1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Động thái "xuống thang" bất ngờ của Tổng thống Nga - Mỹ giữa lúc căng thẳng

Thành Đạt

(Dân trí) - Tổng thống Nga và Mỹ đã đồng ý về "nguyên tắc" sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh nhằm hạ nhiệt cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay.

Động thái xuống thang bất ngờ của Tổng thống Nga - Mỹ giữa lúc căng thẳng - 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Mỹ Joe Biden (Ảnh: Reuters).

Theo thông báo của Điện Elysee hôm 21/2, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron "đã đề xuất tổ chức hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Joe Biden và Tổng thống Vladimir Putin, sau đó là với các bên liên quan để thảo luận về an ninh và ổn định chiến lược ở châu Âu".

"Tổng thống Biden và Putin đều đồng ý về nguyên tắc sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh như vậy", thông báo cho biết thêm.

Tuy nhiên, Điện Elysee cho biết hội nghị "chỉ có thể được tổ chức với điều kiện Nga không tấn công Ukraine". Nội dung của hội nghị thượng đỉnh sẽ do Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken chuẩn bị trong cuộc gặp dự kiến diễn ra vào ngày 24/2.

Trong khi Điện Kremlin vẫn chưa đưa ra bình luận chính thức, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki xác nhận Tổng thống Biden "đồng ý về nguyên tắc một cuộc gặp với Tổng thống Putin sau cuộc gặp của 2 ngoại trưởng, nếu một cuộc tấn công không xảy ra".

Vào tối 20/2, Tổng thống Pháp đã thông báo ngắn gọn với người đồng cấp Mỹ về nội dung cuộc trao đổi của ông với Tổng thống Nga và Tổng thống Ukraine.

Trong cuộc gọi với Tổng thống Putin hôm 20/2, Tổng thống Macron đã đề nghị dàn xếp các cuộc hội đàm theo mô hình Normandy "trong vài giờ tới" để đảm bảo một lệnh ngừng bắn tại khu vực tranh chấp Donbass ở Đông Ukraine. Điện Kremlin xác nhận "2 nhà lãnh đạo nhất trí duy trì liên lạc ở nhiều cấp độ khác nhau", nhưng không cung cấp bất kỳ chi tiết nào về kế hoạch này.

Ông Macron cũng nói chuyện với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, người được cho là đã "xác nhận quyết tâm của ông về việc không phản ứng trước các hành động khiêu khích và tôn trọng lệnh ngừng bắn".

Căng thẳng giữa quân đội chính phủ và phe ly khai ở Đông Ukraine ngày càng leo thang. Lãnh đạo các thiết chế chính trị tự xưng tại Đông Ukraine thông báo sơ tán dân thường sang Nga do lo ngại quân đội chính phủ Ukraine mở đợt tấn công nhằm vào lực lượng ly khai.

Năm 2015, Bộ tứ Normandy, gồm Nga, Ukraine, Pháp và Đức đã ký Thỏa thuận Minsk nhằm chấm dứt chiến sự đẫm máu ở miền Đông Ukraine giữa quân đội Ukraine với lực lượng ly khai. Tuy nhiên, suốt 8 năm qua, thỏa thuận này vẫn không được thực hiện đầy đủ. Các bên vẫn vi phạm lệnh ngừng bắn.

Tổng thống Joe Biden hôm 18/2 cho biết ông tin rằng người đồng cấp Nga Vladimir Putin đã "đưa ra quyết định" tấn công Ukraine. Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken ngày 20/2 nhắc lại tuyên bố này. 

Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 20/2 đã yêu cầu các công dân Mỹ ở Nga chuẩn bị "kế hoạch sơ tán", cảnh báo về các cuộc tấn công vào khách sạn, ga tàu điện ngầm và các mục tiêu khác ở các thành phố lớn của Nga. Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ đã chuyển đại sứ quán từ Kiev đến Lviv, đồng thời kêu gọi công dân Mỹ ở Ukraine và nước láng giềng Belarus rời đi.

Moscow nhiều lần phủ nhận ý định tấn công Ukraine và nói rằng Mỹ cũng như các thành viên NATO khác đang làm leo thang căng thẳng an ninh trong khu vực. Đại sứ Nga tại Washington Anatoly Antonov đã nhắc lại quan điểm của Moscow trong một cuộc phỏng vấn với CBS hôm 20/2, khẳng định "không có cuộc tấn công nào" xảy ra.

Theo www.rt.com