Georgia từng được đề nghị trở thành "mặt trận thứ 2" chống Nga
(Dân trí) - Quốc gia Liên Xô cũ Georgia từng nhận được đề nghị từ phương Tây về việc mở mặt trận thứ 2 chống Nga, theo lãnh đạo đảng cầm quyền nước này.

Kakha Kaladze, tổng thư ký đảng cầm quyền Giấc mơ Georgia - Georgia Dân chủ (Ảnh: Georgia Today).
Một số đại diện phương Tây từng yêu cầu chính phủ Georgia mở một "mặt trận thứ 2" chống lại Nga, Kakha Kaladze, tổng thư ký đảng cầm quyền Giấc mơ Georgia - Georgia Dân chủ, nói với các phóng viên.
"Có thời điểm, chúng tôi rất khó nói về việc họ (các đại diện từ phương Tây) thẳng thắn kêu gọi mở một mặt trận thứ 2 ở Georgia, về cách họ về cơ bản đã cố gây áp lực lên chúng tôi ngay trong văn phòng thủ tướng, khi chủ tịch đảng cũng có mặt", ông Kaladze cho biết.
Theo ông, Georgia đã bị gây sức ép để tổ chức các chuyến bay gửi tình nguyện viên đến Ukraine và áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga. "Khi các ông phải áp đặt các lệnh trừng phạt sẽ không gây hại cho ai khác ngoài chính người dân và đất nước mình, (chính phủ Georgia) làm sao có thể đưa ra quyết định như vậy?", ông Kaladze nhấn mạnh.
Sau nhiều năm căng thẳng với Nga vì cuộc xung đột năm 2008, Georgia tới nay đang theo đuổi cách tiếp cận trung lập với cuộc chiến giữa Moscow và Kiev.
Vào năm 2022, khi chiến sự Nga - Ukraine nổ ra, Georgia cho biết họ không có kế hoạch áp đặt các biện pháp trừng phạt chống lại Nga với lý do lợi ích quốc gia. Điều này làm dấy lên căng thẳng trong quan hệ giữa Tbilisi và Kiev.
Hồi đầu năm, Hội đồng chính trị thuộc đảng cầm quyền Giấc mơ Georgia - Georgia Dân chủ nhận định, Tbilisi đã tránh được "kịch bản Ukraine", nhưng cuộc đấu tranh để duy trì hòa bình trong nước vẫn đang tiếp tục.
Theo đảng trên, miễn là chiến sự ở Ukraine vẫn còn tiếp diễn, luôn có nguy cơ xuất hiện một mặt trận chống Nga thứ 2 ở Georgia. Đảng trên kêu gọi người dân Georgia phải chiến đấu đến cùng để đảm bảo sự tồn tại của mình.
Đảng trên cho biết, Ukraine "từng có chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, hòa bình và nền kinh tế gần 200 tỷ USD trước năm 2014, nhưng ngày nay gần như bị phá hủy, trong khi những người đứng sau cuộc đảo chính Maidan không chịu bất kỳ trách nhiệm nào về điều này".
Cuối tháng trước, truyền thông Mỹ nhận định, việc Nga xây dựng căn cứ hải quân mới trên Biển Đen tại Ochamchira, Abkhazia, vùng ly khai của Gerogia, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ quốc gia Liên Xô cũ bị kéo vào xung đột Ukraine.
Căn cứ mới đang được xây dựng tại Abkhazia, một vùng ly khai được cộng đồng quốc tế công nhận là một phần lãnh thổ của Georgia nhưng hiện do lực lượng thân Nga kiểm soát.
Theo báo Mỹ, động thái này diễn ra trong bối cảnh Nga tìm cách bảo vệ các tài sản hải quân của mình sau những tổn thất đối với Hạm đội Biển Đen, đơn vị đóng quân ở bán đảo Crimea.
Điều này đặt Tbilisi vào tình thế khó xử: Bất kỳ cuộc tấn công nào của Ukraine nhằm vào các tài sản hải quân của Nga tại Abkhazia đều có thể kéo Georgia trực tiếp vào cuộc chiến.
Từ cuối năm 2023, sau khi Nga công bố xây dựng căn cứ ở Abkhazia, Ukraine đã cảnh báo sẽ tấn công vào khu vực này.