải pháp này dẫn đến sự chống đối của nhiều chính trị gia và dư luận chung ở cả hai bên, nhất là bên trong Israel.

Chảo lửa Trung Đông đang bùng cháy ngày càng khó kiểm soát và rất dễ lan rộng nếu Israel không chấm dứt tận dụng ưu thế về quân sự để theo đuổi những mục tiêu chính trị trên thế mạnh; còn người Palestine và "Trục kháng chiến" cũng không tự kiềm chế để khiến xung đột leo thang.

Trước khi có thể bắt tay vào một quá trình đàm phán mới nhằm tìm ra một giải pháp phù hợp cùng chấp nhận được với tất cả các bên, điều cấp bách nhất lúc này là cần sớm nỗ lực đi đến thỏa thuận ngừng bắn và chấm dứt hành động sát hại cá nhân và tấn công lẫn nhau.

Chính quyền Israel cần hiểu rằng dù họ có ưu thế quân sự vượt trội đối phương như thế nào, an ninh của họ cũng không thể được bảo đảm nếu người Palestine và các dân tộc còn lại ở khu vực, trong đó có Iran, còn bị đe dọa về an ninh và phát triển cũng như quyền được sống trong tự do và bình an trên chính mảnh đất quê hương của mình.