Đặc nhiệm Ukraine tấn công binh lính Nga ở nước ngoài, ai "hưởng lợi"?
(Dân trí) - Lực lượng đặc nhiệm Ukraine được cho là đang dùng vũ khí trang bị của Đức thực hiện tấn công quân đội Nga trên khắp thế giới. Tuy nhiên, Pháp có thể là bên được "hưởng lợi" từ động thái này.
Đức tích cực viện trợ cho Kiev
Hiện nay, hầu hết xuất khẩu vũ khí của Đức, chiếm tới 2/3, được cung cấp cho Ukraine với tần suất giao hàng gần như mỗi tuần một lần. Berlin hỗ trợ trong nhiều lĩnh vực, từ vũ khí tấn công, đến các khí tài bảo đảm, vật chất quân nhu và hơn thế nữa.
Đức cũng đang trải qua đợt tái vũ trang lớn nhất kể từ sau Thế chiến thứ hai. Số lượng đạn pháo 155mm với hai siêu đơn đặt hàng đã đạt 3,5 triệu quả. Đây chỉ có thể được coi là một mô hình thu nhỏ trong quá trình hiện đại hóa và tăng cường sức mạnh của quân đội nước này.
Động thái trên của Berlin được đánh giá như dấu hiệu cho thấy những thay đổi địa chính trị trong tương lai ở châu Âu. Nếu không có cuộc xung đột Ukraine, thì việc Đức tái vũ trang với quy mô như vậy, dường như có thể sẽ khơi dậy sự chú ý ở các nước châu Âu.
Bức ảnh chụp tập thể của lực lượng đặc nhiệm Ukraine cho thấy, tất cả các thành viên đều được trang bị súng trường tấn công MK556 do Công ty CG Henel của Đức sản xuất. Đây là mẫu súng trường tấn công thế hệ tiếp theo của Quân đội Đức.
Trả lời phỏng vấn truyền thông, một binh sĩ lực lượng đặc biệt Ukraine cho biết, anh thích khẩu MK556 hơn khẩu M4A1 được trang bị trước đó, vì nó nhỏ, bền và không cần phải bảo quản nhiều.
Vũ khí của Đức nổi tiếng với chất lượng tốt và hiệu suất vượt trội, xe tăng Leopard 2, pháo phòng không Gepard và pháo tự hành PzH-2000 do nước này sản xuất đang đóng vai trò là những trang bị nòng cốt và được quân đội Ukraine "hết lời ca ngợi".
Đặc nhiệm Ukraine "săn lùng" quân đội Nga ở nước ngoài?
Lực lượng đặc biệt Ukraine, với những vũ khí hiện đại của Đức, thậm chí mở ra những "chiến trường mới" bên ngoài châu Âu. Họ đang "săn lùng" quân đội Nga, không chỉ tấn công vùng ảnh hưởng của Moscow, mà mục đích còn nhằm phân tán càng nhiều nguồn lực chiến tranh của đối phương càng tốt.
Nhà báo người Mỹ David Kirichenko đã viết trên The Hill rằng: "Ukraine đang chiến đấu với lực lượng Moscow không chỉ ở trên lãnh thổ Ukraine, ở trong nước Nga mà cả ở châu Phi và Syria".
Ông Kirichenko nhận định, khi tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt, Moscow hy vọng chiếm được Kiev trong vòng vài tuần. Tuy nhiên, Ukraine không chỉ đẩy lùi quân Nga ở Kiev mà còn phát động phản công, giành lại nhiều vùng lãnh thổ, đồng thời đe dọa phạm vi ảnh hưởng của Nga ở các nơi khác trên thế giới.
Dựa trên một "tài liệu tuyệt mật" từ cơ quan tình báo Mỹ, chuyên gia Kirichenko cho biết, Tổng cục tình báo quốc phòng Ukraine (GRU) trước đó đã lên kế hoạch hỗ trợ người Kurd bí mật tấn công quân đội Nga ở Syria vào đầu năm 2023.
"Mục đích tấn công quân đội Nga ở Syria là buộc Moscow chuyển nguồn lực quân sự khỏi Ukraine, để tăng cường phòng thủ cho Syria. Các sĩ quan của Kiev đã huấn luyện Lực lượng Dân chủ Syria sử dụng những UAV tiên tiến nhất", tài liệu cho hay.
Nhưng hành động của Ukraine đã không thể đạt được kỳ vọng, thay vì thu hút quân đội Nga tăng cường sức mạnh quân sự đến Syria thì Moscow lại rút thiết bị khỏi Syria, vùng Kavkaz và các cuộc xung đột khu vực khác mà Nga có liên quan. Lý do là Moscow cần bổ sung lực lượng cho mặt trận chính. Ví dụ tên lửa phòng không S-300 đã được rút từ Syria để đưa đến chiến trường Ukraine.
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba năm ngoái đã hứa sẽ "giải phóng châu Phi khỏi tay người Nga". Ở "Lục địa Đen", Moscow trước đây đã sử dụng Tập đoàn quân sự tư nhân Wagner để hợp tác với các lãnh chúa châu Phi và sở hữu một lượng lớn khoáng sản, chẳng hạn như các mỏ vàng ở Sudan, nơi có thể thu được hàng tỷ USD lợi nhuận mỗi năm.
Mặc dù Wagner đang rơi vào trạng thái khủng hoảng sau khi ông trùm Prigozhin qua đời trong một vụ tai nạn máy bay nhưng có thể nói rằng, công ty chỉ thay đổi thương hiệu còn thực lực của họ vẫn như cũ.
Năm ngoái, trước thông tin của CNN về việc đặc nhiệm Ukraine đã tấn công lực lượng dân quân Sudan, được lính đánh thuê Wagner hỗ trợ ở Sudan, Trung tướng Budanov - Giám đốc GRU - cho biết: "Cá nhân tôi đã công khai tuyên bố rằng, tất cả các nhân viên đã từng đang hoặc có kế hoạch hợp tác với Nga, đang chiến đấu ở Ukraine sẽ bị trừng phạt ở bất cứ đâu trên thế giới".
Về thông tin của CNN, ông nói: "Tôi sẽ không bình luận, tôi không có gì để nói, hãy để mọi người tự tìm câu trả lời cho mình".
Pháp có thể hưởng lợi?
Theo một số chuyên gia, Ukraine có khả năng can thiệp quân sự vào những khu vực mà các cường quốc phương Tây không sẵn lòng, hoặc không tiện can thiệp, chẳng hạn như Sudan và miền nam Syria. "Phương Tây sẽ khôn ngoan, nếu cung cấp thêm hỗ trợ cho Ukraine để chống lại sự ảnh hưởng toàn cầu của Nga", CNN viết.
Trên thực tế, ở Syria, phương Tây cũng như Israel về cơ bản ngang hàng với Nga. Mỹ đã từng đụng độ với lính đánh thuê Wagner, nhưng kể từ đó, Mỹ và Nga thậm chí còn hợp tác trong vụ tiêu diệt thủ lĩnh Nhà nước Hồi giáo tự xưng (ISIS) Abu Omar al-Baghdadi. Tất nhiên, Nga từ chối thừa nhận điều đó, nhằm tránh sự trả thù của ISIS và tìm cách "đá quả bóng" vào chân Mỹ.
Không cần phải nói về châu Phi, vì lý do lịch sử, ảnh hưởng của Pháp ở lục địa này vượt xa Nga và Mỹ. Một số cuộc đảo chính ở châu Phi dường như được Moscow hỗ trợ vào năm ngoái, đã khiến các nước thuộc địa cũ tin rằng họ phải trục xuất ảnh hưởng của Pháp.
Và nếu Pháp tiến hành can thiệp quân sự, giới truyền thông thân Nga hay phía Nga sẽ cho rằng, phương Tây sẽ thực hiện chủ nghĩa thực dân. Dưới sự chi phối về mặt chính trị, chắc chắn Pháp sẽ khó hoạt động vào thời điểm này khi không thể tấn công trực tiếp vào các tổ chức dân quân, vốn được lính đánh thuê Nga hỗ trợ.
Đương nhiên, Kiev đã giúp Paris "thoát khỏi khó khăn" khi tấn công các tổ chức dân quân, được lính đánh thuê Nga hỗ trợ. Đó cũng có thể là lý do khiến Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trở nên nhiệt tình hơn trong việc hỗ trợ Ukraine?