1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Đức cảnh báo kịch bản xấu nhất sau bầu cử tổng thống Mỹ

Thành Đạt

(Dân trí) - Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cảnh báo các thành viên NATO ở châu Âu có thể gặp rắc rối lớn nếu tiếp tục ủng hộ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga sau bầu cử ở Mỹ năm 2024.

Đức cảnh báo kịch bản xấu nhất sau bầu cử tổng thống Mỹ - 1

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius (Ảnh: RT).

Trong cuộc phỏng vấn với báo Welt am Sonntag được đăng tải hôm 1/4, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius dự đoán, viện trợ của Mỹ cho Ukraine có thể sẽ bị cắt giảm bất kể kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm 2024 như thế nào.

Ông Pistorius tin rằng Mỹ sẽ phải quan tâm nhiều hơn đến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sau năm 2024, ngay cả khi một tổng thống "thân châu Âu" giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào năm tới. Bộ trưởng Quốc phòng Đức cảnh báo, một kịch bản "xấu nhất" có thể dẫn đến việc chấm dứt sự ủng hộ của phương Tây dành cho Ukraine.

"Nếu kịch bản xấu nhất xảy ra và một tổng thống Mỹ, người xa rời châu Âu và NATO, chuyển đến Nhà Trắng, chúng ta sẽ phải đối mặt với những thách thức không thể tưởng tượng được", ông Pistorius nói.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Đức, nếu kịch bản trên xảy ra, châu Âu sẽ phải "bù đắp" cho sự sụt giảm trong cam kết của Mỹ đối với việc bảo vệ NATO. Ông Pistorius cho rằng các vấn đề quốc phòng của Đức sẽ khó được giải quyết vào thời điểm đó.

Bộ trưởng Pistorius thừa nhận, các vấn đề về nguồn cung và tài trợ mà quân đội Đức đã phải đối mặt trong nhiều năm qua khó có thể được giải quyết trước năm 2030. Ông cũng cho biết kho dự trữ của quân đội Đức có hạn và từ chối cam kết cung cấp thêm xe tăng do Đức sản xuất cho Ukraine.

Bộ trưởng Pistorius không nói rõ ai sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm 2024, trường hợp mà ông gọi là "xấu nhất". Tuy nhiên, một số ứng cử viên tiềm năng của đảng Cộng hòa, bao gồm cựu Tổng thống Donald Trump, đã đặt ra nghi vấn về sự ủng hộ của Mỹ dành cho Ukraine. Điều này làm dấy lên lo ngại ở Kiev.

Vào tháng 3, cựu Tổng thống Trump nói rằng nếu ông tái đắc cử, Kiev có thể sẽ nhận được ít viện trợ hơn từ Mỹ. Một ứng cử viên tiềm năng khác, Thống đốc Florida Ron DeSantis, đã mô tả cuộc xung đột là một "tranh chấp lãnh thổ" và rằng việc tham gia tích cực hơn vào cuộc xung đột này không mang lại lợi ích cho Mỹ.

Vào cuối tháng 3, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng ông lo ngại về khả năng hỗ trợ của Mỹ giảm dần. Ông Zelensky cho biết, "nếu họ ngừng giúp đỡ chúng tôi, chúng tôi sẽ không thể giành chiến thắng".

Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, phương Tây đã rót viện trợ quân sự đáng kể cho chính quyền Kiev. Mỹ cho đến nay vẫn là nước viện trợ nhiều nhất. 

Nga đã nhiều lần chỉ trích việc Mỹ và các đồng minh chuyển giao vũ khí cho Ukraine, cho rằng những động thái này chỉ làm leo thang và kéo dài cuộc chiến. Theo Moscow, với việc phương Tây cung cấp vũ khí, chia sẻ thông tin tình báo và huấn luyện cho quân đội của Kiev, họ trên thực tế đã trở thành một bên của cuộc xung đột.

Theo RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine