1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Gazprom cảnh báo giá khí đốt tới châu Âu có thể tăng 60%

Thành Đạt

(Dân trí) - Tập đoàn dầu khí Gazprom của Nga cho biết giá khí đốt tới châu Âu có thể tăng 60% vào mùa đông tới do xuất khẩu và sản lượng khai thác giảm trong bối cảnh phương Tây áp lệnh trừng phạt.

Gazprom cảnh báo giá khí đốt tới châu Âu có thể tăng 60% - 1

Một trạm khí nén của đường ống dẫn khí ở Wloclawek, Ba Lan (Ảnh: Getty).

"Giá khí đốt giao ngay tới châu Âu đã lên mức 2.500 USD (trên 1.000 mét khối). Theo ước tính, nếu xu hướng này tiếp tục kéo dài, giá sẽ vượt 4.000 USD/1.000 mét khối trong mùa đông này", tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga thông báo hôm 16/8.

Dòng khí đốt từ Nga, nhà cung cấp hàng đầu của châu Âu, đang giảm trong năm nay, sau khi Ukraine đóng một đường ống chuyển khí đốt qua lãnh thổ nước này.

Ukraine đã khóa van đường ống qua trạm Sokhranovka, nơi xử lý khoảng 1/3 lượng khí đốt của Nga chảy qua Ukraine đến châu Âu, vào đầu tháng 5, viện dẫn lý do Moscow mở chiến dịch quân sự ở nước láng giềng. Ukraine lập luận rằng, nhà điều hành vận chuyển khí đốt GTSOU của nước này không thể kiểm soát trạm nén khí ở Novopskov, vùng Lugansk ở miền Đông do hoạt động quân sự của Nga tại đây. Vì vậy, Ukraine coi việc đóng trạm Sokhranovka là tình huống bất khả kháng.

Vào cuối tháng 7, tập đoàn Gazprom của Nga đã cắt giảm đáng kể nguồn cung khí đốt cho châu Âu qua đường ống Nord Stream xuống còn 20% công suất, tương đương còn 33 triệu m3 mỗi ngày vì lý do sửa chữa tuabin.

Châu Âu cáo buộc Nga đang hạn chế nguồn cung khí đốt cho các khối này để trả đũa biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Moscow. 

"Công suất bơm khí đốt bị giảm xuống vì quá trình bảo trì thiết bị kỹ thuật trở nên khó khăn hơn do những lệnh trừng phạt của châu Âu", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov lý giải việc cắt giảm nguồn cung cho châu Âu.

Xuất khẩu khí đốt của Gazprom đã giảm 36,2%, xuống 78,5 tỷ mét khối từ ngày 1/1 đến ngày 15/8, trong khi sản lượng khai thác khí đốt cũng giảm 13,2% so với một năm trước, xuống 274,8 tỷ mét khối.

Nguồn cung khí đốt của Nga giảm đã khiến giá khí đốt ở châu Âu tăng gấp vài lần so với cùng kỳ năm ngoái, gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng và lạm phát tại nhiều nước phương Tây. Châu Âu cáo buộc Nga "vũ khí hóa" năng lượng gây áp lực cho phương Tây, điều mà Nga bác bỏ. 

Thị trưởng Kiev Vitaliy Klitschko ngày 15/8 thừa nhận người dân thủ đô Ukraine đang phải "sống trong một thực tại khó khăn và cần chuẩn bị tinh thần cho mùa đông lạnh giá sắp tới".

Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí kế hoạch giảm tiêu thụ khí đốt Nga nhằm giảm dần phụ thuộc vào Moscow. Để đối phó với viễn cảnh Nga cắt hoàn toàn nguồn cung, các nước châu Âu đang áp dụng nhiều biện pháp khác nhau để tiết kiệm năng lượng.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết chính phủ Đức đang chuẩn bị một gói giải pháp nhằm đối phó với nguồn cung khí đốt hao hụt từ Nga.

Nhiều thành phố tại Đức đã quyết định ngừng cung cấp nước nóng, giảm mức nhiệt sưởi ấm tối đa và tắt đèn tại những công trình công cộng. Tại Pháp, chính phủ vừa áp dụng mức phạt lên đến hơn 630 Euro đối với những cửa hàng sử dụng điều hòa nhưng không đóng cửa sổ và cửa ra vào.

Theo Reuters
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm