1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Điện Kremlin: Nga vẫn để mở các kênh ngoại giao với Ukraine

Thành Đạt

(Dân trí) - Điện Kremlin đã nhận định về khả năng Nga cắt đứt quan hệ với Ukraine, sau khi Tổng thống Vladimir Putin công nhận độc lập của 2 vùng lãnh thổ ly khai.

Điện Kremlin: Nga vẫn để mở các kênh ngoại giao với Ukraine - 1

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (phải) và Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: Getty).

"Đương nhiên, việc cắt đứt quan hệ ngoại giao sẽ là kịch bản không được hoan nghênh, điều này sẽ chỉ khiến mọi thứ trở nên khó khăn hơn không chỉ đối với các quốc gia mà còn đối với người dân của họ", hãng tin Tass (Nga) dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên hôm 22/2.

Theo ông Peskov, việc cắt đứt quan hệ ngoại giao giữa Nga và Ukraine sẽ gây ra "thêm nhiều khó khăn và nhiều vấn đề trong việc sắp xếp mối quan hệ" của hai nước.

"Không sớm thì muộn mối quan hệ cũng cần được bình thường hóa", ông Peskov nhấn mạnh. Khi được hỏi liệu kịch bản này có xảy ra hay không, ông Peskov trả lời: "Không có gì là không thể".

Người phát ngôn Điện Kremlin cho biết Nga vẫn để mở tất cả kênh liên lạc ngoại giao với Ukraine và việc Kiev cắt đứt quan hệ với Moscow chỉ làm nghiêm trọng thêm tình hình vốn đã căng thẳng.

"Phía Nga vẫn để mở tất cả các cấp độ liên lạc ngoại giao. Mọi thứ phụ thuộc vào đối phương của chúng tôi", ông Peskov nói thêm.

Ông Peskov cho biết hiện ông không thể xác nhận liệu các lực lượng Nga đã tiến vào khu vực ly khai tại Đông Ukraine sau sắc lệnh của Tổng thống Vladimir Putin chưa. Ông Peskov cho biết quyết định điều động lực lượng sẽ phụ thuộc vào tình hình tiến triển trên thực tế.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 22/2 cho biết ông đã nhận được yêu cầu từ Bộ Ngoại giao về việc xem xét khả năng cắt đứt quan hệ giữa Ukraine và Nga. Tổng thống Zelensky tuyên bố ông đang xem xét yêu cầu từ Bộ Ngoại giao Ukraine.

Ông Zelensky cũng kêu gọi các đồng minh của Ukraine không đợi căng thẳng leo thang thêm, thay vào đó cần áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga. Tổng thống Ukraine bác bỏ khả năng xung đột quy mô lớn với Nga, nhưng cho biết ông sẵn sàng đưa ra thiết quân luật nếu kịch bản này xảy ra.

Sau khi ký sắc lệnh công nhận "độc lập và chủ quyền" của Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng và Cộng hòa Nhân dân Lugansk tự xưng (DPR và LPR) tại Đông Ukraine hôm 21/2, Tổng thống Vladimir Putin đã chỉ đạo Bộ Quốc phòng Nga đưa lực lượng gìn giữ hòa bình vào Đông Ukraine, đồng thời yêu cầu Bộ Ngoại giao Nga thiết lập quan hệ ngoại giao với các quốc gia vừa được công nhận.

Khu vực Donbass, gồm Donetsk và Lugansk, trở thành điểm nóng giao tranh từ năm 2014 giữa quân đội Ukraine và lực lượng ly khai. Giới chức Ukraine cho biết, kể từ khi các cuộc giao tranh nổ ra giữa quân đội Ukraine và lực lượng ly khai, đến nay đã có khoảng 15.000 người thiệt mạng.

Bộ Ngoại giao Nga ngày 22/2 thông báo sẽ rút nhân viên ngoại giao khỏi Ukraine trong "tương lai gần", cáo buộc Kiev không tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế về việc đảm bảo an toàn cho các nhà ngoại giao Nga.

"Đại sứ quán Nga ở Kiev và Tổng lãnh sự quán Nga ở Odessa, Lvov và Kharkov liên tục bị tấn công. Các nhà ngoại giao Nga cũng trở thành mục tiêu của các hành động gây hấn. Họ nhận được những lời đe dọa bạo lực. Xe của họ đã bị đốt cháy", thông báo của Bộ Ngoại giao Nga cho biết.

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine