Chiến thuật "tung" đặc nhiệm SEAL của Mỹ tại Biển Đông
(Dân trí) - Chiến thuật mới của quân đội Mỹ tại Biển Đông có thể sẽ hướng đến việc sử dụng lực lượng đặc nhiệm nhằm giúp các hạm đội đa quốc gia dẫn đường chính xác hơn cho tên lửa tầm xa.
Trong cuộc tập trận hồi đầu tháng 2, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower đã triển khai một số đội đặc nhiệm SEAL của Hải quân Mỹ cùng một đội thuyền để tạo thành các căn cứ tiền đồn, nhằm bổ sung thêm thông tin tình báo từ radar của nhóm tác chiến tàu sân bay.
Theo Chuẩn Đô đốc Scott Robertson, trong quá trình tập trận, nhiều tàu đã được triển khai để tiếp cận gần hơn với các mục tiêu đối phương, trong khi nhiều đơn vị khác hỗ trợ hỏa lực lẫn nhau.
Du Wenlong, nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc, nhận định lực lượng đặc nhiệm SEAL có thể được Mỹ sử dụng để thu thập thông tin tình báo nhằm hỗ trợ các cuộc không kích.
"Nếu lực lượng SEAL được triển khai tới một hòn đảo, bằng máy bay hoặc thuyền, và tiến hành các hoạt động trinh sát khác nhau để xác định vị trí các mục tiêu, thông tin mà lực lượng này thu thập được có thể giúp nhóm tác chiến tàu sân bay tấn công các mục tiêu hiệu quả hơn và tăng độ chính xác của các cuộc tấn công", chuyên gia Du nói với Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV).
Cuộc tập trận của nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ là sự kiện đáng chú ý vì đây là lần đầu tiên các quy trình và phương pháp liên lạc của NATO được sử dụng để huấn luyện thủy thủ đoàn của Mỹ. Động thái này nhằm cho phép các lực lượng Mỹ sẵn sàng phối hợp tác chiến với các đồng minh.
Theo USNI News, trang tin của Viện Hải quân Mỹ, cuộc tập trận nhằm thúc đẩy liên kết chặt chẽ hơn của Mỹ với các đồng minh quân sự, từ đó cho phép các lực lượng cùng tiến hành nhiều chiến dịch tại nhiều địa điểm khác nhau.
"Việc hợp nhất các hạm đội và tìm cách tăng cường khả năng tấn công của các hạm đội là những ưu tiên lớn hiện nay", Đại tá Don Wetherbee cho biết.
Cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc trên Biển Đông vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Chính quyền tân Tổng thống Joe Biden được cho là vẫn tiếp tục gây sức ép với Trung Quốc trong vấn đề này.
Tổng thống Biden đang nỗ lực thiết lập lại các liên minh quân sự của Mỹ nhằm đối phó Trung Quốc và ngày càng nhiều nước tham gia vào các chiến dịch tại Biển Đông. Tuần trước, Pháp đưa tàu tấn công đổ bộ Tonnerre và tàu hộ vệ Surcouf đi qua Biển Đông 2 lần. Đức và Anh cũng cho biết sẽ đưa lực lượng hải quân tới Biển Đông.
Timothy Heath, nhà phân tích quân sự cấp cao thuộc tổ chức nghiên cứu Rand Corporation, cho rằng mặc dù cuộc tập trận của Mỹ được "thiết kế" để đối phó với Nga nhiều hơn, song các chiến thuật trong cuộc tập trận này có thể được áp dụng cho nhiều kịch bản tác chiến trên biển khác nhau, bao gồm kịch bản đối phó với Trung Quốc.
Theo chuyên gia Heath, cuộc tập trận có thể cải thiện khả năng tấn công tên lửa của Mỹ bằng cách sử dụng lực lượng đặc nhiệm. Lực lượng này có thể được triển khai tới tiền đồn trước khi các tàu chiến xuất hiện, nhằm xác định và định vị các mục tiêu.
"Chiến thuật này cũng giúp tăng khả năng sống sót của các tàu chiến, vì các tàu này có thể phóng tên lửa từ khoảng cách xa hơn", chuyên gia Health nhận định.
Collin Koh, nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang Singapore, cho rằng sau nhiều năm hiện đại hóa, quân đội Trung Quốc đã bắt kịp, thậm chí vượt Mỹ trong một số lĩnh vực, và Mỹ đang có động thái đáp trả.
"Mối đe dọa tên lửa của quân đội Trung Quốc đối với Mỹ đóng một vai trò rất lớn trong nỗ lực điều chỉnh lực lượng của Hải quân Mỹ, bao gồm phòng thủ tên lửa", chuyên gia Koh nhận định.