1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột Israel - Hezbollah
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Xung đột Israel - Hezbollah đẩy Trung Đông đến miệng hố chiến tranh

Nguyên Long

(Dân trí) - Với việc Israel liên tiếp tấn công Hezbollah những ngày gần đây, nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn ở Trung Đông không chỉ là viễn cảnh mà nó là một thực tế đang rình rập.

Xung đột Israel - Hezbollah đẩy Trung Đông đến miệng hố chiến tranh  - 1

Khói bốc lên trên các khu vực ngoại ô phía nam thủ đô Beirut sau một cuộc tấn công của Israel (Ảnh: AFP).

Sau cuộc tấn công bất ngờ của phong trào Hamas vào lãnh thổ Israel vào ngày 07/10/2023 khiến xung đột ở Dải Gaza bùng nổ, các cuộc đụng độ giữa Israel và Hezbollah ở dọc biên giới phía Bắc Israel đã liên tục gia tăng.

Tuy nhiên, xung đột giữa hai bên leo thang lên đến đỉnh điểm sau vụ nổ máy nhắn tin, bộ đàm và thiết bị điện tử ở Li Băng trong hai ngày 17 và 18/9 khiến 45 người thiệt mạng và hơn 3.000 bị thương ở khắp đất nước này.

Đồng thời, các cuộc tấn công "ăn miếng trả miếng" liên tiếp và dữ dội xuyên biên giới giữa Israel và Hezbollah những ngày gần đây đang đẩy Trung Đông đến bờ vực một cuộc chiến tranh toàn diện, với hệ lụy kéo theo là không gì có thể đong đếm được.  

Giới quan sát đánh giá, Israel đang mở ra một giai đoạn mới dữ dội hơn của cuộc chiến và có ý định đẩy Hezbollah vào sâu hơn trong lãnh thổ Li Băng. Đặc biệt, trong tuần vừa qua Israel đã tiến hành các cuộc không kích mạnh nhất nhằm vào các mục tiêu Hezbollah tại Li Băng kể từ năm 2006, khiến ít nhất 558 người thiệt mạng và hơn 1.600 người bị thương, trong đó có nhiều chỉ huy cấp cao của Hezbollah.

Rạng sáng ngày 1/10, Israel tuyên bố tiến hành chiến dịch trên bộ hạn chế nhằm vào các mục tiêu của Hezbollah ở miền nam Li Băng.

Trong khi đó, lực lượng Hezbollah cũng phóng hàng trăm tên lửa vào các mục tiêu ở Israel, bao gồm cả các mục tiêu ở trung tâm kinh tế Tel Aviv khiến tình hình căng như dây đàn và nguy cơ về một cuộc chiến tổng lực cận kề hơn bao giờ hết.

Nguy cơ về một cuộc chiến tổng lực ở Trung Đông

Cuộc xung đột gần đây nhất giữa Israel và Li Băng đã chấm dứt vào năm 2006 và kể từ đó đến nay hai bên vẫn luôn chuẩn bị tinh thần cho một cuộc chiến mới.

Các quan chức Israel cảnh báo rằng, trong bất kỳ cuộc chiến tương lai nào với Hezbollah, Li Băng sẽ phải gánh chịu thiệt hại nặng nề, các cơ sở hạ tầng và thành trì quan trọng của họ sẽ "bị san phẳng". Học thuyết quân sự này của Israel được biết đến dưới cái tên "Học thuyết Dahiyeh" do cựu Tổng Tham mưu trưởng Lực lượng Quốc phòng Israel (IDF) Gadi Eizenkot vạch ra, trong đó đề cập đến chiến tranh phi đối xứng, với nội dung trọng tâm phá hủy cơ sở hạ tầng dân sự của đối phương nhằm ngăn chặn đối phương sử dụng cơ sở hạ tầng đó, đồng thời minh chứng cho khả năng loại bỏ "các lực lượng phi cân xứng" thù địch.

Trong khi đó, Hezbollah dưới sự hậu thuận của Iran đã dành nhiều năm để mở rộng và nâng cấp kho vũ khí của mình. Theo báo cáo hồi tháng 3 của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), Hezbollah có thể đang sở hữu khoảng 200.000 tên lửa trong kho dự trữ và có thể áp đảo hệ thống phòng thủ Vòm sắt của Israel, và có thể gây ra thiệt hại lớn cho các thành phố, cùng cơ sở hạ tầng của Israel.

Các chuyên gia quân sự đánh giá, mặc dù cả Israel và Hezbollah đều tăng cường quân sự và đe dọa lẫn nhau nhưng về cơ bản tình hình biên giới hai nước phần lớn yên tĩnh cho đến tháng 10 năm ngoái. Trong gần một năm qua, mặc dù khu vực này luôn trong tâm thế chuẩn bị cho điều tồi tế nhất nhưng các bên liên quan đều cố gắng kiềm chế để không đẩy tình hình đi quá xa bởi rõ ràng họ đều dự liệu được viễn cảnh tàn khốc của một cuộc chiến tổng lực là như thế nào.

Tuy nhiên, hiện nay cộng đồng quốc tế đang vô cùng lo ngại rằng, những gì đang diễn ra có nguy cơ đảo lộn hoàn toàn hiện trạng vừa qua, nhất là trong bối cảnh cơ hội cho các giải pháp ngoại giao ngày càng thu hẹp do chu kỳ tấn công và phản công liên tục hiện nay. Chính phủ cánh hữu của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu không có dấu hiệu lùi bước do môi trường chính trị cứng rắn thúc đẩy. Trong khi đó, Hezbollah, được củng cố bởi nhiều năm kinh nghiệm chiến trường, đặc biệt là từ nội chiến Syria, ngày càng cảm thấy tự tin vào khả năng của mình.

Các chuyên gia quân sự đánh giá, các hành động vừa qua của Israel cho thấy cách tiếp cận mới nhằm gây áp lực buộc Hezbollah phải thực thi Nghị quyết 1701 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, trong đó có việc Hezbollah phải  di chuyển lực lượng của mình từ khu vực gần biên giới Israel tới sông Litani, khoảng 30km về phía Bắc. Nghị quyết quy định bất kỳ lực lượng nào ngoài lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc hoặc quân đội Li Băng đều phải sơ tán.

Ông Uzi Rabi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông và châu Phi tại Đại học Tel Aviv, cho rằng Israel đã tiến lên một bước nhưng chưa phải là bước cuối cùng và bất kỳ quyết định nào của Israel gửi xe tăng và quân đội vào miền Nam Li Băng sẽ khiến nhiều người coi cuộc xung đột là một cuộc chiến.

Cuộc chiến giữa Israel và Hezbollah, nếu thực sự trở thành một "cuộc chiến tổng lực", sẽ leo thang rất nhanh và rất thảm khốc với sự tham chiến của nhiều bên, trong đó có cả Mỹ và các chủ thể khác trong "trục kháng chiến" rộng lớn hơn chống lại Israel.

Những hệ lụy tiềm tàng từ cuộc chiến tổng lực

Xung đột Israel - Hezbollah đẩy Trung Đông đến miệng hố chiến tranh  - 2

Người Iran đặt hoa trước chân dung nhà lãnh đạo Hezbollah Hassan Nasrallah, người thiệt mạng do cuộc không kích của Israel ngày 27/9, trong một cuộc biểu tình phản đối Israel tại Tehran ngày 30/9 (Ảnh: AFP).

Những hệ lụy từ "cuộc chiến tổng lực" tiềm tàng giữa Israel - Hezbollah sẽ không dừng lại ở biên giới Li Băng và Israel mà còn xa hơn thế nữa, tác động rất lớn đến cục diện hiện nay ở vùng đất Trung Đông vốn đã chìm đắm trong chiến tranh và xung đột hàng thập niên qua.

Một là, cuộc đối đầu giữa Israel và Hezbollah có thể biến thành một cuộc chiến tranh toàn diện trong khu vực, kéo dài tới tận Iraq do mối liên hệ sâu sắc của Hezbollah với các lực lượng ủy nhiệm của Iran ở Syria, Iraq và Yemen. Sự tham gia của các lực lượng dân quân được Iran hậu thuẫn ở Iraq và lực lượng Houthi ở Yemen có thể biến cuộc đối đầu này thành một "cuộc chiến tổng lực" trong khu vực, kéo dài đến tận Iraq với sự tham chiến của rất nhiều bên và hậu quả là khôn lường.

Hai là, sức tàn phá của một cuộc chiến tổng lực sẽ rất lớn và không thể đảo ngược. Trong thời gian qua, giao tranh hàng ngày giữa Israel và Hezbollah ở khu vực biên giới đã khiến hàng chục nghìn người phải di dời khỏi các thị trấn và làng mạc ở cả hai bên biên giới. Vùng đất Trung Đông vốn đã bị rạn nứt sau nhiều năm xung đột, sẽ chứng kiến làn sóng người tị nạn mới, làm trầm trọng thêm căng thẳng phe phái và gây bất ổn hơn nữa cho các quốc gia mong manh.

Ba là, áp lực đè lên quân đội Israel là đang là quá lớn, nhất là trong bối cảnh cuộc khủng hoảng ở Dải Gaza vẫn chưa tìm được giải pháp. Nếu cùng lúc phải tiến hành song song hai cuộc chiến, quân đội Israel sẽ đối mặt với tình trạng suy kiệt. Do đó, một cuộc chiến với Hezbollah, lực lượng mạnh hơn nhiều so với Hamas, sẽ đòi hỏi nguồn lực to lớn, gây thêm căng thẳng cho quân đội Israel vốn đã quá mệt mỏi với cuộc chiến tại Dải Gaza.

Bốn là, bản chất của chiến tranh hiện đại có thể thay đổi với việc sử dụng chiến tranh không người lái. Cuộc chiến Nga - Ukraine gần đây cho thấy, các UAV đang biến đổi chiến tranh hiện đại như thế nào khi chúng được sử dụng để trinh sát, nhắm mục tiêu và thậm chí tấn công trực tiếp. Hezbollah, với khoảng 2.000 UAV do Iran cung cấp, dự kiến sẽ được sử dụng rộng rãi trong các chiến dịch tấn công Israel. Trong khi đó,  Israel, quốc gia đi đầu về công nghệ UAV cũng sẽ tận dụng tối đa công nghệ này trong cuộc chiến, từ đó khiến cho chiến tranh bằng UAV trở thành đặc điểm trung tâm của bất kỳ cuộc xung đột nào trong tương lai giữa hai nước.

Năm là, hệ lụy từ một "cuộc chiến tổng lực" nếu xảy ra sẽ rất tàn khốc không chỉ với riêng Israel, Hezbollah mà còn tác động nghiêm trọng tới cả khu vực Trung Đông và thế giới. Vòng xoáy của xung đột, bạo lực, chết chóc, đói nghèo chưa biết khi nào mới có thể ngừng lại trên "vùng đất nóng" này. Hơn nữa, tác động của nó là tới toàn thế giới, làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là trong vấn đề năng lượng; khiến thế giới vốn đã chịu tổn thương từ cuộc xung đột Nga - Ukraine lại phải chịu thêm một cú sốc mới. 

Liệu còn có cơ hội giảm căng thẳng?

Xung đột Israel - Hezbollah đẩy Trung Đông đến miệng hố chiến tranh  - 3

Hiện trường một cuộc không kích của Israel nhằm vào Li Băng ngày 29/9 (Ảnh: AFP).

Tình hình trên thực địa cho thấy, mặc dù tình thế đang căng như dây đàn nhưng vẫn còn hy vọng khi chưa bên nào nào cho thấy ý định sẵn sàng tham gia vào một cuộc chiến tổng lực. Có vẻ hai bên đang dừng ở việc thăm dò thực lực của nhau. 

Các nhà phân tích nhận định, với tiềm lực quân sự như hiện nay Hezbollah đều có thể đáp trả Israel bất kỳ lúc nào bằng một cuộc tấn công quy mô lớn với tên lửa và UAV, đủ sức tàn phá các lực lượng Israel và đẩy xung đột nhanh chóng leo thang. Tuy nhiên, các bên vẫn phải tính toán sao cho hợp lý, không để xung đột bị đẩy đi qua xa và biến thành một cuộc chiến tổng lực bởi:

Một là, nội các Israel vẫn bị "hạn chế" trong các quyết định vì lo ngại rằng sau cuộc xâm nhập Li Băng, các cuộc đàm phán về việc thả con tin với Hamas có thể bị lãng quên.

Hai là, có nhiều nhà chuyên môn đánh giá, trong đó có ý kiến từ Bộ Tổng Tham mưu Israel cho rằng, chiến dịch chống lại Hezbollah có khả năng thất bại nếu cứ tiến hành khi chưa có đủ căn cứ và đánh giá toàn diện. Hơn nữa, quân đội Israel đã chiến đấu ở Dải Gaza trong gần một năm qua mà vẫn chưa hoàn thành được các mục tiêu đặt ra, do đó, việc tiến hành song song hai cuộc chiến trên bộ cùng lúc, một ở Dải Gaza và một với Hezbollah (nếu xảy ra) sẽ là áp lực rất lơn đối với nhân lực và vật lực của phía Israel.

Bà là, mặc dù chịu nhiều tổn thất chỉ trong thời gian ngắn vừa qua nhưng với sự hậu thuẫn của Iran, Hezbollah vẫn rất "đáng gờm" và có thể gây thiệt hại đáng kể cho quân đội Israel. Tuy nhiên, xét trên bình diện khác, có thế thấy hiện nay sự hỗ trợ của Hezbollah trong xã hội đa sắc tộc và tôn giáo của Li Băng vốn đã yếu đi. Một cuộc khảo sát gần đây của Arab Barometer chỉ ra rằng 55% người Li Băng "không hề tin tưởng" vào Hezbollah; hiện chỉ có cộng đồng người Shiite và các cộng đồng ở miền Nam Li Băng phụ thuộc vào tổ chức này để được hỗ trợ kinh tế và xã hội là vẫn dành sự ủng hộ mạnh mẽ cho lực lượng này. Do đó, nếu tính toán không thấu đáo để ngăn chặn một cuộc chiến tranh toàn diện với Israel, cái giá phải trả cho cuộc chiến tổng lực sẽ khiến toàn bộ người Li Băng gánh chịu và Hezbollah sẽ phải nhận trách nhiệm đáng kể.

Bốn là, các nước Ả Rập cũng không sẵn lòng tham chiến bởi  họ đang phải giải quyết các vấn đề nội bộ, từ giải quyết hòa bình và tái thiết sau xung đột đến hiện đại hóa và cải cách kinh tế. Có vẻ như không quốc gia Ả Rập nào cần một cuộc chiến tranh lớn ở Trung Đông bởi sẽ làm phân tán nguồn lực của họ. Bộ Ngoại giao Ai Cập đã lên tiếng cảnh báo về rủi ro từ các hành động quân sự leo thang của Israel ở Dải Gaza và Li Băng đồng thời kêu gọi ngừng bắn hoàn toàn và ngay lập tức.

Trong khi đó, Iran - đồng minh thân cận của Hezbollah ở Li Băng - đang ở trong tình thế đặc biệt. Tehran đang cố gắng tìm kiếm điểm chung trong cuộc đối thoại với phương Tây nên sẽ không được hưởng lợi từ sự căng thẳng giữa Israel và Hezbollah. Hơn nữa, Tehran cũng sẽ phải chịu trách nhiệm lớn hơn cả về những hậu quả có thể xảy ra của sự leo thang hiện tại và những gì sẽ xảy ra với đồng minh của mình.

Chuyên gia quân sự Ivan Bocharov - điều phối viên chương trình của Hội đồng Nga về Quan hệ quốc tế (RIAC) - cho rằng giải pháp tối ưu của Iran có thể là tăng quy mô hỗ trợ quân sự cho Hezbollah, giúp khôi phục khả năng chiến đấu của lực lượng này hoặc sẽ gửi vũ khí, cố vấn quân sự, hoặc thậm chí là một số đơn vị chiến đấu của mình. Bên cạnh đó, một lực lượng khác trong "trục kháng chiến" do Iran dẫn đầu là lực lượng Houthi ở Yemen có thể sẽ tăng cường cuộc tấn công nhằm vào Israel, khiến nước này phải căng mình chống đỡ trên nhiều hướng, qua đó gián tiếp giảm tải áp lực cho Hezbollah ở Li Băng.

Năm là, Mỹ - đồng minh của Israel - cũng không sẵn sàng tham gia vào cuộc chiến này, nhất là trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng đang đi đến chặng nước rút như hiện nay. Mỹ cũng giống như Iran nhiều lần cho thấy việc nhận thức rõ ràng những rủi ro mà bất kỳ sự leo thang nào có thể gây ra. Ngày 26/9, Mỹ và một số nước đồng minh như Mỹ, Pháp, Đức, Anh đã kêu gọi lệnh ngừng bắn ngay lập tức trong 21 ngày trên khắp biên giới Li Băng - Israel để tạo không gian cho các cuộc đàm phán hòa bình.

Cho đến nay cả Israel và Hezbollah vẫn tránh dùng cụm từ "chiến tranh", ngay cả khi rõ ràng họ đang "tham chiến", một phần lý do là vì cả hai bên đều hy vọng đạt được mục tiêu của mình mà không gây ra một cuộc chiến rộng lớn hơn, hoặc bị đổ lỗi cho xung đột.

Tuy nhiên, nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn ở Trung Đông không chỉ là viễn cảnh mà nó là một thực tế đang rình rập. Cả Hezbollah và Israel đều đang chuẩn bị cho chiến tranh và với khả năng quân sự hiện có của hai bên, hậu quả sẽ là thảm họa đối với toàn bộ khu vực cũng như tác động lan ra cả thế giới là rất lớn.

Theo Gulf News, Al Jazeera, Vox