EU nêu mục đích của các biện pháp trừng phạt Nga
(Dân trí) - Các biện pháp trừng phạt không chỉ để chấm dứt xung đột ở Ukraine mà còn nhằm tổn thất cho nền kinh tế của Nga, một quan chức Liên minh châu Âu (EU) cho biết.
"Các lệnh trừng phạt của EU không chỉ nhằm ngăn chặn các hành động quân sự ở Ukraine, mà còn nhằm gây ra hàng loạt vấn đề cho nền kinh tế Nga", hãng tin RT dẫn lời Cao ủy về chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell ngày 18/7 cho biết.
Ông Borell nhấn mạnh, các nước châu Âu cần tiếp tục gây sức ép với Moscow thông qua các lệnh trừng phạt. "Không hề dễ dàng, nhưng chúng ta cần phải tiếp tục gây sức ép lên kinh tế của Nga. Châu Âu không được từ bỏ chính sách này", ông nói.
Bình luận này nhằm phản bác quan điểm trước đó của Thủ tướng Hungary Viktor Orban rằng chính sách trừng phạt của EU là "sai lầm" và gây tổn thất cho các thành viên EU nhiều hơn là cho Nga.
Ông Borrell cho biết, EU chuẩn bị tung ra gói trừng phạt thứ 7 nhằm vào Nga, trong đó nhắm đến thị trường vàng của nước này. Guardian dẫn dự thảo trừng phạt cho hay, lệnh cấm sẽ "ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến hoạt động xuất nhập khẩu hoặc chuyển nhượng vàng của Nga, vốn là lĩnh vực xuất khẩu quan trọng nhất của Nga chỉ sau năng lượng". Hồi tháng 6, EU đã áp lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ Nga bằng đường biển, ngắt kết nối của một số ngân hàng lớn Nga với hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.
Phương Tây tin rằng các lệnh trừng phạt sẽ ảnh hưởng đến chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine. Tuy nhiên, Moscow nhiều lần khẳng định các biện pháp trừng phạt không thể cô lập Nga, không ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế của nước này. Ngược lại, Nga cho rằng, những biện pháp đó chỉ khiến phương Tây phải vật lộn với các vấn đề như lạm phát, thiếu hụt nhiên liệu.