1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Đấu pháo nghẹt thở giữa Nga và Ukraine trên mặt trận Zaporizhia

Ngọc Huy

(Dân trí) - Bắt đầu tổ chức phản công từ đầu tháng 6, Ukraine đã tập trung phần lớn lực lượng tổ chức tấn công mạnh mẽ ở hướng Orekhov cũng như mấu lồi Vremesky và chưa có dấu hiệu sớm dừng lại.

Đấu pháo nghẹt thở giữa Nga và Ukraine trên mặt trận Zaporizhia - 1

Pháo phản lực Nga khai hỏa vào các mục tiêu của Ukraine (Ảnh: TASS).

Bên cạnh các công sự kiên cố, bãi mìn dầy đặc và không quân chiến thuật thì pháo binh của Quân đội Nga là lực lượng chủ công đặc biệt quan trọng để ngăn chặn bước tiến của phía Ukraine.

Các phóng viên chiến trường theo sát những đơn vị pháo binh Nga để có cơ hội chứng kiến những trận đấu pháo, cơ động vị trí, tập trung hỏa lực để ngăn cản các đợt phản công của Ukraine. Họ được trải nghiệm thực tế chiến trường gấp gáp, nguy hiểm đến nghẹt thở của chiến trường hiện đại.

"Đấu súng kiểu Mexico"

"Ba trăm ba mươi ba", đó là khẩu lệnh dứt khoát của sĩ quan chỉ huy hỏa lực pháo binh Nga nhằm vào một mũi phản công của Ukraine ở đâu đó trên cánh đồng Zaporizhia. Sau đó là những tiếng rít chói tai của các đạn rocket từ xe phóng pháo phản lực BM-21 Grad.

Trinh sát pháo binh tại tiền tuyến vẫn theo sát trận địa cho tới khi tiếng hô "trúng rồi" trả lời trên điện đàm chỉ huy.

Cùng với đó, tại hầm chỉ huy, hình ảnh mặt trận được các UAV trinh sát quay lại về một nhóm phản công cấp trung đội của Ukraine đã bị trúng pháo thiệt hại, buộc phải rút về điểm xuất phát.

Ngay sau khi khai hỏa, toàn bộ khẩu đội BM-21 Grad nhanh chóng làm công tác thu hồi để cơ động nhanh nhất có thể. Điều này là bình thường ở chiến trường Ukraine, phía đối diện có thể đã có tọa độ sau loạt bắn nói trên và sẵn sàng để phản pháo.

"Cách đây vài hôm, khi chúng tôi còn đang thu hồi trận địa thì một quả đạn rơi cách xe phóng 20m. Loại đạn sử dụng là đạn chùm, khẩu đội đã phải rất khó khăn mới thoát được", chỉ huy pháo binh Nga có biệt danh Tokyo chia sẻ.

"Chúng tôi như những chú cao bồi ở miền Tây hoang dã, có thể chết bất cứ lúc nào trong các trận đấu súng tay đôi", vị sĩ quan trên nói.

Đơn vị của sĩ quan Tokyo đã tham gia nhiều trận chiến từ khi Nga phát động Chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine từ ngoại vi Kiev, Kherson, cho tới hiện tại là Zaporizhia - Nam Donetsk.

Kể từ khi tham chiến ở mặt trận này, đơn vị pháo binh Nga chưa bao giờ có giây phút thư thả. Các trận chiến diễn ra liên tục, đặc biệt là những trận đấu pháo và phản pháo. Sĩ quan Tokyo nhấn mạnh, mục tiêu ưu tiên không phải là bộ binh, thiết giáp ở tiền tuyến, mà chính là các khẩu đội pháo binh Ukraine ở hậu tuyến.

"Trong bất kỳ trận chiến nào, chúng tôi luôn chuẩn bị 1/3 lực lượng sẵn sàng để phản pháo", sĩ quan pháo binh Nga bật mí.

Điều quan trọng nhất trong cuộc chiến phản pháo chính là tốc độ. Người chiến thắng chính là bên phát hiện ra mục tiêu trước và tính toán tọa độ nhanh hơn. Công tác này được thực hiện với sự hỗ trợ của UAV, radar phản pháo cũng như hệ thống tính toán tọa độ bằng tín hiệu âm thanh.

"Về cơ bản là chúng tôi nhìn thấy họ, thì họ cũng nhìn thấy chúng tôi. Cuộc chiến đơn giản như một bài kiểm tra toán trong lớp học", sĩ quan Tokyo nói, nhấn mạnh vai trò của tác chiến điện tử trên chiến trường để chống lại các UAV trinh sát của đối phương.

Sự đe dọa của loại hình trinh sát mới này khiến các khẩu đội pháo binh luôn trong tình trạng căng thẳng khi không thể biết họ có đang bị đối phương nhắm đến hay không.

Sĩ quan Tokyo chia sẻ thêm, pháo phản lực là hỏa lực hủy diệt diện rộng, tính theo ô vuông với khả năng bắn nhanh, rút gọn. Nó có thể bắn hết toàn bộ số đạn trong vài chục giây hoặc chậm lắm là vài phút, sau đó cơ động tránh né rồi tìm một vị trí mới tiếp tục khai hỏa.

"Chúng tôi thường bắn 2 đạn rocket trước để hiệu chỉnh đạn đạo, sau đó là 20 đạn bắn vào mục tiêu. Mọi người thao tác rất chuyên nghiệp", anh cho biết.

Với sự tiến bộ của công nghệ, pháo binh Nga đã có nhiều chủng loại đạn pháo tùy vào nhiệm vụ tác chiến, cùng với đó tầm bắn của đạn cũng đã được cải thiện giúp các khẩu đội có thể bắn chính xác từ khoảng cách 20km để hạn chế nguy cơ bị phản pháo.

Ngoài ra, mọi tham số bắn đều được tính toán bằng ứng dụng trên điện thoại thông minh nên kế toán pháo binh có thể xử lý rất nhanh và chính xác. 

"Chiến tranh hiện đại thực sự của cuộc đối đầu công nghệ", anh cho biết thêm.

Sĩ quan Tokyo cũng chia sẻ một kinh nghiệm tác chiến tích lũy được tại chiến trường Kherson chính là hiệu chỉnh trước tọa độ bắn. Khi mục tiêu vào tầm ngắm, khẩu đội sẽ đưa xe phóng vào tuyến bắn, nhanh chóng xả đạn rồi cơ động. Điều này đã giúp đơn vị bảo toàn lực lượng trong môi trường tác chiến khốc liệt, đầy nguy hiểm ở Ukraine.

Đấu pháo nghẹt thở giữa Nga và Ukraine trên mặt trận Zaporizhia - 2

Xe tăng Leopard 2 và thiết giáp của Ukraine bị phá hủy trong ảnh công bố ngày 25/6 (Ảnh: RusVesna).

Chiến trường phản công ác liệt

Cuộc chiến thực sự nóng lên vào đầu tháng 7, khi Ukraine bắt đầu giai đoạn chính của cuộc phản công. Do chiến đấu cường độ cao, đơn vị của sĩ quan Tokyo luôn phải duy trì trực chiến đấu, hầu như không được luân chuyển.

Anh cũng đánh giá cao khả năng hoạt động của pháo binh Ukraine khi vẫn duy trì được áp lực lên tiền tuyến dù Quân đội Nga có ưu thế áp đảo về pháo binh, không quân và áp chế điện tử. Dù các đòn phản pháo của Ukraine không mấy hiệu quả khi họ thường hướng vào các trận địa giả.

"Để đối phó với pháo binh Ukraine, nhiều lúc chúng tôi không còn thời gian để ăn. Các mục tiêu liên tục bị phát hiện, cần bị phản pháo. Quá nhiều hoạt động cùng lúc buộc chúng tôi cần phải làm tốt công việc của mình", sĩ quan Tokyo tâm sự.

Đánh giá cao về pháo binh Ukraine, sĩ quan pháo binh Nga cho rằng, họ luôn biết học từ thất bại và chấp nhận thương vong để tiến lên. Ngoài ra, Ukraine cũng nhận được nguồn viện trợ đạn pháo dồi dào từ Mỹ - phương Tây.

Vũ khí chuẩn NATO cho phép họ tác chiến ở khoảng cách xa hơn, chính xác hơn với các loại đạn pháo dẫn đường như Excalibur. "Vũ khí chính xác có vai trò rất quan trọng. Chúng tôi vừa mất một khẩu đội với chỉ một phát đạn pháo. Chúng tôi cũng có đạn pháo chính xác Krasnopol, nhưng chúng không có nhiều ở tiền tuyến", sĩ quan pháo binh Nga nói.

Theo lời sĩ quan Tokyo, để đối phó với các loại vũ khí chính xác trên của NATO, ngay khi nhận ra sự có mặt của chúng tại mặt trận, thông tin sẽ được thu thập để chuyển cho đơn vị UAV Lancet tấn công.

Pháo thủ Nga có biệt danh Afghanistan cho biết, các đơn vị UAV Lancet với hệ thống cảm biến cực nhạy phù hợp để truy tìm các mục tiêu có giá trị trên chiến trường.

Đánh giá chung về tình hình chiến trường, đặc biệt là tại Robotine, sĩ quan, pháo thủ Nga đều cho rằng, Ukraine có thể đột phá thêm được nữa. Các trận địa hỏa lực của Nga ở tuyến phòng thủ thứ nhất sẽ dầy đặc và hiệu quả hơn nhiều ở ngoài vùng xám.

Đấu pháo nghẹt thở giữa Nga và Ukraine trên mặt trận Zaporizhia - 3

Binh sĩ Ukraine khai hỏa pháo tự hành Caesar do Pháp cung cấp hôm 20/12/2022 ở miền Đông. (Ảnh: AFP).

"Nhập ngũ vì trách nhiệm"

Là binh sĩ được tổng động viên từ vùng Buryatia, lái xe quân sự Maxim cùng nhiều người bạn của anh đang tham chiến ở Zaporizhia. Sau thời gian dài hoạt động ở mặt trận, anh cơ bản đã quen với các cung đường ở mặt trận nên hầu như lái xe không cần hệ thống dẫn đường.

Chia sẻ về lý do nhập ngũ tự nguyện, anh Maxim cho biết, công việc trước khi nhập ngũ đủ cho cả gia đình một cuộc sống ổn định, nhưng anh đã quyết định nhập ngũ: "Nhiều người nói rằng sẽ đi lính vì tiền. Vâng, đối với tôi, mức lương 190.000 rúp từ Bộ Quốc phòng chỉ tương đương 1 xu. Tôi nhập ngũ không phải vì tiền, mà vì trách nhiệm".

Tuy nhiên, cuộc nói chuyện không kéo dài được lâu, chiếc xe tải Ural của Maxim đã đầy hàng cần phải lên đường ra tiền tuyến ngay.

Tại mặt trận Zaporizhia, công việc của những đơn vị pháo tự hành là vất vả, nguy hiểm nhất, khi họ phải áp sát tiền tuyến và là hỏa lực chính đánh chặn các đợt phản công của Ukraine.

Họ đều hiểu rằng, cuộc chiến tại Ukraine sẽ ác liệt cho tới khi mùa thu tới vì các phương tiện chiến đấu phương Tây viện trợ không phù hợp với nền đất đen lầy lội ở đây.

Dù có sự chuẩn bị trước, cuộc chiến thực sự rất khó khăn. Một sĩ quan pháo binh Nga có biệt danh Cloud nói: "Trong mỗi ca trực, trên mỗi pháo tự hành có 46 quả đạn, nhưng chúng tôi bắn liên tục, gần như không có thời gian nạp đạn lại. Các tổ UAV trinh sát thậm chí không có thời gian thay pin thiết bị và chúng liên tục được treo trên không để chỉ thị mục tiêu".

Khó khăn chính trong việc đẩy lùi một cuộc phản công, theo lời của Cloud là tầm bắn của các hệ thống pháo binh NATO: "Chúng tôi phải tiến lại gần và liên tục cơ động. Ukraine được chuẩn bị tốt để chiến đấu phản pháo. Đó là lý do tại sao chúng tôi không ở nguyên một vị trí quá năm phút vì sẽ có đạn pháo rơi vào chỗ đó".

Sĩ quan Cloud cho rằng, cuộc chiến tại Ukraine chủ yếu là cuộc chiến bằng pháo binh. Tổn thất chính của cả hai phía là do pháo binh và hỏa lực tầm xa gây ra.

 "Tôi không muốn coi thường vai trò của bộ binh hay các quân, binh chủng khác trong quân đội, nhưng thực tế là pháo binh gây thiệt hại chính cho đối phương. Chiến thắng là sự đóng góp của tất cả các lực lượng tham chiến", sĩ quan này nói.

Theo Izvestia, Lenta, topwar
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine