1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Đức: Lệnh trừng phạt từ phương Tây sẽ làm Nga suy yếu năng lực quân sự

Đức Hoàng

(Dân trí) - Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho rằng Nga sẽ không thể duy trì năng lực quân sự do các lệnh trừng phạt cứng rắn của phương Tây.

Đức: Lệnh trừng phạt từ phương Tây sẽ làm Nga suy yếu năng lực quân sự - 1

Thủ tướng Đức Olaf Scholz (Ảnh: Reuters).

Trong chuyến thăm Vilnius, Lithuania hôm 7/6, Thủ tướng Scholz nhận định rằng: "Chúng tôi đã ban hành những lệnh trừng phạt có thể sẽ khiến nền kinh tế Nga thụt lùi vài thập niên. Điều đó có nghĩa là họ sẽ không thể tham gia vào nền kinh tế toàn cầu và các tiến bộ kỹ thuật".

"Chúng tôi nắm được từ một số báo cáo rằng, điều đó có nghĩa là Nga sẽ không thể duy trì năng lực quân sự ở mức tương đương (hiện tại)", ông Scholz nhận định.

Thủ tướng Đức cáo buộc rằng Nga trong quá khứ thường "lạm dụng" việc nhập khẩu hàng hóa dân sự để sử dụng các sản phẩm này cho mục đích quân sự.

Nhận định của Thủ tướng Đức đến trong bối cảnh truyền thông phương Tây dẫn lời các quan chức Ukraine nói rằng, trong các vũ khí Kiev tịch thu được của Nga, họ phát hiện ra hầu hết các thiết bị này đều chứa linh kiện do các công ty có trụ sở tại Mỹ hay châu Âu sản xuất, từ chip điện tử, bảng mạch, động cơ đến ăng ten.

Theo phía Ukraine, những vi mạch nghi có nguồn gốc từ nước ngoài bị phát hiện bên trong nhiều khí tài uy lực của Nga như xe chỉ huy phòng không Barnaul-T, hệ thống phòng thủ Pantsir, trực thăng tấn công Ka-52, tên lửa hành trình Kh-101…

Kể từ khi phương Tây công bố lệnh hạn chế xuất khẩu thiết bị bán dẫn, máy tính, laser, thiết bị viễn thông và các hàng hóa khác cho Nga từ hồi tháng 2, Nga bị cho là gặp không ít khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn cung chip cho các vũ khí dẫn đường chính xác, New York Times dẫn lời một quan chức cấp cao giấu tên của Mỹ cho hay.

Nga là một trong những nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, nhưng lại phụ thuộc lớn vào linh kiện nhập khẩu. Theo dữ liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, năm 2018, nguồn cung nội địa của Nga chỉ đáp ứng được khoảng một nửa nhu cầu, nửa còn lại dựa vào nhập khẩu, trong đó 1/3 nhập khẩu từ Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Australia và một số đối tác khác.

Nếu thông tin trên là sự thật, nó sẽ trở thành điểm yếu của vũ khí Nga. Giới chức Mỹ cho rằng, các lệnh trừng phạt đã bắt đầu phát huy hiệu quả. Các nhà máy chế tạo xe tăng của Nga buộc phải giảm giờ làm do tình trạng thiếu hụt linh kiện. Moscow được cho là đang ra sức tìm nguồn cung linh kiện cho vệ tinh, thiết bị điện tử hàng không hay kính nhìn đêm.

Ngày 11/5, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo nói với thượng viện Mỹ rằng, các lệnh trừng phạt của Washington nhằm cấm Nga mua vi mạch dường như đã buộc Moscow tìm ra cách khác để thích nghi.

"Chúng tôi nhận được báo cáo từ Ukraine rằng, khi họ phát hiện thiết bị quân sự của Nga ở chiến trường, các vũ khí này được lắp thiết bị bán dẫn lấy từ máy rửa bát và tủ lạnh", bà Raimondo nói.

Việc tùy biến và cải tiến các thiết bị có mục đích dân sự để đưa vào khí tài quân sự dường như sẽ làm khó Mỹ trong việc kiểm soát được đường đi của công nghệ. Mặt khác, nó cũng cho thấy các lệnh trừng phạt của phương Tây đang gây ảnh hưởng nhất định tới nền công nghiệp quốc phòng của Nga.

Theo Reuters
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine