1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Delta có phải là siêu biến chủng SARS-CoV-2 cuối cùng?

Đức Hoàng

(Dân trí) - Trong bối cảnh trên 99% số ca bệnh toàn cầu được giải trình tự gen đều là Delta, giới khoa học đặt ra câu hỏi rằng, liệu sau Delta, thế giới có siêu biến chủng nào có thể áp đảo nó hay không?

Delta có phải là siêu biến chủng SARS-CoV-2 cuối cùng? - 1

Biến chủng Delta hiện trở nên áp đảo trên toàn cầu (Ảnh minh họa: Reuters).

Mỗi cuối tuần, một nhóm các nhà dịch tễ học trên khắp đông bắc nước Mỹ tham gia một hội thảo trực tuyến để thỏa luận về những manh mối liên quan tới biến chủng SARS-CoV-2 mới trên toàn cầu.

"Nó giống như dự báo thời tiết. Nó từng như vậy. Chúng ta có biến chủng Gamma ở đây, Alpha ở kia. Nhưng giờ đây chỉ toàn là Delta", nhà khoa học William Hanage của trường y tế công cộng Harvard TH Chan cho biết.

Kể từ lần đầu tiên bị phát hiện ở Ấn Độ vào tháng 12/2020, biến chủng Delta đã trở nên phổ biến tới mức theo một báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, 99,5% các ca Covid-19 được giải trình tự gen hiện tại đều cho ra kết quả là Delta.

Trong khi các chủng mới vẫn đang tiếp tục xuất hiện, ví dụ như AY.4.2 hoặc có tên gọi khác là Delta Plus ở Anh, nhưng nó vẫn chỉ được xem là một chủng phụ của Delta.

Trước diễn biến hiện tại, các nhà khoa học vẫn tiếp tục sàng lọc các dữ liệu mỗi tuần nhằm cố gắng dự đoán kịch bản tiếp theo. Liệu Delta có phải là siêu biến chủng cuối cùng hay còn có nguy cơ một chủng khác sẽ ra đời và áp đảo nó?

Một khả năng được các nhà khoa học đưa ra là, sau cú "nhảy vọt" ban đầu trong trình tự di truyền khi hàng loạt biến chủng ra đời, SARS-CoV-2 có thể sẽ dần đột biến từ từ và ổn định. Tuy nhiên, vẫn có khả năng, nó sẽ biến đổi theo hướng "vượt mặt" các vaccine hiện tại, dù kịch bản này được cho là phải mất vài năm mới có thể diễn ra.

Một kịch bản khác được đưa ra bàn bạc tới là sự xuất hiện bất ngờ của một chủng hoàn toàn mới, với khả năng lây lan, độc lực và khả năng né miễn dịch được xem có thể "thay đổi cuộc chơi".

Ravi Gupta, giáo sư tại đại học Cambridge (Anh), gọi các chủng này là siêu biến chủng và ông cho rằng có 80% khả năng nó có thể xuất hiện. Câu hỏi đặt ra là bao giờ.

"Chúng ta có đại dịch liên quan tới Delta vào thời điểm hiện tại. Chủng Delta Plus mới tương đối phức tạp so với loại mà tôi đang nói tới. Dù nó có hai đột biến từ chủng Delta, nhưng tôi không nghĩ chúng đáng lo ngại và nó đã không phát triển mạnh ở các quốc gia khác. Mặc dù vậy, không thể tránh khỏi kịch bản rằng sẽ có một biến thể nghiêm trọng khác trong 2 năm tới và nó sẽ cạnh tranh với Delta và nó có thể vượt xa Delta", ông Gupta dự đoán.

Siêu biến chủng mới có thể xuất hiện theo cách nào?

Vào cuối năm 2020, các nhà dịch tễ học bắt đầu quan sát các dấu hiệu của một hiện tượng đáng lo ngại được gọi tên là tái tổ hợp virus, trong đó các phiên bản khác nhau của Sars-CoV-2 trao đổi các đột biến và kết hợp với nhau để tạo thành một chủng hoàn toàn mới.

Ông Gupta nói rằng, những sự tái tổ hợp này không diễn ra thường xuyên nhưng nó vẫn được xem có thể là nguồn sản sinh ra một siêu biến chủng mới ở những khu vực trên thế giới mà một phần đáng kể dân số chưa được tiêm chủng và các biến chủng vẫn lây lan dễ dàng.

"Giờ đây Delta đang trở thành chủng chủ chốt và kịch bản này trở nên ít xảy ra hơn. Tuy nhiên, tại nhiều khu vực trên thế giới, chúng ta chưa phân tích đủ dữ liệu và không biết điều gì đang xảy ra. Vì vậy, nó vẫn được xem là một khả năng", ông Gupta cho biết.

Kịch bản thứ 2 được đưa ra là virus SARS-CoV-2 có thể phát sinh một chuỗi các đột biến nghiêm trọng, dẫn tới một phiên bản mạnh mẽ hơn của Delta hoặc một phiên bản khác.

"Trong khi các biến chủng khác là phiên bản của Delta, virus có tiềm năng lớn biến đổi trong tương lai. Nhiều đột biến phức tạp hơn có thể xuất hiện, với những đột biến đồng thời ở nhiều vị trí và điều này có thể gây ra vấn đề", Gideon Schreiber, giáo sư tại Viện khoa học Weizmann, Israel nhận định.

Trong khi đó, chuyên gia Gupta chỉ ra một vấn đề nghiêm trọng hơn có thể xảy ra tại những khu vực có tỷ lệ lây nhiễm mầm bệnh cao. "Càng nhiều ca nhiễm mỗi ngày, càng có cơ hội xuất hiện một bệnh nhân X, người bị nhiễm mầm bệnh và cơ thể người đó không đủ kháng thể để chống lại virus. Cuối cùng, người đó có thể bị nhiễm virus trong nhiều ngày; người đó có thể có một số kháng thể hoạt động vì đã tiêm chủng một mũi. Nhưng vẫn xảy ra khả năng, virus học được cách vượt qua nó và tràn ra ngoài", chuyên gia trên cảnh báo.

Đầu năm nay, ông Gupta đã công bố một nghiên cứu cho thấy, quá trình trên có thể xảy ra ở những người mắc bệnh nặng đã được sử dụng huyết tương chứa kháng thể diệt virus. Vì hệ miễn dịch của họ vẫn không thể loại bỏ virus hoàn toàn, nó đã học cách đột biến dựa trên kháng thể đó.

Sự xuất hiện của Delta bản chất là sự chọn lọc tự nhiên. Hàng loạt biến chủng được tạo ra trong thời gian qua, nhưng biến chủng trụ lại được và trở nên phổ biến là chủng có khả năng lây lan cho nhiều người hơn. Mặc dù vậy, hiện tại, virus vẫn đang tấn công phần lớn nhóm người chưa tiêm chủng, mặc dù kịch bản này có thể thay đổi trong thời gian tới.

Tuy nhiên, đây không hẳn là một tin tức tiêu cực. Vaccine Covid-19 được điều chế với mục đích đón đầu sự tiến hóa của virus, nên các nhà dịch tễ học cho rằng, khó có khả năng xuất hiện một siêu biến chủng có thể khiến vaccine hoàn toàn vô dụng. Vì vậy, dù vẫn có khả năng xảy ra các đợt bùng dịch ở nhóm đã tiêm chủng, nhưng quy mô của nó có thể sẽ không nghiêm trọng như những gì diễn ra gần 2 năm qua.

Ngoài ra, giới khoa học bắt đầu sản xuất vaccine Covid-19 thế hệ thứ 2, được điều chế để chống lại một cách hiệu quả hơn các chủng virus trong tương lai. Các nhà sản xuất đang giải trình tự gen mọi biến chủng SARS-CoV-2 hiện có để tạo ra kháng thể trung hòa có thể phản ứng với các biến chủng tốt hơn.  

Các nhà dịch tễ học tin rằng, con người không thể chỉ dựa vào vaccine để vượt qua đại dịch. Ông Gupta cho rằng, chính quyền các khu vực vẫn nên áp dụng một số lệnh hạn chế để virus không lây lan mạnh hơn và giảm cơ hội làm virus tiếp tục đột biến.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm