1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

F-16 có thể tới Ukraine với số lượng lớn, Nga cảnh báo cứng rắn

Nguyễn Bình

(Dân trí) - Tom Burbage, cựu quan chức Tập đoàn Lockheed Martin cho biết phương Tây có thể sẵn sàng cung cấp nhiều F-16 cho Ukraine vì hầu hết các nước đang chuyển sang dùng máy bay chiến đấu F-35 tinh vi hơn.

F-16 có thể tới Ukraine với số lượng lớn, Nga cảnh báo cứng rắn - 1

Tiêm kích F-16 của Không quân Ba Lan tham gia thực hiện nhiệm vụ tuần tra của NATO trên không phận Lithuania ngày 25/1/2022 (Ảnh: Bộ Quốc phòng Lithuania).

Nguồn cung F-16 cho Ukraine có thể sẽ dồi dào

Theo ông Burbage, xung đột Nga - Ukraine đã thúc đẩy "nhiều quốc gia chuyển sang sử dụng máy bay F-35". Tuy nhiên, ông cảnh báo, sẽ mất nhiều năm để các quốc gia đang lựa chọn máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 của Mỹ có thể chuyển sang giai đoạn sử dụng F-35.

Ông lập luận rằng việc quân đội nhiều nước trên toàn cầu đang hướng tới tiêm kích tàng hình F-35 thế hệ thứ năm do Mỹ sản xuất sẽ giúp "giải phóng F-16" với số lượng lớn cho các lực lượng không quân như của Ukraine. Như vậy, có thể thấy, trong vài năm tới, nguồn cung F-16 cho Ukraine có thể sẽ rất dồi dào.

Tuy nhiên, mặc dù F-35 đang được nhiều nước quan tâm nhưng bản thân dòng tiêm kích tàng hình này cũng gặp không ít rắc rối kỹ thuật.

Tháng trước, truyền thông Mỹ đưa tin, Lầu Năm Góc sẽ không nhận thêm bất kỳ máy bay chiến đấu F-35 mới nào từ nhà thầu chính Lockheed Martin cho đến khi các vấn đề lớn về nâng cấp phần cứng công nghệ mới được giải quyết. 

Theo báo cáo, quyết định này có nghĩa là Lockheed Martin có thể phải cất giữ hàng chục máy bay tại nhà máy chính ở Fort Worth, Texas, trong hầu hết năm 2023 và có thể kéo dài đến mùa xuân năm 2024.

F-35 vẫn là vũ khí đắt nhất trong lịch sử, với chi phí hoạt động và duy trì trọn đời lên tới 1,3 nghìn tỷ USD. Tuy nhiên, khoảng 20 năm sau khi được giới thiệu, máy bay này vẫn tiếp tục gây rắc rối cho các nhà khai thác với hàng loạt vấn đề, bao gồm quá áp cabin, các vấn đề về tầm nhìn ban đêm, lỗi phần mềm và ăn mòn.

Mỹ và các đồng minh đang đẩy nhanh tiến độ cung cấp F-16 cho Ukraine khi Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan nói rằng Mỹ đang "tiến hành nhanh chóng nhất có thể".

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby cũng nói với các phóng viên tuần trước rằng Ukraine có thể nhận được các máy bay F-16 vào cuối năm nay. Tuy nhiên, ông không cho biết những máy bay chiến đấu này đến từ quốc gia nào.

Ngoài ra, ông Kirby cũng cảnh báo rằng "những chiếc F-16 sẽ không đủ để lật ngược tình thế ở đây (Ukraine)".

Trước đó, đầu tháng 7, trong một cuộc họp ngắn của Lầu Năm Góc, Trung tướng Douglas Sims II, chỉ huy tác chiến liên quân của Lầu Năm Góc nói rằng, các điều kiện trên chiến trường ở Ukraine không "lý tưởng" để sử dụng máy bay chiến đấu F-16, do Nga đang sở hữu năng lực phòng không vượt trội.

Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, tướng Mark Milley, cho biết, phương Tây sẽ mất nhiều năm cùng hàng tỷ USD nếu muốn giúp Ukraine huấn luyện phi công và xây dựng điều kiện bảo trì cần thiết để không quân nước này đủ sức đối đầu với phi đội máy bay thế hệ thứ tư và thứ năm của Nga.

Tướng Milley nói trong một cuộc họp báo: "10 chiếc F-16 trị giá 2 tỷ USD. Nhưng, Moscow có hàng trăm chiếc máy bay thế hệ thứ tư và thứ năm. Nếu Ukraine cố gắng bắt kịp người Nga, cần phải có số lượng lớn máy bay, với tỷ lệ một chọi một hoặc thậm chí hai chọi một".

Ngược lại, ông Sullivan cho biết trong một tuyên bố riêng vào tuần trước rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden "đã bật đèn xanh và chúng tôi sẽ cho phép, hỗ trợ, tạo điều kiện và trên thực tế là cung cấp các công cụ cần thiết để phi công Ukraine bắt đầu được huấn luyện bay trên F-16".

Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói rằng Hà Lan và Đan Mạch đang đạt được "tiến bộ trong kế hoạch huấn luyện phối hợp", đồng thời nói thêm rằng họ đang nỗ lực giúp "một số phi công Ukraine rất háo hức học lái máy bay thế hệ thứ tư"".

Về phần mình, Bộ Quốc phòng Đan Mạch tuần trước tuyên bố nước này cùng với Bỉ, Canada, Luxembourg, Hà Lan, Na Uy, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Romania, Anh và Thụy Điển về mặt lý thuyết, đã sẵn sàng huấn luyện các phi công Ukraine vận hành F-16 và khóa đào tạo đó có thể bắt đầu sớm nhất là vào tháng 8.

F-16 có thể tới Ukraine với số lượng lớn, Nga cảnh báo cứng rắn - 2

Tiêm kích F-16 của Không quân Mỹ (Ảnh: USAF).

Nga cảnh báo cứng rắn

Cũng trong tháng này, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cảnh báo việc Mỹ và các đồng minh gửi F-16 tới Kiev sẽ làm tăng thêm mối đe dọa về khả năng nổ ra chiến tranh hạt nhân.

"Một ví dụ về những diễn biến cực kỳ nguy hiểm là kế hoạch của Mỹ chuyển giao máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine. Chúng tôi đã thông báo cho các cường quốc hạt nhân như Mỹ, Anh và Pháp rằng, Nga không thể bỏ qua khả năng mang vũ khí hạt nhân của các máy bay này", ông Lavrov nói với truyền thông Nga.

Ông nói thêm rằng "các quân nhân Nga sẽ không biết liệu từng máy bay cụ thể thuộc loại này có được trang bị vũ khí hạt nhân hay không. Việc Ukraine sở hữu máy bay chiến đấu (F-16) sẽ bị Nga coi là mối đe dọa từ các nước phương Tây trong lĩnh vực hạt nhân".

Trước đó, phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg hôm 16/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói F-16 sẽ bị phá hủy nếu tham chiến ở Ukraine, cảnh báo Kiev sẽ đẩy NATO vào xung đột nếu triển khai tiêm kích ở nước ngoài.

"Nhiều xe tăng đã bị phá hủy, trong đó có những chiếc Leopard. Tiêm kích F-16 cũng sẽ cháy rụi như vậy. Không nghi ngờ gì về điều đó".

Theo Sputnik
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm