1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Bài toán khó của châu Âu khi các nước đẩy mạnh khai thác khí đốt

Thanh Thành

(Dân trí) - Nhiều nước ở châu Âu đang đẩy nhanh khai thác khí đốt để đề phòng kịch bản xấu, khi xung đột Nga - Ukraine vẫn đang nóng. Tuy nhiên, nhiều người tỏ ra lo ngại về tình hình này.

Bài toán khó của châu Âu khi các nước đẩy mạnh khai thác khí đốt  - 1

Công việc xây dựng trên đảo ở Brunsbuettel, miền bắc nước Đức, vào đầu tháng 3. Đây có thể là địa điểm cho một nhà ga khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) mới (Ảnh: AP).

Hòn đảo Schiermonnikoog dài 16km được biết đến là một trong những nơi đẹp nhất ở Hà Lan, tự hào có bãi biển rộng nhất châu Âu, cùng 300 loài chim khác nhau và hoạt động buôn bán, du lịch nhộn nhịp.

Nhưng sau khi chính phủ Hà Lan và Đức phê duyệt phát triển một mỏ khí đốt mới chỉ cách bờ biển Schiermonnikoog khoảng 20km, thị trưởng hòn đảo lo lắng về tương lai của nơi này.

"Chúng tôi rất lo ngại về việc các dàn khoan khí đốt có thể hủy hoại cảnh quan tự nhiên khu vực này. Chúng tôi nghĩ không cần đầu tư vào khí đốt, nên tập trung nhiều hơn nữa vào năng lượng tái tạo", Thị trưởng Schiermonnikoog, bà Inekevan Gent, nói.

Dự án khai thác khí đốt ngoài khơi Schiermonnikoog, trải dài từ bờ biển Đức và Hà Lan vào Biển Bắc, chỉ là một trong hàng loạt dự án đã được bật đèn xanh hoặc đang được xem xét trên khắp châu Âu, sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Châu Âu đang nỗ lực để đảm bảo nguồn cung cấp khí đốt nếu Moscow cắt nguồn cung. Hồi tháng trước, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã đặt ra mục tiêu tự nguyện giảm sử dụng khí đốt 15% cho đến tháng 3/2023 để tránh khủng hoảng khi thời tiết thay đổi.

Nguồn cung năng lượng bị thắt chặt có thể đẩy giá cao hơn nữa, gây ra tình trạng mất điện và khiến các hộ gia đình dễ bị tổn thương không thể thanh toán hóa đơn của họ.

Tuy vậy, các nhà khoa học, nhà hoạt động và người dân địa phương ở những nơi như Schiermonnikoog tỏ ra hoài nghi rằng chiến sự ở Ukraine chỉ là bình phong cho các dự án như vậy.

Theo họ, các dự án có lẽ không kịp phát huy hiệu quả ngay mùa đông tới, trong khi cuối cùng chúng có thể khiến tình trạng ấm lên toàn cầu càng trở nên nghiêm trọng hơn.

Các dàn khoan ngoài khơi Schiermonnikoog dự kiến sẽ bắt đầu cung cấp khí đốt cho các hộ gia đình ở Hà Lan và Đức trước năm 2024. Sau khi được cấp phép, nó có thể hoạt động trong nhiều thập niên, với giấy phép có hiệu lực đến năm 2042.

 Một lãnh đạo của Viện Nghiên cứu Biển Hoàng gia Hà Lan, người phản đối dự án, cho biết: "Về nguyên tắc, chúng ta cần phải loại bỏ tất cả các nhiên liệu hóa thạch và cần loại bỏ chúng nhanh chóng. Đó không phải là giải pháp tức thì cho bất cứ điều gì liên quan đến cuộc khủng hoảng khí đốt của Nga".

Công ty ONE-Dyas vận hành dự án ở Schiermonnikoog cho biết đã thường xuyên liên hệ với các bên liên quan ở địa phương kể từ năm 2018 và tiến hành đánh giá tác động môi trường. Theo ONE-Dyas, khí đốt sản xuất trong nước bảo đảm tạo ra lượng phát thải khí nhà kính thấp hơn so với khí đốt nhập khẩu.

Tình hình thay đổi tại châu Âu 

Châu Âu chật vật tìm kiếm nguồn cung khí đốt trong bối cảnh Nga cho thấy sẵn sàng trừng phạt EU vì những tranh cãi quanh cuộc xung đột Ukraine. Gazprom của Nga mới đây đã cắt giảm nguồn cung khí đốt tới châu Âu thông qua đường ống Nord Stream 1.

Giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), ông Fatih Birol, cho rằng tình hình ở châu Âu hiện được miêu tả là "rất nguy hiểm" và khu vực này phải chuẩn bị cho một mùa đông "dài và khó khăn".

Và thậm chí ngay cả nếu các nước EU xoay xở làm đầy 90% các bể dự trữ khí đốt, khu vực vẫn có khả năng đối mặt nguy cơ gián đoạn nguồn cung vào đầu năm 2023 nếu Nga quyết định cắt đứt cung cấp khí đốt từ tháng 10, IEA dự báo.

Rủi ro đã thúc đẩy các quốc gia tìm kiếm các nguồn nhiên liệu thay thế và tích trữ những gì họ có thể. Tình thế cũng khiến các chính trị gia ủng hộ mở rộng hoạt động của ngành khai thác khí đốt, điều chỉ 12 tháng trước là "không thể tưởng tượng" bởi lo ngại về biến đổi khí hậu.

