Vì sao Pháp "để mắt" tới Biển Đông bất chấp cảnh báo của Trung Quốc?
(Dân trí) - Sự hiện diện của Pháp tại Biển Đông khiến Trung Quốc lo ngại, trong bối cảnh Mỹ cũng tăng cường các hoạt động ở khu vực này.
Hải quân Pháp hồi tháng 2 bắt đầu các cuộc tuần tra và huấn luyện, đưa tàu đổ bộ tấn công Tonnerre và tàu hộ vệ Surcouf từ cảng quê nhà ở Toulon, phía nam Pháp, tới khu vực Thái Bình Dương.
Nhóm tàu này sẽ đi qua Biển Đông 2 lần và tham gia cuộc tập trận quân sự chung với Mỹ và Nhật Bản vào tháng 5. Tuy nhiên, các tàu Pháp không có kế hoạch đi qua eo biển Đài Loan.
Vài ngày trước khi triển khai sứ mệnh tuần tra và huấn luyện, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly cho biết Emeraude, một trong số tàu ngầm tấn công hạt nhân của Pháp, đã kết thúc cuộc tuần tra tại Biển Đông. Cuộc tuần tra của tàu Emeraude được cho là nhằm phản đối yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông.
Bộ trưởng Parly tuyên bố cuộc tuần tra của các tàu chiến Pháp ở Biển Đông là "bằng chứng cho thấy Hải quân Pháp đủ năng lực hoạt động dài ngày ở những khu vực xa xôi, cùng các đối tác chiến lược Mỹ, Nhật Bản, Australia".
Tại diễn đàn an ninh liên chính phủ thường niên Shangri-La năm 2019, Bộ trưởng Parly cho biết Pháp sẽ tiếp tục đưa tàu qua Biển Đông ít nhất 2 lần mỗi năm. Bà cũng kêu gọi các quốc gia khác triển khai hành động tương tự nhằm đảm bảo Biển Đông luôn là khu vực mở.
Trong một động thái hiếm hoi vào năm 2019, Trung Quốc đã cáo buộc tàu Pháp xâm phạm trái phép vùng biển của Trung Quốc, sau khi tàu hộ vệ Vendemiaire đi qua eo biển Đài Loan. Tuy nhiên, chính phủ Pháp gọi đây là hoạt động bình thường mà Pháp từng thực hiện trước đó.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc cáo buộc Pháp đang góp phần vào "các ý đồ của Mỹ nhằm chống lại Trung Quốc", đồng thời lớn tiếng tuyên bố Pháp "không có chỗ" ở Biển Đông.
Trong khi đó, các tàu hải quân Pháp đã hoạt động ở Biển Đông trong suốt nhiều năm. Chiến dịch tuần tra kéo dài 3 tháng tại Biển Đông là hoạt động thường niên của Pháp kể từ năm 2015 và Pháp thường tập trận chung với các nước trong khu vực, trong đó có Australia và Malaysia.
Năm tới, các tàu của quân đội Pháp sẽ cùng các nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ tuần tra ở Biển Đông, sau khi Washington bày tỏ quan ngại về các động thái ngày càng quyết liệt của Trung Quốc trong khu vực, bao gồm bồi đắp các đảo và triển khai vũ khí.
Tại Diễn đàn Shangri-La, Pháp đã thông báo kế hoạch hợp tác với các cuộc tuần tra chung của Liên minh châu Âu tại Biển Đông nhằm thúc đẩy tự do hàng hải.
Theo các chuyên gia, Pháp sẽ đẩy mạnh lập trường phản đối các yêu sách phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông bằng cách gia tăng tần suất hoạt động trong khu vực, nhằm duy trì "sự hiện diện bình thường" để bảo vệ các lợi ích của Pháp ở đây.
Pháp có các vùng lãnh thổ, cũng như các vùng đặc quyền kinh tế xung quanh các vùng lãnh thổ này, tại Ấn Độ Dương và Nam Thái Bình Dương. Đây là những nơi đóng vai trò quan trọng đối với lợi ích của Pháp và thúc đẩy các liên kết an ninh chặt chẽ của Pháp với các nước trong khu vực.
Tương tự Mỹ, Pháp cũng khởi động phiên bản chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của nước này vào năm 2018.
Cùng với các nước châu Âu khác, Pháp cũng nhiều lần khẳng định tự do hàng hải phải được duy trì ở Biển Đông - tuyến đường quan trọng đối với thương mại toàn cầu.
Hồi tháng 2, một quan chức Pháp cho biết hành trình của tàu ngầm Pháp đi qua Biển Đông nhằm "khẳng định luật pháp quốc tế vẫn là quy tắc duy nhất có giá trị", và Pháp sẽ tăng cường quan hệ đối tác chiến lược với nhóm "Bộ Tứ" gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia.
Pháp cùng với Đức và Anh đã gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc để phản bác các yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.