Đức lần đầu đưa tàu chiến tới Biển Đông sau gần 20 năm
(Dân trí) - Một tàu hộ vệ của Đức sẽ tới châu Á vào tháng 8, trong đó có hành trình đi qua Biển Đông.
Các quan chức cấp cao của chính phủ Đức ngày 2/3 xác nhận một tàu hộ vệ của nước này sẽ khởi hành tới châu Á vào tháng 8 và đi qua Biển Đông trong hành trình trở về. Đây sẽ là tàu chiến đầu tiên của Đức đi qua Biển Đông kể từ năm 2002.
Tuy nhiên, các quan chức Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Đức cũng cho biết tàu hộ vệ nước này sẽ không đi vào khu vực thuộc phạm vi "12 hải lý" xung quanh các thực thể tranh chấp trên Biển Đông.
Theo báo Nikkei (Nhật Bản), tàu hộ vệ hải quân Đức sẽ xuất phát từ Đức vào đầu mùa hè và có thể tới thăm cảng Hàn Quốc và Australia. Đây là một phần trong trọng tâm mới mà Đức hướng tới tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Việc triển khai tàu chiến được xem là động thái hiếm thấy của Đức, quốc gia không có lãnh thổ hải ngoại ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương như Anh và Pháp.
Nội các Đức năm 2020 đã phê chuẩn Định hướng chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của pháp quyền và thúc đẩy các thị trường mở tại khu vực. Việc triển khai tàu chiến có thể là bước đầu tiên trong việc hiện thực hóa chiến lược này.
Thomas Silberhorn, Quốc vụ khanh Bộ Quốc phòng Đức, cho biết kế hoạch của Berlin "không nhằm vào bất cứ bên nào". Tuy nhiên, Nikkei cho rằng Đức dường như đang "để mắt" tới các hành động của Trung Quốc trong khu vực.
Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Đức được cho là phù hợp với những thay đổi chính sách tương tự ở Anh, Pháp và Hà Lan - những quốc gia châu Âu đang đẩy mạnh sự tham gia của họ vào khu vực địa chính trị quan trọng của thế giới.
Mỹ và các đồng minh đang có xu hướng tăng cường các hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông nhằm thách thức yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở vùng biển này. Động thái của các nước phương Tây diễn ra bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Bắc Kinh.
Từ sau khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức hồi cuối tháng 1, Mỹ đã đưa hàng loạt tàu chiến tới Biển Đông. Hải quân Mỹ hồi tháng 2 đã triển khai 2 nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và USS Nimitz cùng các tàu chiến tới Biển Đông để tham gia diễn tập. Ngày 17/2, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Russell của Mỹ đã thực hiện hoạt động đảm bảo tự do hàng hải ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Đầu tháng 2, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS John S. McCain của Mỹ đã áp sát quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Cũng tại Hoàng Sa, tàu thăm dò đại dương USNS Impeccable của Mỹ đã hoạt động xung quanh quần đảo này ngày 23/2.
Hải quân Pháp hồi tháng 2 bắt đầu các cuộc tuần tra và huấn luyện, đưa tàu đổ bộ tấn công Tonnerre và tàu hộ vệ Surcouf từ cảng quê nhà ở Toulon, phía nam Pháp, tới khu vực Thái Bình Dương. Nhóm tàu này sẽ đi qua Biển Đông 2 lần và tham gia cuộc tập trận quân sự chung với Mỹ và Nhật Bản vào tháng 5.
Cũng trong tháng 2, tàu ngầm tấn công hạt nhân Emeraude của Pháp đã kết thúc cuộc tuần tra tại Biển Đông. Trong khi đó, Anh cũng chuẩn bị triển khai hàng không mẫu hạm HMS Queen Elizabeth tới châu Á trong những tháng tới.
Tháng 9 năm ngoái, Pháp, Anh và Đức đã gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc để phản bác các yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.