Từ hồi tháng 2, nhiều nước đã dỡ bỏ giới hạn khai thác khí đốt và cấp phép cho các mỏ khí đốt mới, thường lấy lý do là cần phải thực dụng trong thời kỳ căng thẳng cao độ.

Đan Mạch, vào năm 2020 đã công bố kế hoạch chấm dứt khai thác nhiên liệu hóa thạch, đang dự tính đẩy mạnh khai thác từ các mỏ đã được cấp phép ở Biển Bắc. Hungary cho biết sẽ tăng sản lượng khai thác khí đốt trong nước từ 1,5 tỷ 3 lên 2 tỷ m3.

Tập đoàn Shell đang tiến hành phát triển khí đốt tự nhiên mới ở Biển Bắc sau khi chính phủ Anh cho phép vào tháng 6, đảo ngược quyết định chặn dự án trước đó vì lý do môi trường.

"Chúng tôi đang tăng tốc với năng lượng tái tạo và hạt nhân, nhưng cũng phải thực tế về nhu cầu năng lượng ngay lúc này", Kwasi Kwarteng, Bộ trưởng Năng lượng và Kinh doanh Anh, viết trên Twitter. 

Trong khi đó, chính phủ các nước châu Âu cũng chạy đua mở rộng năng lực dự trữ khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), xem đây là nguồn năng lượng thay thế khí đốt Nga rất hấp dẫn vì nó có thể được vận chuyển bằng tàu biển từ các nước đồng minh của châu Âu như Mỹ, Canada.

Tổ chức tư vấn chính sách Global Energy Monitor của Mỹ cho biết, có ít nhất 25 dự án xây dựng hoặc mở rộng kho chứa LNG ở châu Âu và Anh mới được đề xuất kể từ khi xung đột bùng nổ ở Ukraine.

"Mọi người chỉ đang thấy sự thay đổi 180 độ của các nước", một chuyên gia năng lượng tại công ty Sanford Bernstein nói.

Cần tầm nhìn dài hạn, chiến lược

Mặc dù gấp gáp, một số dự án khí đốt có thể cải thiện nguồn cung năng lượng cho châu Âu ngay mùa đông này nếu Nga định giảm hoặc cắt dòng chảy khí đốt tới phía Tây.

Tập đoàn Zenith Energy của Canada tháng trước cho biết vừa mở lại giếng khí đốt ở Đông Bắc Italy, vốn có thể sản xuất 1.300 m3 khí đốt mỗi ngày, dự kiến sản xuất sẽ bắt đầu từ tháng 10 đến tháng 12.

Một đại diện của tập đoàn trên cho biết trong một tuyên bố, quyết định trên được đưa ra "trong bối cảnh nhu cầu ngày càng tăng đối với an ninh năng lượng nội địa của châu Âu và môi trường giá cả rất đáng khích lệ".

Trong khi đó, một kho lưu trữ nổi và đồng thời có chức năng hóa lỏng LNG do tập đoàn Snam của Italy vận hành sẽ đi vào hoạt động ngoài khơi Ravenna, Italy từ năm 2024. Một số dự án khác thì vẫn chưa khởi động để đi vào khai thác. Shell ước tính mỏ khí đốt Jackdaw ở Biển Bắc sẽ đi vào hoạt động trong vài năm nữa.

Một nhà vận động khí đốt của Global Witness có trụ sở tại Brussels, lo ngại các dự án sẽ không cần thiết. "Ngay trước khi bùng nổ xung đột ở Ukraine, người ta đã có cảm giác rằng châu Âu có đủ cơ sở hạ tầng khí đốt, ngay cả trong trường hợp có sự gián đoạn đáng kể. Bây giờ nó thực sự là một bức tranh khác", người này nói.

Thêm vào đó, với thời hạn, năng lượng tái tạo có thể lấp đầy khoảng trống thay vì khí tự nhiên, có lượng khí thải carbon thấp hơn dầu và than nhưng vẫn gây ra hiệu ứng nhà kính và sự nóng lên toàn cầu.

Rủi ro cho môi trường

Đó là điều mà Thị trưởng Inekevan Gent của Schiermonnikoog đặt ra hiện nay.

Theo bà Gent, việc mở rộng khai thác khí đốt, dù ít ô nhiễm hơn dầu mỏ và than đá, vẫn có hại cho môi trường và góp phần làm trầm trọng thêm tình trạng ấm lên toàn cầu. Bà lo lắng về việc bảo vệ một di sản thế giới nhạy cảm được UNESCO công nhận.

"Mối quan tâm chính của tôi là sự sụt lún đất, có nghĩa là chúng tôi cũng gặp vấn đề với việc sống trên mặt đất", Thị trưởng Gent nói.

Cách Schiermonnikoog không xa, mỏ khí Groningen trên bờ của liên doanh giữa Shell (RDSA) và Exxon (XOM) từng là một trong những nguồn cung cấp khí đốt lớn nhất châu Âu đang dần bị hủy hoại vì động đất. Một báo cáo vào năm 2016 cho thấy, đã có 271 cơn địa chấn có cường độ 1,5 độ Richter hoặc lớn hơn.

Vấn đề sụt lụt ít nghiêm trọng hơn với dự án ngoài khơi Schiermonnikoog nhưng tác động sinh thái cần chú trọng kỹ, theo ông Han Dolman, giám đốc Viện nghiên cứu biển Hà Lan. Ông Dolman cùng 432 người khác đã ký một lá thư phản đối mỏ khí đốt này.

"Nó nằm trong khu vực bảo tồn thiên nhiên, cần cẩn trọng khi có bất cứ hoạt động nào, chứ chưa nói tới khởi công một dàn khoan khí đốt", ông Dolman nói.

Theo AFP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm