1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ nói về triển vọng lập "liên minh kinh tế lịch sử" với Nga

Đức Hoàng

(Dân trí) - Theo Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio, một quan hệ đối tác như vậy sẽ "tốt cho thế giới" và cũng củng cố mối quan hệ giữa hai nước trong dài hạn.

Mỹ nói về triển vọng lập liên minh kinh tế lịch sử với Nga - 1

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio (Ảnh: Reuters).

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio tin rằng, viễn cảnh chấm dứt xung đột ở Ukraine có thể mở khóa liên minh kinh tế "lịch sử" giữa Washington và Moscow.

Theo ông, nếu mọi việc diễn ra theo kế hoạch trong quá trình giải quyết xung đột Ukraine, Nga và Mỹ có thể thiết lập một mối quan hệ đối tác kinh tế đầy hứa hẹn. Ông đã đưa ra tuyên bố này trong một cuộc họp báo sau các cuộc đàm phán Nga - Mỹ tại Riyadh, Ả rập Xê út.

Theo ông Rubio, hai bên đã thống nhất về nhiều vấn đề, trong đó có việc "bắt đầu xác định những cơ hội có thể xuất hiện nếu cuộc xung đột ở Ukraine kết thúc theo một cách có thể chấp nhận được".

Ông làm rõ rằng điều này liên quan đến "các cơ hội hợp tác đáng tin cậy với Nga trên phương diện địa chính trị trong các vấn đề có lợi ích chung và cả về mặt kinh tế". Theo quan điểm của ông Rubio, một mối quan hệ đối tác như vậy "sẽ có lợi cho thế giới", đồng thời củng cố quan hệ giữa Nga và Mỹ về lâu dài.

Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh rằng nếu hai nước đạt được thỏa thuận về Ukraine, điều này sẽ mở đường cho việc hợp tác trong các vấn đề địa chính trị khác có lợi ích chung cũng như một số mối quan hệ kinh tế độc đáo, thậm chí có thể mang tính lịch sử.

"Chìa khóa mở ra cánh cửa cho những cơ hội này chính là chấm dứt cuộc xung đột", ông nhấn mạnh.

Vào ngày 18/2, Nga và Mỹ đã tổ chức một cuộc đàm phán kéo dài 4,5 giờ tại Riyadh. Phía Nga có sự tham gia của Ngoại trưởng Sergey Lavrov, trợ lý tổng thống Yury Ushakov và người đứng đầu Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF) Kirill Dmitriev. Phía Mỹ bao gồm Ngoại trưởng Marco Rubio, Cố vấn An ninh Quốc gia Mike Waltz và đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về Trung Đông Steven Witkoff.

Theo ông Ushakov, hai bên đã thảo luận kỹ lưỡng về mọi chủ đề trong chương trình nghị sự, bao gồm việc thu hẹp khác biệt giữa Nga và Mỹ cũng như các cuộc tiếp xúc liên quan đến Ukraine. Ông Lavrov gọi cuộc đối thoại với các quan chức Mỹ là "rất mang tính xây dựng" và thông báo rằng hai bên đã đồng ý bổ nhiệm đại sứ tại Moscow và Washington trong thời gian sớm nhất.

Trong khi đó, ông Dmitriev cho rằng Nga và Mỹ nên hợp tác trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, bao gồm cả các dự án ở khu vực Bắc Cực. Đây là khu vực giàu tài nguyên khoáng sản và có tiềm năng trở thành tuyến vận chuyển quan trọng mới của thế giới.

Trong thời gian qua, cả Nga và Mỹ đều đẩy mạnh hiện diện ở khu vực chiến lược này. 

"Chúng ta cần theo đuổi các dự án chung, bao gồm, ví dụ, ở Bắc Cực và các lĩnh vực khác", ông nói với các phóng viên.

Người đứng đầu RDIF, phụ trách các khía cạnh kinh tế trong các cuộc thảo luận cấp cao, nhấn mạnh sự cần thiết của hợp tác và các cơ hội kinh tế có thể mang lại lợi ích cho cả hai quốc gia. 

Theo giới quan sát, đây có thể sẽ là điều giúp hai nước xích lại gần nhau hơn, trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump điều hành nước Mỹ dưới góc nhìn của một doanh nhân, tỷ phú. 

Theo Tass
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine