1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Đức không còn thiết bị quân sự để hỗ trợ Ukraine?

Minh Phương

(Dân trí) - Đức hiện không còn thiết bị quân sự để cấp cho Ukraine ngoài những gì đã cam kết trước đó, báo Bild của Đức dẫn nguồn thạo tin cho hay.

Đức không còn thiết bị quân sự để hỗ trợ Ukraine? - 1

Xe tăng Leopard do Đức sản xuất (Ảnh: Getty).

Bild dẫn tài liệu nội bộ của Bộ Quốc phòng Đức cho biết, Đức sẽ không gửi vũ khí hạng nặng, bao gồm xe tăng, xe chiến đấu bộ binh, xe bọc thép và pháo tự hành, cho Ukraine nữa. Các đợt viện trợ thiết bị quân sự loại này của Berlin đã hoàn tất.

Ngoài ra, theo Bild, gói viện trợ quân sự trị giá 1,4 tỷ euro (1,53 tỷ USD) mà Thủ tướng Đức Olaf Scholz cam kết gần đây trên thực tế đề cập đến các cam kết đã đưa ra và thực hiện cho năm ngoái.

Đức là một trong những quốc gia viện trợ quân sự lớn cho Ukraine kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra hồi tháng 2/2022. Kể từ khi xung đột leo thang vào năm 2022, Đức đã cung cấp cho Ukraine viện trợ quân sự trị giá 5,2 tỷ euro (5,7 tỷ USD), bao gồm xe tăng Leopard và các thiết bị hạng nặng khác.

Vào tháng 8, truyền thông Đức đưa tin chính phủ sẽ dừng các chuyến hàng mới đến Kiev nhằm giảm chi tiêu. Cả Kiev và Berlin đều bác bỏ thông tin này.

Bất chấp các khoản viện trợ khổng lồ từ phương Tây, Ukraine vẫn bị Nga áp đảo cả về quân số và vũ khí.

Bộ Quốc phòng Đức cho rằng Ukraine khó tiến hành một cuộc tấn công phản công quy mô lớn để giành lại lãnh thổ trong tương lai gần.

Đến nay, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vẫn chưa thể thuyết phục phương Tây cho phép dùng vũ khí viện trợ tầm xa để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga, cũng như chưa nhận được cam kết NATO sẽ nhanh chóng kết nạp nước này.

Lần gần đây nhất Ukraine phát động một cuộc phản công toàn diện để giành lại lãnh thổ là vào đầu tháng 6/2023, tập trung vào mặt trận Zaporizhia ở miền Nam. Tuy nhiên, cuộc phản công bị cho là không mang lại kết quả như kỳ vọng và khiến Kiev tổn thất lớn.

Đầu tháng 8, Ukraine cũng mở chiến dịch tấn công vào vùng Kursk của Nga. Mặc dù ban đầu quân đội của họ đã đạt được một số tiến bộ nhưng đà tiến công nhanh chóng bị chững lại. Trong khi đó, Nga có điều kiện tiến nhanh hơn ở miền Đông Ukraine do phòng thủ của Ukraine bị kéo căng.

Theo RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine