Delta Plus lan ra 42 nước, châu Âu vật lộn với làn sóng Covid-19 mới
(Dân trí) - WHO đang theo dõi chặt chẽ Delta Plus, một biến thể phụ của chủng Delta hay còn gọi là AY.4.2 giữa lo ngại sự xuất hiện của các biến chủng mới có thể kéo theo làn sóng dịch bệnh mới.
Delta Plus lan ra ít nhất 42 nước
AFP dẫn báo cáo tuần của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, Delta Plus đã được phát hiện ở ít nhất 42 quốc gia. WHO đang theo dõi chặt chẽ để xác định liệu biến thể này có dễ lây lan hơn và dễ né miễn dịch hơn so với chủng gốc của virus SARS-CoV-2 hay không.
"Các mẫu giải trình tự gen nhiễm biến thể AY.4.2 bắt đầu tăng từ tháng 7. Các nghiên cứu dịch tễ học và trong phòng thí nghiệm vẫn đang được tiến hành để xác định liệu có sự thay đổi về khả năng lây truyền hay làm giảm kháng thể ở người hay không", báo cáo của WHO cho biết.
Biến thể AY.4.2 được phát hiện lần đầu tại Anh. Đến nay, Anh vẫn là nước chiếm phần lớn số ca nhiễm AY.4.2, khoảng 93% tổng số ca nhiễm AY.4.2 trên thế giới. Tuy nhiên, AY.4.2 hiện chỉ chiếm khoảng 6% tổng số ca nhiễm chủng Delta ở nước này.
So với chủng Delta gốc, AY.4.2 hay Delta Plus có thêm 3 đột biến. Theo Viện Di truyền tại Đại học London (College London), biến thể phụ AY.4.2 có khả năng lây lan cao hơn 10% đến 15% so với biến chủng Delta và lây truyền dễ dàng hơn so với Ebola, SARS, MERS và bệnh cúm Tây Ban Nha năm 1918.
Bộ Y tế Israel ngày 25/10 dẫn kết quả điều tra ban đầu cũng chỉ ra, AY.4.2 có khả năng lây lan cao hơn 15% so với Delta, nhưng không kháng vaccine và độc lực cũng không cao hơn của Delta.
Cơ quan y tế Anh đã xếp biến thể phụ này của Delta vào nhóm "biến thể cần điều tra" nhưng cho rằng chưa có bằng chứng để khẳng định nó dễ lây lan hơn hoặc có độc lực cao hơn.
Châu Âu đối mặt làn sóng mới
Báo cáo của WHO cho biết, châu Âu là khu vực duy nhất trên thế giới ghi nhận số ca nhiễm và tử vong do Covid-19 gia tăng trong tuần qua, đánh dấu tuần tăng thứ 4 liên tiếp. Trong tuần qua, châu Âu ghi nhận 1,6 triệu ca nhiễm, hơn 21.000 ca tử vong. Con số này lần lượt tăng 18% và 14% so với tuần trước đó.
Trong tuần qua, Mỹ là nước ghi nhận nhiều ca nhiễm mới nhất, với gần 513.000 ca và hơn 11.600 ca tử vong. Số ca mắc mới ở Anh cao thứ hai thế giới với hơn 330.000 ca. Tuần qua, Nga cũng ghi nhận gần 250.000 ca mắc mới.
Giới chức WHO đã chỉ ra một số yếu tố khiến dịch lây lan mạnh ở châu Âu, trong đó có tỷ lệ tiêm chủng tương đối thấp ở một số nước Đông Âu. Châu Âu là một trong những khu vực triển khai nhanh chóng chương trình tiêm chủng, song mức độ phân phối vaccine có sự chênh lệch. Số ca nhiễm có xu hướng gia tăng khi nhiều nước đã bắt đầu dỡ bỏ các lệnh hạn chế để mở cửa kinh tế.
Giới chuyên gia nhấn mạnh, vaccine là vũ khí cần thiết để giảm nguy cơ bệnh nặng và tử vong do Covid-19, nhưng các nước vẫn cần thận trọng khi mở cửa. WHO cho biết, đến nay, 47% dân số thế giới đã được tiêm chủng ít nhất một mũi vaccine Covid-19.