Đối thoại Shangri-La 2016: Cần xem xét nghiêm túc vấn đề Biển Đông
Hoạt động xây đảo nhân tạo và ý đồ thiết lập ADIZ của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ là vấn đề nóng tại Đối thoại Shangri-La 2016.
Trước thềm Đối thoại Shangri-La lần thứ 15, giới quan sát đều có chung nhận định, tại đối thoại lần này, đề tài nóng vẫn sẽ chủ yếu xoay quanh hoạt động cải tạo đảo, đá, quân sự hóa cũng như các hành động đơn phương khác của Trung Quốc ở Biển Đông.
Có một điều mà ai cũng thấy rõ đó chính là việc Bắc Kinh một mặt sử dụng chiến thuật tạo “sự đã rồi” hòng hiện thực hóa các yêu sách chủ quyền phi lý của họ ở Biển Đông. Mặt khác, họ tiếp tục theo đuổi kế hoạch “chia để trị” trong vấn đề này.
Cụ thể trong những tuần gần đây Trung Quốc đang đẩy nhanh các nỗ lực nhằm “ve vãn” Malaysia và đặc biệt là Philippines – nước vừa có lãnh đạo mới.
Trung Quốc tăng cường lôi kéo Malaysia và Philippines
Vị trí của Malaysia đối với vấn đề Biển Đông được cho là khá phức tạp. Trong khi nhấn mạnh sự cần thiết phải tìm kiếm giải pháp phi quân sự và nêu cao tinh thần đoàn kết trong ASEAN để giải quyết vấn đề Biển Đông, Kuala Lumpur cũng đã có tiếng nói khá mạnh mẽ trong tuyên bố chủ quyền đối với những bãi cạn, rạn san hô tranh chấp ở Biển Đông.
Tuy vậy, có vẻ như Chính phủ Malaysia chỉ lên tiếng vì sức ép của dư luận hơn là có những động thái thực chất trong vấn đề này. Trong những tháng gần đây, các công ty Trung Quốc đã thực hiện hai thương vụ lớn, đó là thương vụ mua lại công ty Edra Global Energy – nhà sản xuất điện năng lớn thứ hai của Malaysia với giá 2,3 tỷ USD và thương vụ mua lại 60% cổ phần dự án bất động sản Bandar Malaysia của quỹ 1Malaysia Development Berhad(1MDB) với giá 1,7 tỷ USD.
Tuần trước, trong cuộc tiếp đặc phái viên của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình Meng Jianzhu, Thủ tướng Malaysia Najib Razak đã nhấn mạnh rằng, “các cuộc đối thoại mang tính xây dựng chung” giữa ASEAN và Trung Quốc sẽ đạt được một “giải pháp lâu dài cùng có lợi” cho vấn đề Biển Đông.
Đối với trường hợp của Philippines, nước này dưới thời Tổng thống Benigno Aquino luôn tỏ ra cứng rắn trong việc thúc đẩy tuyên bố chủ quyền của mình. Manila thậm chí đã đưa yêu sách đường 9 đoạn phi lý của Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague. Phán quyết cuối cùng về vụ kiện sẽ được đưa ra trong tháng 6 này.
Yêu sách đường lưỡi bò phi lý của Trung Quốc chiếm gần trọn diện tích Biển Đông.
Tuy nhiên, Tổng thống mới đắc cử của Philippines Rodrigo Duterte dường như không có ý định tiếp tục theo đuổi cách tiếp cận vấn đề Biển Đông giống như người tiền nhiệm. Ông Duterte tuyên bố rằng, Trung Quốc và Philippines “có thể tạm thời gạt những bất đồng sang một bên” nếu Trung Quốc chi tiền xây dựng một tuyến đường sắt chạy vòng quanh đảo Mindanao và một tuyến đường sắt khác giữa Manila và Bicol.
Ông này cũng bày tỏ sự ủng hộ các cuộc đàm phán song phương với Bắc Kinh liên quan đến vấn đề Scarborough và đây chính xác là những gì mà Trung Quốc mong muốn.
Nếu Trung Quốc thành công trong việc lấy lòng cả Malaysia và Chính phủ mới của Philippines, mọi nỗ lực của ASEAN để đưa ra tuyên bố chung trong thời điểm PCA ra phán quyết cuối cùng về vụ Philippines kiện Trung Quốc ở Biển Đông có thể sẽ thất bại.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Trung Quốc được tự do muốn làm gì thì làm ở Biển Đông.
Mỹ không dễ từ bỏ lợi ích chiến lược ở Biển Đông
Mỹ đã ba lần thực hiện quyền tự do đi lại ở Biển Đông. Trong lần thứ nhất thực hiện quyền đi lại tự do trên biển, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Lassen tiến vào khu vực 12 hải lý quanh Đá Xu Bi – bãi đá nửa chìm nửa nổi (hoàn toàn chìm dưới nước khi thủy triều lên) vì thế không có cơ sở thiết lập vùng lãnh hải 12 hải lý theo UNCLOS.
Lần thứ hai, tàu khu trục USS Curtis Wilbur của Mỹ thực hiện quyền tự do hàng hải gần đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa. Tàu chiến Mỹ khi đi qua thực thể này đã không có bất kỳ hành động quân sự nào, hoạt động của tàu chiến Mỹ được cho là thực hiện quyền đi qua vô hại trên biển và Trung Quốc không có cớ gì để vu vạ rằng Mỹ đang “có hành vi khiêu khích”.
Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS William P. Lawrence. (Ảnh: Hải quân Mỹ)
Trong hoạt động tuần tra lần thứ ba, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS William P. Lawrence tiến vào khu vực 12 hải lý gần Đá Chữ Thập, bãi đá nơi Trung Quốc ngang nhiên bồi đắp trái phép thành một hòn đảo nhân tạo lớn cùng một đường băng dài 3.000m trên đó và ra yêu sách đòi tàu thuyền, máy bay các nước khác phải xin phép hoặc thông báo trước khi tới gần.
Cả ba lần này, Trung Quốc đều có phản ứng rất gay gắt nhưng Mỹ tuyên bố sẽ tiếp tục làm như vậy vì đó là hành động luật pháp quốc tế cho phép.
Trung Quốc bất chấp tất cả theo đuổi tham vọng độc chiếm Biển Đông
Bill Hayton, tác giả cuốn sách Biển Đông: Cuộc chiến tranh giành quyền lực ở châu Á đưa ra nhận định rằng: “Trung Quốc sẽ thua, điều đó làm cho họ mất mặt và vì thế mà họ đang thay đổi những lý lẽ của mình”.
Ông Hayton cũng tính toán rằng, Trung Quốc đuối lý hơn với hơn một nửa trong tổng số 15 điểm mà Philippines đệ đơn kiện lên PCA và để cứu vãn tình hình, Bắc Kinh vẫn đang lôi kéo sự ủng hộ của quốc tế cho những tuyên bố chủ quyền thiếu căn cứ của họ.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long phát biểu tại Đối thoại Shangri-La năm 2015. (Ảnh: IISS)
Tuy nhiên, theo đánh giá của giới chuyên gia, ngay cả khi PCA ra phán quyết bất lợi thì Trung Quốc vẫn tiếp tục đẩy mạnh quân sự hóa ở Biển Đông và Bắc Kinh không vì thua kiện mà từ bỏ tham vọng kiểm soát tuyến đường biển quan trọng của thế giới.
Nhận định này không phải là không có cơ sở khi ngày 1/6, rộ lên thông tin cho rằng, Trung Quốc đang chuẩn bị một hành động đơn phương và phi pháp – thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông.
Trung Quốc dường như không e ngại trước việc cái gọi là vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) sẽ trở thành đề tài bị đem ra mổ xẻ tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 15 cũng như cảnh báo của phía Mỹ cho rằng, ADIZ này có thể gây mất ổn định trong khu vực.
Còn nhớ, phát biểu tại Đối thoại Shangri-La năm ngoái, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long từng có tuyên bố, bất kỳ giải pháp nào đối với vấn đề Biển Đông được xây dựng trên cơ sở luật pháp quốc tế là hợp pháp và bền vững. Nếu một nước nào đó chỉ coi “sức mạnh mang lại sự đúng đắn” thì điều đó sẽ tạo nên một tiền tệ xấu cho việc giải quyết các vấn đề khu vực.
Đây chắc chắn sẽ là điều mà các đại biểu tham gia Đối thoại Shangri-La lần thứ 15 cần phải suy nghĩ nghiêm túc hơn.
Theo Hùng Cường
VOV